Nhọc nhằn giải bài toán thiếu hụt thú y cấp xã
- 05:50 08-05-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thiếu lực lượng chân rết thú y xã suốt thời gian dài khiến công tác kiểm soát dịch bệnh của ngành chăn nuôi thú y Nghệ An gặp muôn vàn khó khăn. Ảnh: Quốc Toản. |
Càng gỡ càng rối
Ngày 5/3/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Kết luận 134 về sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức của hệ thống chính trị cấp xã theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả.
Hội đồng Nhân dân tỉnh cũng thông qua Nghị quyết ngày 12/12/2019 liên quan đến số lượng, chức danh, mức phụ cấp, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác.
Trên tinh thần đó, không bố trí chức danh người hoạt động không chuyên trách về thú y, bảo vệ thực vật tại cấp xã. Tưởng như bước đột phá sẽ tạo nên một làn gió mới, nào ngờ việc này kéo theo muôn vàn rắc rối nảy sinh.
Theo Sở NN-PTNT, từ khi Nghị quyết HĐND có hiệu lực, việc thực hiện các chủ trương, chính sách về bảo vệ thực vật, thú y tại cấp xã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi phát hiện chậm, chưa bao vây, kiểm soát kịp thời khi bệnh ở diện hẹp… đồng nghĩa luôn tiềm ẩn nguy cơ lây lan, bùng phát trên diện rộng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch sản xuất.
Trên thực tế, lực lượng bảo vệ thực vật, thú y cơ sở được xem là hệ thống chân rết, cầu nối hữu hiệu giữa UBND xã và cơ quan chuyên môn cấp huyện. Thiếu bộ phận này đồng nghĩa không có người nắm bắt, cập nhật diễn biến chung, kéo theo chậm trễ trong công tác tham mưu và triển khai các bước.
Trong khi đó, Nghệ An có diện tích đất tự nhiên lớn nhất cả nước, địa bàn rộng, trải dài, địa hình phân bổ phức tạp với nhiều huyện vùng sâu, vùng xa. Cơ cấu ngành nông nghiệp và tỷ trọng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi vẫn duy trì ở mức cao nhưng phương thức sản xuất chủ yếu là nông hộ nhỏ lẻ, manh mún, chưa đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.
Ở khía cạnh khác, một số xã đã linh hoạt bố trí công chức địa chính, nông nghiệp kiêm nhiệm lĩnh vực thú y, bảo vệ thực vật, khuyến nông. Thiết lập dưới dạng “chữa cháy” nên phần đa không đảm bảo chuyên môn thuần túy, thành thử rất bị động khi dịch bệnh xảy ra.
Thiếu sự hiện diện thường trực của lực lượng thú y cấp xã đã đẩy ngành chăn nuôi Nghệ An vào thế khó. Bằng chứng, năm 2020 trên địa bàn ghi nhận đến 211 ổ dịch tả lợn Châu Phi, buộc phải tiêu hủy 7.688 con. Trong những tháng đầu năm 2021 tiếp tục phát hiện 141 ổ dịch khác tại 12 huyện, thành, thị, qua đó tiêu hủy hơn 5.300 con. Ngoài ra, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò cũng lây lan trên diện rộng.
Trên đây là một lát cắt điển hình, phản ánh chân thực những tồn tại, vướng mắc khi mất hệ thống thu y cơ sở. Từ nhu cầu cấp thiết này, Sở NN-PTNT Nghệ An đã đề xuất phương án “tiếp tục bố trí chức danh và mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách về bảo vệ thực vật, thú y cấp xã”.
Đáp lại, ngày 9/12/202, Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết mới cho phép mỗi xã được bố trí 1 người làm công tác thú y hoạt động không chuyên trách, được hưởng chế độ phụ cấp hệ số từ 1,1 - 1,25 mức lương cơ bản.
Theo ghi nhận của Báo Nông nghiệp Việt Nam, sau hơn 1 năm, đến nay việc khôi phục hệ thống thú y cơ sở tại Nghệ An vẫn chưa hoàn tất. Hiện mới có 420 phường, xã bố trí được người (đạt tỷ lệ 91%), 40 xã đang kiện toàn. Chưa kể, quá trình thực hiện đang đối diện với không ít rào cản, thách thức.
Hiện việc khôi phục hệ thống thú y cơ sở tại Nghệ An vẫn chưa hoàn tất dù đã có chủ trương của tỉnh. Ảnh: Quốc Toản. |
Khó tuyển dụng
Thực sự đáng lo khi nhiều vùng chăn nuôi trọng điểm trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa bố trí được người có chuyên môn phù hợp, dẫn đầu là huyện Yên Thành khi khuyết đến 13 xã, kế đến là Hưng Nguyên (9 xã), Nghi Lộc (5 xã), Con Cuông (5 xã)…
Có nhiều nguyên nhân xoay quanh vấn đề này, bao gồm cả sự chồng chéo về quy định hiện hành lẫn mức thu nhập bọt bèo đang áp dụng bấy lâu.
Trước tiên là chỉ tiêu cứng không quá 40 tuổi cho chức danh thú y xã khi tuyển dụng lần đầu (quy định tại điểm d, khoản 1, điều 4 Quyết định số 84/2014/QĐ-UBND). Ngoài ra, mức phụ cấp tại khoản 1, điều 3 Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND thấp hơn nhiều so với thu nhập bình quân chung, do đó rất khó níu chân những người đủ điều kiện tuyển chọn.
Chưa hết, tại khoản 2, điều 4 của Quyết định 84/2014/QĐ-UBND yêu cầu “trình độ học vấn tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bổ túc trung học phổ thông. Ở các xã vùng cao, đặc biệt khó khăn tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên”.
Thực tế không ít người tham gia tuyển dụng đã từng làm thú y xã, có kinh nghiệm và năng lực làm nghề nhưng lại không đáp ứng được yếu tố… học vấn.
Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành chia sẻ: “Một số người có chuyên môn, một số trường hợp nghỉ việc theo Nghị quyết 22/2019/NQ-HĐND không đủ điều kiện tuyển chọn chức danh thú y, bảo vệ thực vật do đã quá tuổi, hoặc không có bằng cấp phù hợp. Từ thực tế trên, đề nghị các cấp, ngành liên quan điều chỉnh tiêu chuẩn tuyển chọn người hoạt động không chuyên trách cấp xã để phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, đặc biệt là chức danh thú y xã”.
Trong khi đó, ông Nghiêm Xuân Bảo, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Hưng Nguyên thừa nhận chế độ, chính sách hiện tại rất khó để tuyển dụng được người phù hợp: “Nghệ An có tổng đàn chăn nuôi thuộc tốp đầu cả nước nhưng quy trình chưa đồng bộ, còn sơ sài và khó kiểm soát. Bắt buộc phải có bộ phận thú y cơ sở để thường xuyên túc trực, giám sát, kịp thời hỗ trợ người dân khi vật nuôi gặp sự cố cũng như tham vấn sâu sát cho chính quyền và cơ quan chuyên môn những lúc cấp bách.
Chức năng, nhiệm vụ đặt ra quá lớn nhưng chế độ không tương xứng, thành thử nhiều người không mặn mà. Bỏ công, bỏ sức theo học, khi ra trường làm bán chuyên trách chỉ nhận đồng lương còm cõi 1,7 – 1,8 triệu/ tháng, trong khi làm lao động đơn thuần tại các Khu công nghiệp cũng tầm 7 – 8 triệu/ tháng rồi. Bởi thế những người có kinh nghiệm, bằng cấp họ lựa chọn những mục tiêu khả dĩ hơn”.
Ông Trần Huân Quyết, cán bộ thú y bán chuyên trách thị trấn Hưng Nguyên, Nghệ An chia sẻ những khó khăn, cơ cực sau nhiều năm lăn lộn với nghề. Ảnh: Việt Khánh. |
Lăn lộn nhiều năm với nghề, ông Trần Huân Quyết, cán bộ thú y bán chuyên trách thị trấn Hưng Nguyên thấu hơn ai hết nỗi gian truân, cực nhọc. Do địa bàn rộng, khối lượng công việc quá nhiều nên cái gì cũng đến tay, có điều đồng lương quá hẻo không đủ để trang trải cuộc sống. Nghề này không cố định thời gian, bà con gọi lúc nào là đi lúc đấy, lắm hôm lọ mọ từ 1, 2 giờ sáng, cơ cực lắm.
"Bây giờ trung cấp không ai học, để có bằng đại học mất đến 4 - 5 năm. Bỏ ngần ấy thời gian để thu về đồng lương còm cõi chẳng ai ham hố. Lớp trẻ lắm hoài bão, chúng không cam chịu cảnh chui rúc chuồng bò, chuồng lợn đâu, ngay như tôi, nếu có sự lựa chọn tốt hơn cũng sẽ tính đến phương án chuyển nghề” Ông Trần Huân Quyết tâm sự.
Để giải quyết những tồn tại, vướng mắc, ngành chăn nuôi, thú y Nghệ An kiến nghị các bên liên quan rà soát chặt chẽ định biên cấp xã để kịp thời bổ sung chức danh nhân viên thú y xã.
Đối với các xã đủ số lượng định biên thì cử cán bộ có năng lực, trình độ kiêm nhiệm vụ thú y. Đối với những xã/phường/thị trấn chưa có nguồn ngân sách cần bổ sung kịp thời để chi trả phụ cấp cho nhân viên thú y.
Về phía tỉnh Nghệ An, cần có phương án chỉ đạo các Sở, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung các tiêu chí tuyển chọn nhân viên thú y xã để tạo đà thuận lợi trong việc tuyển dụng, như trình độ văn hóa (tốt nghiệp THPT thay bằng từ THCS). Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ (trung cấp chuyên môn trở lên thay bằng chứng chỉ hành nghề trở lên). Giới hạn về độ tuổi (bỏ tiêu chí tuyển dụng lần đầu không quá 40 tuổi), đồng thời tuyển dụng thú y xã có hộ khẩu cấp xã tuyển dụng (thay bằng có hộ khẩu tại huyện tuyển dụng). |
Tác giả: Việt Khánh - Quốc Toản
Nguồn tin: nongnghiep.vn