Tiền đổ mạnh vào bất động sản nhưng thị trường vẫn… bất động
- 13:42 06-05-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tín dụng vào bất động sản tăng 2,19%
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến ngày 31/3, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 12,2 triệu tỷ đồng, tăng 2,61% so với cuối năm 2022, tăng 10,49% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, góp phần đóng góp vào tăng trưởng GDP cả nước. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.
Thế nhưng, đáng chú ý, tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro gồm bất động sản lại tăng 2,19%, trong đó kinh doanh bất động sản tăng 6,45%, phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 0,25%.
Thị trường bất động sản vẫn khó khăn dù tín dụng tăng (ảnh: Như Ý). |
Giải thích tình trạng tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế từ đầu năm chưa cao, NHNN cho rằng do cầu tín dụng của nền kinh tế giảm. Kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, lạm phát cao, cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm dẫn tới cầu tín dụng giảm tương ứng.
Bên cạnh đó, một số nhóm khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý. Đơn cử nhóm bất động sản, thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn, nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao, tình hình tài chính kém lành mạnh.…
Doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, kết thúc quý I năm nay, thị trường bất động sản Việt Nam tiếp tục duy trì sự trầm lắng (kể từ cuối tháng 5/2022 - PV). Thanh khoản thị trường giảm sâu xuyên suốt những tháng qua khiến nhiều chủ đầu tư liên tục dời lịch mở bán sản phẩm mới theo kế hoạch.
Các doanh nghiệp địa ốc tiếp tục đợi tín hiệu từ thị trường. Nhiều nhà đầu tư cá nhân chờ đợi cơ hội đầu tư vững chắc.
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, thị trường vẫn tiếp tục ghi nhận thông tin giải thể, tạm ngừng hoạt động của một lượng lớn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Tình trạng bỏ nghề, thất nghiệp vẫn diễn ra theo chiều hướng tăng mạnh trong ngành bất động sản.
Dữ liệu của VARS cũng cho thấy thanh khoản trên thị trường bất động sản đang có xu hướng giảm rõ rệt, đặc biệt so với giai đoạn sốt đất nửa đầu năm 2022.
Tỷ lệ hấp thụ trong quý vừa qua cũng chỉ đạt khoảng 11%, tương đương hơn 2.700 giao dịch, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bất động sản, đặc biệt là sản phẩm đất nền ở những khu vực từng xảy ra sốt đất tiếp tục được điều chỉnh giảm.
Nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính, đặc biệt có sử dụng chương trình ưu đãi lãi suất, ân hạn nợ gốc giai đoạn 2018-2022 của các chủ đầu tư buộc phải cắt lỗ từ 10-30%, thậm chí lên đến 30-50% giá trị đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - nhận định, trong quý I, tình trạng chờ đợi, trầm lắng vẫn đang tồn tại. Tuy nhiên, thị trường vẫn xuất hiện những điểm sáng ở các địa phương phát triển mạnh về hạ tầng, tốc độ đô thị hóa cao. Đặc biệt, các sản phẩm nhà ở được đầu tư bởi các chủ đầu tư uy tín, có pháp lý tốt, phục vụ nhu cầu thực.
Bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội - cho rằng, khả năng hồi phục của thị trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm việc tháo gỡ về pháp lý, nguồn vốn và sản phẩm phù hợp.
Thị trường vẫn đang chờ đợi các vấn đề pháp lý quan trọng được thông qua từ giờ cho tới cuối năm 2023 như Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), Luật Đất Đai (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi) và Luật Đấu Thầu (sửa đổi).
Tác giả: Ngọc Mai
Nguồn tin: Báo Tiền Phong