Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cần chung tay đẩy lùi vấn nạn bạo lực học đường

Sau vụ việc nữ sinh Trường THPT chuyên Đại học Vinh, Nghệ An tự sát nghi do bạo lực học đường, nhiều phụ huynh đã bày tỏ sự lo lắng cho sự an toàn của con trước vấn nạn này. Làm gì để có thể chia sẻ với con, bảo vệ con khi mà tình trạng bắt nạt học đường có nguy cơ gia tăng và biến tướng dưới nhiều hình thức đang là mối quan tâm của hầu hết các bậc phụ huynh hiện nay.

Theo nhiều phụ huynh, bạo lực học đường tồn tại ở bất cứ môi trường giáo dục nào, không ngoại trừ trường chuyên lớp chọn, thành thị hay nông thôn. Không chỉ đơn giản là hành vi ngược đãi, đánh đập, bạo hành, làm tổn hại đến sức khỏe, thân thể mà bạo lực học đường còn thể hiện ở việc nạn nhân bị sỉ nhục, lăng mạ đến danh dự và nhân phẩm; bị tẩy chay, cô lập, ruồng rẫy dẫn đến việc sức khoẻ tinh thần bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong đó, rất nhiều trường hợp các em bị "kỳ thị", bị "cô lập" với những lý do hết sức vô lý. Không ít con vì nhiều lý do mà không nói ra, không nói hết với bố mẹ, tự chịu đựng ngầm và không tự xử lý được hoặc có nói ra nhưng bố mẹ, nhà trường không có giải pháp xử lý triệt để nên đã rơi vào bế tắc, dẫn đến hành động bột phát dại dột, đau xót và đáng tiếc.

  Trường THPT chuyên Đại học Vinh, nơi có nữ sinh lớp 10 vừa mới tự tử.

Chị Nguyễn Thuý Lan, ở TP Sơn La chia sẻ: "Hồi học cấp 2, con tôi vượt qua những chuỗi ngày dài bị cô lập, nói sau lưng, kiểu kích đểu, nhưng cháu là đứa tính cách mạnh, dám thể hiện thái độ và xin cô chuyển ngồi riêng một bàn bằng được. Con đi đôi giày mới cũng bị đám bạn cười cợt, chế giễu. Con bị miệt thị, chế giễu vì mặt mọc mụn... Thậm chí, con không ôn trong bất cứ đội tuyển học sinh giỏi nào nhưng lại thi đỗ học sinh giỏi cấp trường, cấp thành phố, rồi cấp tỉnh, nhưng cũng bị các bạn trong đội tuyển xì xào bàn tán.

Những chuyện đó phụ huynh như tôi và nhiều người khác không coi nó là chuyện nghiêm trọng nhưng với một đứa trẻ nhạy cảm thì nó là nghiêm trọng. May mắn là tôi luôn coi con là bạn và hiểu vấn đề của con không đơn giản. Tôi quyết định chuyển trường theo nguyện vọng của con. Tôi mong rằng cha mẹ hãy lắng nghe các con và mong các con hãy mở lòng với bố mẹ để cùng tìm giải pháp".

Còn theo anh Phạm Ngọc Thăng, một phụ huynh ở Hà Nội, vợ chồng anh có 2 con đều từng bị bắt nạt học đường. Cô con gái học lớp 8 bị các bạn kỳ thị chỉ vì ăn mặc giản dị. Còn con trai anh, dù học rất giỏi nhưng do không cho bạn chép bài cũng bị bạn kết bè kết phái rồi bao vây, cô lập và dọa nạt. "Thay vì tính đến giải pháp chuyển lớp, chuyển trường, vợ chồng tôi chọn cách hỗ trợ con đối mặt và tự giải quyết vấn đề. Khoảng thời gian đó, một mặt vợ chồng tôi phải sắp xếp thời gian để đưa, đón con, giúp con yên tâm khi ở trường. Mặt khác, chúng tôi cũng khuyên con gái chú ý đến vấn đề ăn mặc hơn, còn con trai, ngoài việc hoàn thành bài tập của mình thì cũng dành thêm thời gian để giảng bài thêm cho bạn. Mất một thời gian dài nỗ lực cố gắng như thế, cuối cùng mọi việc cùng ổn", anh Thăng kể.

Từ góc độ là một phụ huynh, PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng cho rằng, không phải chỉ là đánh nhau mới là bắt nạt. Cuộc sống này có những kiểu bắt nạt đáng sợ, mà người ta tạm gọi là "bạo lực trắng", "bạo hành lạnh", để ám chỉ sự bạo hành ép người ta vào sự bị cô lập, cảm thấy bị bỏ rơi trong chính cuộc đời này. "Từ trải nghiệm của bản thân và quan sát từ những người xung quanh, tôi biết rằng sự cố ý bỏ rơi, sự ghẻ lạnh sẽ đẩy con người đến cô đơn, đến tuyệt vọng.

Tôi tha thiết rằng, giáo dục không phải chỉ là dạy học. Những đứa trẻ, dù "giỏi" hay "kém", "ngoan" hay "hư" trong một thang đo nào đó, vẫn là những đứa trẻ. Trong con người chúng, có sự hỗn độn. Chúng dễ dàng thay đổi cách cư xử, từ "không thể chấp nhận được" sang "dễ thương" nếu như có người hiểu để rồi chấp nhận và dẫn dắt chúng, chạm vào trái tim chúng, khiến chúng tự mình hướng thiện", PGS.TS Chu Cẩm Thơ nêu quan điểm.

Từ góc độ chuyên gia, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Thực tế cho thấy, tiết lộ việc bị bạo lực là một giai đoạn nhạy cảm với học sinh. Những kẻ bắt nạt sẽ luôn tìm cách gia tăng áp lực và đe dọa phải giữ bí mật về hành vi bắt nạt, vì vậy việc các em tiết lộ việc bị bắt nạt với cha mẹ và giáo viên, người lớn cần thể hiện sự tin tưởng và có kế hoạch hỗ trợ một cách có cân nhắc, nếu không sẽ làm tình huống trở nên tồi tệ hơn.

Cũng theo chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam, quy trình hỗ trợ đúng sẽ phải bao gồm việc tin tưởng vào những tiết lộ và ngay lập tức có hành động bảo vệ nạn nhân. Ví dụ cách ly nạn nhân khỏi mối nguy bị bắt nạt cho đến khi chắc chắn về việc hành vi bắt nạt sẽ không tái diễn; lắng nghe và cung cấp các giải pháp bảo vệ cụ thể để trấn an học sinh về sự an toàn của họ.

Gia đình có thể cam kết sẽ đưa đón con tới trường trong khoảng thời gian khủng hoảng tâm lý, hỗ trợ con để đảm bảo không bị quấy rối và bắt nạt trên mạng xã hội; khuyến khích các em đến gặp nhà tâm lý để được tư vấn và hỗ trợ quản lý hành vi cảm xúc, sàng lọc nguy cơ tự sát; báo cáo sự việc cho các nhà trường, gia đình thủ phạm, các cơ quan chức năng (nếu cần thiết) để yêu cầu sự hỗ trợ và cùng nhau thống nhất về các biện pháp hành động để đảm bảo các hành vi bạo lực không leo thang và phải được chấm dứt.

Tác giả: Huyền Thanh

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân