Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Đề Văn lớp 7 'khó như thi học sinh giỏi quốc gia', Phòng GD&ĐT lên tiếng

Đại diện Phòng GD&ĐT Cẩm Khê (Phú Thọ) lên tiếng trước ý kiến cho rằng đề Văn của học sinh lớp 7 có độ khó ngang với thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12.

Ông Bùi Ngọc Luận, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) cho biết, đề thi Ngữ văn lớp 7 đang lan truyền trên mạng do đơn vị xây dựng và áp dụng trong kỳ thi học sinh năng khiếu cấp huyện năm học 2022 - 2023.

Sau khi có phản ánh, các chuyên gia, Phòng GD&ĐT đã đề nghị thầy cô trong tổ ra đề kiểm tra, thẩm định lại nội dung. "Các ý kiến đều đồng thuận đánh giá đề Văn này không sai, phù hợp để đánh giá học sinh trong kỳ thi này", ông Luận nói.

Kết quả, trong gần 100 em dự thi học sinh năng khiếu thì 7 em đạt từ 14/20 điểm trở lên, cao nhất là 14,5 điểm và thấp nhất là 6,5 điểm. Hơn 50% học sinh tham gia làm bài đều đạt điểm trung bình trở lên. 

Do vậy, ông Luận nhận định, đề thi có thể khó với học sinh này nhưng lại bình thường với học sinh khác. Phòng GD&ĐT Cẩm Khê sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến của dư luận, họp nghiên cứu để có phương án điều chỉnh những vấn đề còn chưa tốt.

Ngày 4/5, mạng xã hội xôn xao về đề thi học sinh năng khiếu cấp huyện môn Ngữ văn lớp 7 năm học 2022 - 2023 của Phòng GD&ĐT Cẩm Khê (Phú Thọ). 

Cụ thể, câu 1 (8 điểm): Ngạn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ có câu: "Người độ lượng bao giờ cũng thấy mình giàu có". Trình bày suy nghĩ của em về câu ngạn ngữ trên.

Câu 2 (12 điểm): Bàn về thơ, Đuy-blây viết: "Thơ là người thư ký trung thành của những trái tim". Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng một tác phẩm thơ em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên".

 Đề Văn kỳ thi năng khiếu dành cho học sinh lớp 7 huyện Cẩm Khê, Phú Thọ.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình môn Ngữ văn thuộc Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 bất ngờ với độ khó của đề thi. Ông nói đề này không phù hợp với nhận thức của học sinh lớp 7. Cấu trúc, mô hình và yêu cầu của đề giống kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia dành cho lớp 12.

Thậm chí, ngay học sinh lớp 12 nếu thi vào đề này chưa chắc đủ kiến thức, độ tư duy để phân tích được hết các ý câu hỏi đưa ra.

Học sinh lớp 7 chương trình và sách giáo khoa mới hay cũ cũng đều không thể làm được đề Văn như vậy. Trong khi đó, chương trình phổ thông mới hiện nay chỉ yêu cầu các em đọc hiểu, viết và nói nghe những mức độ rất vừa phải.

Về đọc, học sinh đọc hiểu các văn bản: Tục ngữ, truyện ngụ ngôn, truyện khoa học viễn tưởng, truyện nói chung, thơ trữ tình, tùy bút, tản văn.

Về viết, chương trình lớp 7 chỉ yêu cầu học sinh biết viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử; viết đoạn văn ghi lại cảm xúc của mình sau khi đọc một bài thơ bốn, năm chữ...

Đối chiếu theo các yêu cầu của chương trình, đề Văn trên vượt xa các nội dung cơ bản và nâng cao. "Dù có ra đề cho học sinh giỏi thì vẫn phải căn cứ vào các yêu cầu nêu trên của chương trình để đề xuất cho phù hợp", ông nói.

Bàn về nội dung đề thi, ông Thống đánh giá, đề có nhiều từ lặp lại, chỉ riêng yêu cầu của đề đã không đúng. Cụ thể, để làm sáng tỏ câu "Thơ là người thư ký trung thành của những trái tim" thì lấy một tác phẩm thơ làm sao làm sáng tỏ được? Vì "những trái tim" là chỉ rất nhiều nhà thơ và như thế phải lấy rất nhiều bài thơ của nhiều tác giả khác nhau thì mới chứng minh được. 

"Các thầy cô cần hiểu đúng yêu cầu kiểm tra, đánh giá học sinh, nhất là đề thi học sinh giỏi các lớp, các cấp. Không phải cứ thi học sinh giỏi thì ra đề thế nào cũng được, không phải đề càng khó càng tốt, càng lạ càng hay", ông Thống nhấn mạnh.

Tác giả: HÀ CƯỜNG
 
Nguồn tin: vtc.vn