Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An

Chiều 12/5, Đoàn công tác đôn đốc tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu và bảo đảm an sinh xã hội do đồng chí Đào Ngọc Dung - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Nghệ An.

Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Đình Long – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành.

 Quang cảnh buổi làm việc


100% số vốn thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội đã được giao

Báo cáo với Đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long cho biết, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) quý I/2023 ước đạt 7,75% (đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố của cả nước). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 4,64%; khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 7,03% (riêng công nghiệp ước tăng 8,65%); khu vực dịch vụ ước tăng 10,23%.

 

 Đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo

Về giải ngân vốn đầu tư công, đến nay, tỉnh Nghệ An đã cơ bản hoàn thành giao chi tiết kế hoạch năm 2023 cho các dự án theo đúng quy định, trong đó đã giao 100% số vốn thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội (748 tỷ đồng cho 05 dự án). Tính đến ngày 30/4/2023, đã giải ngân 2.105,348 tỷ đồng, đạt 23,31%.

Về xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, hiện trong Khu kinh tế Đông Nam có 4 khu công nghiệp (KCN) đã thu hút các dự án đầu tư đi vào hoạt động (KCN Nam Cấm; KCN Bắc Vinh; Khu công nghiệp, đô thị dịch vụ VSIP Nghệ An; KCN WHA Industrial Zone Nghệ An); 01 KCN đang hoàn thiện các thủ tục để chuẩn bị cho lễ khởi công (KCN Thọ Lộc giai đoạn 1 với 500 ha); 01 KCN đang trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư (KCN Hoàng Mai II với 334,79ha); có 03 KCN Nhà đầu tư đang nghiên cứu, khảo sát, đề xuất tài trợ quy hoạch (KCN Thọ Lộc B, KCN Nghĩa Đàn, KCN WHA giai đoạn 3).

Thời gian qua, nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện, tỉnh đang tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án đường ven biển Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cửa Lò (Nghệ An), triển khai thủ tục đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường đi huyện Nam Đàn; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan sớm hoàn thành dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn qua tỉnh Nghệ An); đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng bến số 7, 8 Cảng Cửa Lò, một số bến của Cảng Vissai Nghi Thiết, khu bến Đông Hồi.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 4 tháng năm 2023 ước đạt 712,3 triệu USD, giảm 5,92% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 28,5% kế hoạch xuất khẩu năm. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng có kim ngạch giảm so với cùng kỳ 2022. Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá 4 tháng năm 2023 ước đạt 444,2 triệu USD, tương đương kim ngạch cùng kỳ 2022.

Về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hiện Tỉnh đang rà soát, hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (phấn đấu phê duyệt trong tháng 5/2023).

 Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị tỉnh Nghệ An chỉ nên xây dựng không quá 10 cơ sở dạy nghề, đầu tư thật tốt cơ sở hạ tầng trong đào tạo để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp


Về thị trường lao động và nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, toàn tỉnh hiện có khoảng 14.394 doanh nghiệp đang hoạt động. 4 tháng đầu năm 2023, có 246 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng 22.271 lao động. Các doanh nghiệp tuyển dụng chủ yếu lao động phổ thông, chiếm tỷ lệ 56,01% lao động cần tuyển. Tính đến ngày 30/4/2023, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 21.052 người. Công tác lao động, người có công và xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt nhiều kết quả, phần lớn các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt kế hoạch đề ra, một số chỉ tiêu về giải quyết việc làm, huy động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, huy động nguồn lực hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… đạt cao và vượt xa so với năm 2021, kế hoạch năm và cùng kỳ năm 2022…

Tỉnh Nghệ An đề xuất nhiều kiến nghị

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các Sở, ngành đã phân tích những khó khăn trong thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng như thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai; thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách; công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; công tác thanh toán vốn đầu tư; công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC)… ­và các chính sách thuế, phí, lệ phí, thị trường.

 Giám đốc Sở KH&ĐT Phạm Hồng Quang làm rõ hơn tình hình giải ngân vốn đầu tư công, tình hình thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia


Trên cơ sở phân tích các khó khăn, vướng mắc, các ngành đã nêu lên một số kiến nghị, đề xuất. Cụ thể, về chỉ tiêu sử dụng đất phân bổ cho tỉnh Nghệ An, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh các chỉ tiêu đất chuyên trồng lúa nước, đất xây dựng cơ sở y tế, đất xây dựng cơ sở thể dục thể thao, các chỉ tiêu sử dụng đất trong Khu kinh tế và đất Khu công nghiệp.

Về phạm vi ủy quyền chuyển mục đích sử dụng đất, đề nghị Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho HĐND tỉnh Nghệ An chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha và đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng đầu nguồn với quy mô dưới 50 ha đã bao gồm việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa khác (ngoài đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên) và đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng khác (ngoài đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng đầu nguồn).

 Thành viên đoàn công tác phát biểu


Đề nghị sửa đổi Luật Đầu tư theo hướng phân cấp cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp thuộc quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Về quy định công tác PCCC, đề nghị Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan có các giải pháp khắc phục các tồn tại, vướng mắc đảm bảo an toàn PCCC của các dự án đã đầu tư xây dựng theo lộ trình phù hợp, khả thi để các doanh nghiệp có cơ sở thực hiện và không gây ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất của doanh nghiệp…

 Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu


Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã báo cáo cụ thể về việc thực hiện Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Trong 6 cơ chế được ban hành, Nghệ An đã thực hiện hiệu quả chính sách được phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết. Tuy nhiên, bên cạnh đó có một số cơ chế chưa được triển khai. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã nêu lên một số kiến nghị trong thực hiện Luật Đầu tư công.

Về công tác phòng, chống ma túy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, công tác này được cả hệ thống chính trị, cấp ủy chính quyền quan tâm thực hiện theo tinh thần “chặn cung và giảm cầu”, “làm giảm, làm sạch, làm yên”. Công an tỉnh đã xây dựng và triển khai Đề án xây dựng “xã biên giới sạch về ma tuý” triển khai tại 27 xã biên giới và đã đạt được những kết quả tích cực; phấn đấu trong thời gian tới Nghệ An sẽ ra khỏi các địa bàn trọng điểm về ma túy. Đối với công tác quản lý người nghiện về ma túy, hiện trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình phù hợp.

Tập trung thực hiện giải ngân vốn đầu tư công

 Đồng chí Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH kết luận


Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá Nghệ An là mảnh đất địa linh nhân kiệt, là địa danh giàu truyền thống văn hóa dân tộc; được Trung ương quan tâm, phối hợp, hỗ trợ và đồng hành. Thời gian vừa qua, trong muôn vàn khó khăn, tỉnh Nghệ An đã chủ động bứt phá đi lên và đạt được nhiều kết quả khả quan. Nghệ An đã tập trung thu hút đầu tư và việc thu hút đầu tư có trọng điểm, có chọn lọc; đã quan tâm đến công tác đào tạo lao động để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành hoàn thiện báo cáo trên cơ sở làm rõ hơn tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng xuất nhập khẩu và bảo đảm an sinh xã hội, tình hình triển khai Nghị quyết số 36 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; làm rõ hơn những kiến nghị của tỉnh đối với Trung ương.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị tỉnh Nghệ An khẩn trương hoàn thiện và trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung thực hiện các cơ chế đặc thù được ban hành trong Nghị quyết số 36 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức sắp xếp lại hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần tinh gọn. Tập trung thực hiện 3 trụ cột “kinh tế - môi trường – xã hội”; 3 trọng tâm “năng suất – bền vững – quản trị”; 4 chuyển đổi “công nghệ - không gian – xanh – xã hội”. Tiếp tục thực hiện các giải pháp trong công tác phòng chống ma túy, cai nghiện.

Những kết quả, khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của tỉnh Nghệ An, Đoàn công tác sẽ tiếp thu, tổng hợp đầy đủ để báo cáo với Chính phủ.

Tác giả: Thúy - Oanh

Nguồn tin: nghean.gov.vn