'Người dân kỳ vọng lãi suất thực dương, ngân hàng rất khó giảm lãi suất’
- 13:20 17-05-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tâm lý người gửi tiền đều mong nhận lãi suất thực dương - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG |
Thêm vào đó hiện chênh lệch tiền gửi và cho vay bằng VND lên đến 167.000 tỉ đồng, hệ số sử dụng vốn lên đến 101,45%. Ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn nhưng vẫn phải đáp ứng các nhu cầu cho vay trung dài hạn đã tạo sức ép lên lãi suất huy động.
Trong thông cáo phát đi sáng nay 17-5, Ngân hàng Nhà nước đã nêu ra những con số trên để giải đáp câu hỏi mà nhiều doanh nghiệp người dân quan tâm, đó là vì sao lãi suất cho vay giảm quá chậm?
Theo Ngân hàng Nhà nước, kinh tế Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng. Tỉ lệ tín dụng/GDP cuối năm 2022 ở mức 125,34%, trong khi nhu cầu vốn để phát triển kinh tế luôn ở mức cao, tạo áp lực lên lãi suất cho vay.
Hiện khoảng 88% tiền gửi là ngắn hạn (kỳ hạn 12 tháng trở xuống) nhưng trên 52% dư nợ tín dụng VND của hệ thống là trung dài hạn. Điều này đã tạo nên sức ép lên lãi suất huy động.
Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, biến động của thị trường tài chính, tiền tệ thế giới tác động nhanh và mạnh lên lãi suất, tỉ giá trong nước.
Từ năm 2022, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt để chống lạm phát. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã 10 lần tăng lãi suất. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng liên tục tăng lãi suất.
Áp lực lạm phát hiện hữu, tiểm ẩn và người dân kỳ vọng lãi suất thực dương nên các ngân hàng khó giảm lãi suất để thu hút tiền gửi, khiến chi phí đầu vào tăng cao. Huy động vốn đến ngày 27-4 chỉ tăng 1,78%, chỉ bằng hơn một nửa so với tốc độ tăng trưởng tín dụng 3,04%.
Thêm vào đó, thông tư số 02 mới ban hành cho phép ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn.
"Tức là ngân hàng chưa thu nợ khi đến hạn trong khi vẫn phải đảm bảo chi trả tiền gửi, làm giảm doanh số cho vay và chậm lại vòng quay vốn trong nền kinh tế. Từ đó gây áp lực trở lại lên khả năng cân đối vốn và dư địa giảm lãi suất", Ngân hàng Nhà nước lý giải.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, việc một số ngân hàng quy mô nhỏ duy trì lãi suất tiền gửi ở mức cao để giữ khách hàng cũng làm cho việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay trở nên khó khăn hơn.
"Theo quy định hiện hành, việc xem xét quyết định về lãi suất cho vay là do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận theo cung cầu vốn thị trường và mức độ tín nhiệm của khách hàng.
Trường hợp lãi suất thị trường có biến động hoặc Ngân hàng Nhà nước tăng/giảm các mức lãi suất điều hành, dẫn đến mặt bằng lãi suất trên thị trường thay đổi thì lãi suất các khoản vay mà ngân hàng và khách hàng đã thỏa thuận tiếp tục duy trì cho tới kỳ điều chỉnh lãi suất tiếp theo", Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, qua theo dõi báo cáo của các ngân hàng, đến nay nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay. Hiện lãi suất cho vay mới ở mức khoảng 9,3%/năm (giảm 0,65%/năm so với cuối năm 2022).
"Thời gian tới, trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ trong và ngoài nước, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách.
Đồng thời Ngân hàng Nhà nước tiếp tục khuyến khích các ngân hàng triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh", Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Agribank giảm 0,5% lãi suất cho vay Agribank vừa công bố giảm 0,5% lãi suất cho vay áp dụng với dư nợ trung dài hạn hiện hữu của khách hàng, từ ngày 15-5 đến hết ngày 30-9. Agribank ước tính có khoảng 2 triệu khách hàng được hỗ trợ theo chương trình, với tổng số tiền được giảm là hơn 1.000 tỉ đồng. Đây là lần thứ năm liên tiếp từ đầu năm đến nay, Agribank điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ các đối tượng khách hàng, giúp giảm thiểu chi phí để tập trung tái cơ cấu, khôi phục hoạt động kinh doanh. |
Tác giả: ÁNH HỒNG - LÊ THANH
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ