Nhiều con đường vào ĐH, kỳ thi học sinh giỏi có còn sức hút?
- 07:56 17-05-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đề xuất tăng tỷ lệ giải HSG quốc gia
Trải qua 50 năm phát triển và trưởng thành, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An đạt 1.500 giải HS giỏi quốc gia, hơn 50 lượt học sinh thi khu vực và quốc tế. Đặc biệt, trong 10 năm trở lại đây, nhà trường liên tục có học sinh dự thi HSG quốc gia, thi Olympic quốc tế và khu vực.
Năm 2017 có 5 HS dự thi Olympic quốc tế và khu vực Châu á – Thái Bình Dương. Trong kỳ thi HSG quốc gia năm nay, trường có 87 giải sau, chỉ xếp sau Hà Nội. Năm nay, Trường cũng có 4 HS dự thi cả thi khu vực và quốc tế. Giàu thành tích là vậy nhưng thầy Trần Văn Nga, Phó Hiệu trưởng nhà trường vẫn băn khoăn bởi chất lượng HSG những năm gần đây biến động.
Học sinh có dự định du học, phát triển theo hướng toàn diện, nâng cao khả năng ngoại ngữ nên không phải em nào cũng mặn mà vào đội tuyển, “có em gia đình có dự định từ đầu, xin không tham gia”.
Theo thầy Nga, nếu trước đây, học sinh chỉ có mục tiêu học tập “hết sức” để vào ĐH thì những năm gần đây với cơ chế tự chủ của các trường ĐH, việc xét tuyển học bạ, xét tuyển theo nhiều phương thức khác nhau khiến cho đường vào ĐH có thể đi theo nhiều hướng chứ không chỉ có con đường trở thành HSG quốc gia.
Thi HSG quốc gia ngoài là vinh dự của cá nhân, gia đình, nhà trường và địa phương thì còn là tấm “vé” vào thẳng ĐH. Tuy vậy, con đường vào thẳng ĐH bằng thi HSG quốc gia khó khăn hơn nhiều so với luyện thi để lấy chứng chỉ quốc tế như IELTS, SAT.
Không phải HS nào cũng mặn mà vào đội tuyển HSG |
Thầy Ngô Thanh Xuân – hiệu trưởng trường THPT Chuyên tỉnh Lào Cai so sánh, để thi HSG quốc gia HS mất 3 năm nghiêm túc ôn luyện, trong khi luyện thi lấy chứng chỉ quốc tế như IELTS rộng mở hơn, dễ hơn. “Nhiều HS nói thi IELTS em có vé vào ĐH. Hơn nữa, tấm vé đó còn giúp em suốt quá trình học ĐH và thực hành nghề nghiệp”.
Hiện nay, tỷ lệ giải học sinh giỏi quốc gia dao động 50% số lượng HS dự thi. Bộ GD&ĐT đang dự kiến sẽ tăng tỉ lệ này lên 60%. Tuy nhiên, theo thầy Xuân, con số này cần cao hơn, có thể là 70% để khuyến khích học sinh đặc biệt với những HS ở khu vực miền núi như Lào Cai.
Ông phân tích, mặt bằng toàn quốc có 3 triệu HS cấp THPT, mỗi địa phương cử 6-8 HS, mỗi môn thi có 450 HS xuất sắc nhất Việt Nam, tỷ lệ hơn 6.000 HS toàn quốc mới chọn được 1 em giỏi 1 môn nào đó. Như vậy tỷ lệ 50% HSG theo thầy Xuân là thấp.
Hơn nữa, với địa phương miền núi khó khăn, việc tuyển sinh vào chuyên không dễ dàng. Đơn cử, Lào Cai mỗi năm có 600 em đăng ký tuyển sinh vào chuyên, nhưng nhà trường lấy đến 350 chỉ tiêu. Nghĩa là tỷ lệ chọi chưa đến 1 chọi 1. “Chúng tôi nói vui “đào tạo HSG biến chú gà con thành đại bàng”, thầy Xuân mong muốn Bộ GD-ĐT xem xét, nâng tỉ lệ HSG để động viên HS.
Thầy Hồ Đắc Phương – giảng viên Trường ĐH Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, thống kê trong 3.000 sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Công nghệ trong 5 năm trở lại đây theo 4 nhóm xét tuyển gồm: tuyển thẳng và xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển từ bài thi đánh giá năng lực và xét tuyển theo IELTS, SAT. Kết quả cho thấy, học sinh giỏi vẫn là nguồn tuyển có chất lượng tốt nhất.
“Tuyển thẳng và xét tuyển thẳng thì kết quả tốt hơn nhiều THPT và đánh giá năng lực, sau đó mới đến IELTS. Còn tuyển từ cuộc thi khoa học kỹ thuật là không học được ở trường công nghệ”, thầy Phương thẳng thắn.
Cần có chính sách thu hút chuyên gia bồi dưỡng HSG
Để nâng cao chất lượng HSG, thầy Trần Văn Nga, Phó hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An cho rằng, cần có chế độ chính sách đột phá cho các hệ thống trường chuyên, chăm lo đời sống giáo viên, tôn vinh HS giỏi, bồi dưỡng thầy cô trẻ đạt giải quốc gia, quốc tế về dạy trường chuyên, chất lượng cao để có chuyên gia tốt.
Bên cạnh cơ sở vật chất phục vụ ôn thi HSG thì cần khơi dậy cho học trò khát khao học tập hết mình, “học hết trách nhiệm chứ nếu không lăn xả thì không thành công”.
Theo thầy Nga, Bộ GD-ĐT tiếp tục tham mưu cho các ban ngành cơ chế gửi HSG đi học nước tiên tiến phục vụ đất nước và trở về phụng sự tổ quốc nhất là ở lĩnh vực khoa học cơ bản.
Tại hội nghị về công tác thi chọn học sinh giỏi quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 13/5, Bộ GD-ĐT rút ra bài học kinh nghiệm về công tác tổ chức thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia: Thứ nhất, đổi mới căn bản đồng bộ trong công tác tổ chức thi chọn học sinh giỏi quốc gia và tập huấn các đội tuyển. Tiếp tục tổ chức sớm kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia để tăng thời gian tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực. Tổ chức kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic tiếp cận dần với hình thức thi của khu vực và quốc tế. Thực hiện đồng bộ các giải pháp coi thi, chấm thi các vòng thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia bảo đảm khách quan, trung thực, đánh giá đúng trình độ học sinh, chọn được những học sinh giỏi nhất tham dự các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế. Đổi mới, tăng cường huy động cán bộ, giáo viên giỏi toàn quốc giới thiệu để phục vụ cho việc ra đề thi nhằm nâng cao chất lượng đề thi của kỳ thi. Thứ hai, cần sự nỗ lực, cố gắng vượt khó vươn lên; đặc biệt là niềm đam mê khoa học và sự sáng tạo trong học tập, rèn luyện của các học sinh trong các đội tuyển quốc gia. Thứ ba là chiến lược phù hợp và công lao của các nhà trường trong dạy học, bồi dưỡng học sinh giỏi. Bộ GD-ĐT cho biết, sẽ chỉnh sửa để thống nhất cách hiểu và bảo đảm tính thực tế, khả thi của một số nội dung quy định của Quy chế thi. Đồng thời, tăng tỷ lệ giải của kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia. Tiếp tục tổ chức thi thực hành các môn Vật lí, Hóa học và Sinh học ở Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế; không tổ chức buổi thi thực hành trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Tăng cường huy động giáo viên trường THPT chuyên ra đề thi, đề xuất và tham gia soạn thảo, phản biện, thẩm định đề thi tại Hội đồng ra đề thi hằng năm. Áp dụng thi trực tuyến môn Tin học trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia hàng năm./. |
Tác giả: Phương Lan
Nguồn tin: vov.vn