Nam Đàn (Nghệ An): Bờ Sông Lam sạt lở nghiêm trọng, tàu thuyền vẫn hút cát rầm rộ
- 10:42 26-04-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhận được thông tin phản ánh của người dân xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn về việc nhiều tàu thuyền khai thác cát sát bờ sông Lam nằm ngoài vị trí cấp phép gây nên tình trạng sạt lở nghiêm trọng, phóng viên Thương hiệu và Pháp luật đã có mặt tại xã Trung Phúc Cường, ghi nhận sự việc này. Tại đây, đúng như phản ánh của người dân, có hàng loạt khu vực bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng.
Các Tàu hút cát với những cái vòi bạch tuộc lùng sục hút cát ngày đêm. Ảnh: Phan Châu |
Các Tàu hút cát với những cái vòi bạch tuộc lùng sục hút và chở đi hàng ngàn m3 cát ngày đêm. Ảnh: Phan Châu |
Hàng loạt tàu thuyền công xuất lớn, chuyên dụng dùng để hút cát cắm sâu xuống lòng sông và hai bên bờ sông đang hì hục hút cát.
“Dòng sông thay vì màu nước trong xanh thì giờ đục ngầu vàng ố không biết có con chi sống được dưới cái dòng nước ni nữa không, đất đai thì nhiều hộ bị sạt lở ghê lắm, đấy chú coi vòi họ hút vô tận bờ rứa không sạt lỡ mần răng được” Ông N.T.C người dân sống gần con sông bức xúc cho biết.
Trong khi đó quy định của pháp luật về quản lý cát sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông đã rất rõ ràng cụ thể; Tại mục a, khoản 1, điều 15 Nghị định 23/2020/NĐ-CP nêu rõ. Ranh giới khu vực khai thác phải cách mép bờ một khoảng cách an toàn tối thiểu phù hợp với chiều rộng tự nhiên của lòng sông, đặc điểm địa hình, địa chất, mức độ ổn định của bờ sông do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định này quyết định; tuy nhiên ở khu vực dòng Sông Lam thuộc huyện Nam Đàn (Nghệ An), các đơn vị khai thác cát dường như phất lờ những quy định của pháp luật mặc nhiên cắm các vòi hút vào sát hai bên bờ sông để khai thác cát. Hàng trăm mét bờ sông sạt lở nghiêm trọng. Đặc biệt hơn hàng loạt cây gỗ tràm, cây gỗ keo gầm 10 năm tuổi, sắp khai thác bị sạt lở đỗ gãy tràn làn, trôi ra giữa dòng sông, gây tắc dòng chảy cũng như ảnh hưởng đến môi trường nước.
Sau khi tiếp cận ghi nhận thực tế, Phóng viên Thương hiệu và pháp luật đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn An Toàn, chủ tịch UBND xã Trung Phúc Cường. Ông Toàn cho biết: “ Tôi và mấy anh, chị em cán bộ trong xã đã ra trực tiếp khu vực bờ sông bị sạt lở để kiểm tra. Thực tế đúng như vậy, nhưng cấp xã chúng tôi không đủ lực để xử lý và sẽ làm báo cáo lên cấp trên”
|
|
Tình trạng sạt lở bờ sông Lam đoạn chảy qua xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn, Nghệ An ngày càng trở nên nghiêm trọng.Cùng với đó là những cây Keo, cây tràm gần chục năm tuổi bị sạt lở trôi xuống Sông Lam. Ảnh: Hoàng Thông |
Tiếp tục nhóm Phóng viên đi theo dọc bờ sông Lam thuộc xã Khánh Sơn và xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn thì số lượng tàu, thuyền lớn nhỏ đang tấp nập hút cát rầm rộ, hàng chục héc ta ngô bãi có nguy cơ sạt lở mất trắng. Anh N.V.H người dân Khánh Sơn phản ánh: “Khúc sông này ngày đêm nạn cát tặc hút cát thường xuyên làm cho hai bên bờ sông sạt lở nghiêm trọng, hàng chục ha hoa mày chúng tôi trồng ở bãi ven sông cáo nguy cơ sạt lở mất trắng, nhân dân chúng tôi sống ở khu vực này bất an, nhưng đành bất lực chả biết kêu ai, ra đuổi họ thì sợ họ trả thù. Chính quyền còn bất lức huống gì người dân chúng tôi.”
|
Trong khi tình trạng sạt lở bờ sông Lam diễn ra rất nghiêm trọng, thì nhiều tàu thuyền vẫn vô tư hút cát ở những điểm sạt lở này. Ảnh: Hoàng Thông |
Sông Lam một dòng sông bao đời này luôn hiền hòa và trong xanh, có ý nghĩa quan trọng phục vụ nước tưới tiêu nông nghiệp cho cả một vùng rộng lớn của tỉnh Nghệ An, nhưng giờ đây dòng sông này đang ngày đêm oằn mình chịu cảnh tra tấn của các cá nhân và doanh nghiệp khai thác cát.
Với tình trạng sạt lở nghiêm trọng trên sông Lam thuộc địa phận huyện Nam Đàn, Nghệ An, các tàu thuyền vẫn ngày qua ngày rầm rộ hút cát, đặt ra dấu hỏi về công tác quản lý của huyện Nam Đàn - Nghệ An./.
Tác giả: Hoàng Thông - Phan Châu
Nguồn tin: thuonghieuvaphapluat.vn