Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cho thôi chức, bố trí công tác khác 14 cán bộ diện Trung ương quản lý

Đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, cho nghỉ công tác, nghỉ hưu, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý.

Kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn hơn giữa "xây" và "chống"

Sau 2 ngày rưỡi làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, sáng 17/5, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp phiên bế mạc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và có bài phát biểu quan trọng bế mạc hội nghị.

Nhìn lại kết quả từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, chúng ta đã cơ bản thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII. Ảnh Nhật Minh

Theo đó, tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 2,56%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm; tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch 6 - 6,5%, và là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới; tăng trưởng GDP trong quý I năm 2023 tuy chỉ đạt 3,2% so với cùng kỳ, nhưng theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, cả năm vẫn có thể đạt từ 6 đến 6,5%.

Trung ương khẳng định, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có nhiều đổi mới rất tích cực như bổ sung, mở rộng chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bao gồm cả chỉ đạo phòng, chống tham nhũng và phòng, chống "tiêu cực", trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, coi đây là gốc của mọi vấn đề.

Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh được thành lập ở toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bước đầu có kết quả tốt, từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" trước đây.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, từng bước tiến tới: "không dám", "không thể", "không muốn", "không cần" tham nhũng.

Trung ương đánh giá, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được chỉ đạo mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, quyết liệt, và có hiệu quả rõ rệt như thời gian gần đây; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta...

Bên cạnh đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã tạo sự chuyển biến rất tích cực, với nhiều dấu ấn nổi bật trong việc kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn hơn giữa "xây" và "chống".

Đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, cho nghỉ công tác, nghỉ hưu, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý; các địa phương bố trí công tác và thực hiện chính sách đối với 22 trường hợp cán bộ sau khi bị kỷ luật theo đúng chủ trương của Đảng về việc "có vào, có ra; có lên, có xuống" được cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá rất cao...

Tuy nhiên, Trung ương cũng chỉ ra một số hạn chế, tồn tại, như: Lãnh đạo, chỉ đạo công tác nắm tình hình; nghiên cứu chiến lược, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế; tổ chức thực hiện một số chính sách phục hồi phát triển kinh tế-xã hội có lúc, có nơi còn chậm.

Lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách hành chính, quản lý, sử dụng biên chế có mặt còn hạn chế, hiệu quả chưa cao; công tác xây dựng, hoàn thiện luật pháp, chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu.

Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại, diễn biến phức tạp, không thể chủ quan, lơ là.

Một số lãnh đạo cấp cao, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhận trách nhiệm chính trị, có vi phạm cũng phải xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

 Các đại biểu tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII. Ảnh Nhật Minh

Nghiêm túc tự soi, tự sửa, tự phê bình và phê bình

Từ thực tế lãnh đạo, chỉ đạo trong nửa đầu nhiệm kỳ, Trung ương thống nhất rút ra một số bài học kinh nghiệm về việc đổi mới phương thức lãnh đạo và phong cách, lề lối làm việc:

Một là, phải luôn nắm vững và nghiêm túc chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, Quy chế làm việc và chủ trương, đường lối của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước. Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ phải được thực hiện thật tốt trên cơ sở nêu cao đoàn kết thống nhất; kiên định, nhất quán, giữ vững nguyên tắc trước những vấn đề khó khăn, thách thức mới.

Hai là, phải bám sát Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xây dựng và thực hiện tốt chương trình công tác hằng năm, hằng quý, hằng tháng, hằng tuần theo đúng kế hoạch; đồng thời nhạy bén, linh hoạt, kịp thời điều chỉnh, bổ sung vào chương trình công tác những công việc hệ trọng, phức tạp, mới phát sinh trên các lĩnh vực để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả toàn diện mọi hoạt động trong đời sống xã hội.

Ba là, phải tập trung ưu tiên ban hành đồng bộ và có chất lượng hệ thống pháp luật, các quy định, quy chế, quy trình công tác để thực hiện nghiêm túc, thống nhất trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, sự vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân theo đúng tinh thần "Tiền hô hậu ủng", "Nhất hô bá ứng", "Trên dưới đồng lòng", "Dọc ngang thông suốt".

Bốn là, tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và từng đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải chấp hành nghiêm túc các quy chế, chế độ công tác; hoạt động trên cơ sở Quy chế làm việc, Chương trình công tác toàn khóa và hằng năm.

Năm là, từng Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần phát huy cao độ tinh thần nêu gương, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng; nghiêm túc tự soi, tự sửa, tự phê bình và phê bình; giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tự giác nhận trách nhiệm chính trị lĩnh vực mình phụ trách; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và các biểu hiện tiêu cực khác; giữ gìn sự đoàn kết nội bộ; tư tưởng, chính trị vững vàng, quan điểm đúng đắn; gương mẫu về đạo đức, lối sống trong công tác, trong cuộc sống của bản thân, gia đình và người thân.

Tác giả: Luân Dũng

Nguồn tin: Báo Tiền Phong