Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhiều nhà máy may tại Nghệ An thiếu hụt đơn hàng

Nghệ An có hơn 50 nhà máy đang hoạt động, sản phẩm dệt may của tỉnh có mặt ở khoảng 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đa số các nhà máy hiện nay chủ yếu sản xuất theo mô hình gia công cho khách hàng nước ngoài.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, các đơn hàng cho ngành dệt may bị giảm sút. Đại đa số các nhà máy đang thiếu hụt đơn hàng từ 25-30%, nên phải hoạt động cầm chừng, gây ảnh hưởng lớn đến thu nhập của hàng trăm nghìn công nhân lao động.

Nỗi lo cắt giảm nhân công

Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020, sự phát triển ngành dệt may là một trong những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh góp phần tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho người lao động. Các cơ sở, nhà máy may phát triển nhanh tại TP Vinh, thị xã Thái Hòa, thị xã Hoàng Mai, huyện Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Nam Đàn… với quy mô sử dụng lao động trên 15.000 người. Dệt may hiện vẫn đang là một trong những thế mạnh về thu hút đầu tư của Nghệ An nhờ lợi thế về đất đai và nguồn nhân lực sẵn có. Trong thời gian ngắn, đã thu hút được một số nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực này như: Hanosimex, Tập đoàn KIDO (Hàn Quốc), Tập đoàn Minh Anh, Công ty TNHH Sangwoo (Hàn Quốc), Công ty TNHH Wooin Vina (Hàn Quốc), Tập đoàn An Hưng...

Ngoài các cơ sở sản xuất đã có trước đây như: Nhà máy Sợi Vinh, Công ty may Minh Anh, Xưởng may X20 của Công ty may Lam Hồng (Quân khu IV), Xí nghiệp may thêu Khải Hoàn và một số cơ sở khác trong giai đoạn này đã đầu tư xây dựng nhiều dây chuyền may mặc xuất khẩu quy mô khá lớn như: Nhà máy may HAIVINA Kim Liên 2.000 công nhân, Nhà máy may Hi-Tex tại cụm CN Nghĩa Mỹ (Thái Hòa) 1.098 lao động, Nhà máy may Minh Anh - Đô Lương 4.000 lao động. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã chấp thuận cho 37 dự án với tổng số vốn đăng ký là 3.326,72 tỷ đồng và 90,94 triệu USD.

Tuy nhiên, sau thời gian dài bị dịch COVID-19, hàng loạt nhà máy may trên địa bàn Nghệ An đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt đơn hàng, phải cắt giảm nhân công. Đơn cử như, tại Nhà máy may An Hưng ở xã Công Thành, huyện Yên Thành được xây dựng với quy mô khá lớn, đầu tư trên 600 tỷ đồng, đi vào hoạt động từ năm 2021, chủ yếu xuất bán đơn hàng cho các nước Mỹ và Canada, Úc... lúc cao điểm có trên 2.000 lao động, hầu hết công nhân phải làm tăng ca; tuy nhiên từ cuối năm 2022, thị trường các nước châu Âu đều suy giảm do tình hình lạm phát, sức tiêu dùng suy giảm và đặc biệt tồn kho khá lớn đối với mặt hàng may mặc nên họ không đặt hàng. Trước thực trạng đó, Nhà máy may An Hưng phải cắt giảm 800 lao động.

Còn đại diện Nhà máy may Nam Thuận ở xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu cũng cho biết: Nhà máy đi vào hoạt động từ năm 2019 với số vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng; lúc cao điểm có 1.200 công nhân, chủ yếu gia công quần áo cho các nước châu Âu. Từ cuối năm 2022 đến nay do khó khăn khăn chung của ngành dệt may, đơn vị phải cắt giảm lao động xuống còn 300 công nhân, mỗi công nhân chỉ làm việc từ 15-16 ngày/tháng. Hằng tháng, doanh nghiệp này đang phải bù lỗ 1,5 tỷ đồng để trả lương và đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân. Hiện nay, doanh nghiệp phải tìm hướng tìm kiếm thị trường mới, có thể các đơn hàng có giá trị thấp hơn nhằm giữ nhịp độ sản xuất và chờ cơ hội có các đơn hàng trong thời gian tới.

 Do thiếu hụt đơn hàng, nhiều nhà máy may trên địa bàn tỉnh Nghệ An phải cắt giảm nhân công.

Nỗ lực ứng phó

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiệp, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương) cũng cho biết: Dệt may là một trong lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu lớn của Nghệ An. Hiện, toàn tỉnh có hơn 50 nhà máy đang hoạt động, sản phẩm dệt may của tỉnh có mặt ở khoảng 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong năm 2022, có những thời điểm các nhà máy may trên địa bàn Nghệ An phải tăng ca. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay các đơn hàng cho ngành dệt may bị giảm sút. Hiện chỉ có số ít doanh nghiệp bảo đảm đơn hàng, còn lại đa số đang thiếu hụt đơn hàng từ 25-30%, do thiếu hụt đơn hàng nên nhiều nhà máy phải hoạt động cầm chừng. Thực trạng trên đã và đang ảnh hưởng lớn đến thu nhập, cuộc sống của hàng trăm nghìn công nhân lao động.

Theo tìm hiểu được biết, riêng địa bàn huyện Diễn Châu hiện có 12 nhà máy và các cơ sở may mặc, giày da, tạo việc làm cho trên 15.000 lao động. Một số cơ sở may mặc ở huyện Diễn Châu chia sẻ: Điều quan tâm nhất của doanh nghiệp là cơ quan có thẩm quyền, ngành ngân hàng, tài chính nên tiếp tục có những chính sách hỗ trợ về vốn vay hay giảm, giãn thuế để chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp.

Để ứng biến khó khăn, huyện Diễn Châu động viên ngành dệt may tận dụng tối đa các đơn hàng, kể cả các đơn hàng ngắn hạn để bảo đảm duy trì sản xuất và giữ chân người lao động. Tiếp tục nghiên cứu khả năng chuyển đổi mặt hàng theo nhu cầu thị trường và luôn sẵn sàng lực lượng sản xuất tốt nhất để đón cơ hội khi thị trường có dấu hiệu hồi phục. Đại diện UBND huyện Diễn Châu cho biết thêm: Huyện sẽ tiến hành rà soát các nhà máy may, giày da trên địa bàn để nắm tình hình khó khăn để từ đó có giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp may.

Tình hình khó khăn trong xuất khẩu dệt may được dự báo còn tiếp diễn. Sở Công Thương Nghệ An cũng khuyến cáo doanh nghiệp lĩnh vực này phải theo dõi sát tình hình thị trường, tìm các giải pháp chủ động ứng phó linh hoạt. Trong đó, ưu tiên tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường mới, tích cực đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng lực quản trị để tiết kiệm chi phí, tăng chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, việc tận dụng tối đa các đơn hàng, kể cả các đơn hàng ngắn để bảo đảm duy trì sản xuất và tìm cách giữ chân người lao động, tránh thiếu hụt người làm khi đơn hàng phục hồi trở lại là vô cùng cần thiết.

Riêng tỉnh Nghệ An cũng đã và đang triển khai những chính sách khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các khu công nghiệp tập trung, kết cấu hạ tầng cho các cụm công nghiệp chuyên ngành dệt may theo hình thức tổ hợp khép kín từ khâu dệt - nhuộm - hoàn tất để có khả năng đáp ứng nguyên, phụ liệu tại chỗ, giúp hạ giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, tăng tỷ lệ nội địa hóa; khuyến khích đầu tư các công nghệ dệt nhuộm mới không gây ô nhiễm môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn phát triển bền vững; tăng cường hoạt động liên kết vùng, lãnh thổ nhằm hình thành các cụm liên kết ngành về dệt may, các chuỗi giá trị trong nước, nhằm tận dụng lợi thế về tích tụ công nghiệp tại một số địa phương, vùng kinh tế.

Tác giả: Hải Việt

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân