Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Dừng đấu giá sắc phong Việt Nam ở Trung Quốc

Hiện trên website của Công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn” đã không còn những thông tin đấu giá các hiện vật sắc phong Việt Nam tại phiên đấu giá ngày 22/4/2023.

Liên quan đến những thông tin bán đấu giá sắc phong có nguồn gốc Việt Nam ở Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết, Bộ VHTT&DL đã có công văn gửi Bộ Ngoại giao đề nghị phối hợp xem xét, giải quyết một số nội dung. Trong đó, đề nghị Bộ Ngoại giao chủ trì, làm việc với UNESCO và các tổ chức, cơ quan liên quan của Trung Quốc, thông qua đàm phán ngoại giao bằng việc thực hiện cam kết của các quốc gia thành viên tham gia Công ước UNESCO 1970 để hồi hương các sắc phong có nguồn gốc từ Việt Nam được nhập khẩu bất hợp pháp vào Trung Quốc.

 Website của công ty đấu giá ở Thượng Hải từng rao bán đạo sắc phong có nguồn gốc từ Việt Nam.

Hiện trên website của Công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn” đã không còn những thông tin đấu giá các hiện vật sắc phong Việt Nam tại phiên đấu giá ngày 22/4/2023.

Công văn của Bộ VHTT&DL nêu, căn cứ thông tin đăng tải trên website của Công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn”, trong hệ thống hiện vật đấu giá dự kiến sẽ đưa ra đấu giá ngày 22/4/2023 đưa thông tin về 12 đạo sắc phong, trong đó có 03 đạo sắc có khả năng thuộc nguồn gốc di tích đền Quốc Tế, tại xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ và 09 sắc phong của 4 địa phương: Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương. Đồng thời, vẫn còn nhiều hiện vật, sắc phong trong danh mục các hiện vật được đăng đấu giá (trong đó có 8 sắc phong chưa bán được của các tỉnh như Hà Nam, Nam Định…) có khả năng có nguồn gốc của Việt Nam, có liên quan đến các di tích, địa điểm liên quan tại địa phương khác nhau của Việt Nam.

Trong hệ thống các văn bản hành chính thời quân chủ lập hiến Việt Nam cho đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, sắc phong là một loại văn bản hành chính do Triều đình (Vua) ban hành để ban/phong, gia phong, truy tặng chức tước cho những người có công hoặc ban/phong, gia phong cho thần… Sắc phong thần hay sắc phong cho thành hoàng là một loại hình văn bản Hán Nôm quan trọng trong hệ thống văn bản Hán Nôm hiện còn ở các làng xã Việt Nam. Địa danh ghi trên sắc phong là những thông tin quan trọng xác định sự thay đổi tên làng xã Việt Nam qua các thời kỳ, góp phần nghiên cứu tên gọi các địa danh cổ. Đây là những văn bản gốc có niên đại chính xác ngày, tháng, năm của từng triều đại cho phép chúng ta khẳng định rõ ràng về lịch sử, phong cách mỹ thuật của từng thời kỳ.

 Những thông tin đấu giá đạo sắc phong có nguồn gốc Việt Nam không còn xuất hiện trên website.

Sắc phong là các hiện vật gốc được lưu giữ trong môi trường tôn giáo, tín ngưỡng, được thờ trong các di tích lịch sử, được cả cộng đồng làng xã bảo quản qua các thế hệ. Là một loại hình di sản văn hóa, một nguồn tài liệu quý hiếm, có giá trị về nhiều mặt, rất cần được giữ gìn và bảo vệ bởi nó không chỉ là những hiện vật mang tính khoa học mà còn là vật thiêng trong đời sống tâm linh của cộng đồng cư dân các làng xã Việt Nam

Bộ VHTT&DL nêu rõ, về trách nhiệm, việc quản lý các hiện vật, di vật, cổ vật… trong di tích, bảo tàng và các địa điểm liên quan thuộc trách nhiệm quản lý trực tiếp và quản lý nhà nước của các địa phương. Tuy nhiên, Việt Nam và Trung Quốc cùng là thành viên tham gia Công ước UNESCO 1970  về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hoá, trong đó các nước thành viên Công ước UNESCO 1970 có cùng cam kết: “Theo yêu cầu của Quốc gia thành viên sở hữu tài sản, tiến hành những biện pháp cần thiết nhằm phục hồi và trả lại bất cứ tài sản văn hoá nào được nhập khẩu vào nước đó sau khi Công ước có hiệu lực ở cả hai nước hữu quan” (Mục (ii), khoản b, Điều 7).

Tại Điều 3 quy định “Việc xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hoá đi ngược với các điều khoản trong Công ước bị coi là bất hợp pháp”.

Tại Điều 7 quy định: Các Quốc gia thành viên của Công ước cam kết: Thực hiện những biện pháp cần thiết phù hợp với luật pháp quốc gia nhằm ngăn chặn các bảo tàng và các cơ quan tương tự nằm trong lãnh thổ nước mình thu nhận những tài sản văn hoá có xuất xứ và được đưa ra trái phép từ một Quốc gia thành viên khác sau khi Công ước có hiệu lực tại những nước này. Bất cứ khi nào có thể, thông báo cho nước xuất xứ là thành viên của Công ước về tài sản văn hóa đã bị đưa trái phép ra khỏi nước này sau khi Công ước có hiệu lực ở cả hai nước.

Theo yêu cầu của quốc gia thành viên sở hữu tài sản, tiến hành những biện pháp cần thiết nhằm phục hồi và trả lại bất cứ tài sản văn hoá nào được nhập khẩu vào nước đó sau khi Công ước có hiệu lực ở cả hai nước hữu quan.

Bộ VHTT&DL nhấn mạnh: “Đây là khuôn khổ pháp lý quốc tế quan trọng hỗ trợ cộng đồng quốc tế trong phòng, chống việc buôn bán trái phép di sản văn hóa, nâng cao nhận thức, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên phạm vi toàn cầu”.

Trên cơ sở đó, tại Công văn này, Bộ VHTT&DL đề nghị Bộ Ngoại giao phối hợp, hỗ trợ chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc kịp thời làm việc với Công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn” để xác minh rõ thông tin liên quan đến việc đấu giá các đạo sắc phong như thông báo của Công ty đấu giá; xác minh rõ thông tin về nguồn gốc từ Việt Nam của các đạo sắc phong trong danh mục dự kiến đưa ra đấu giá của Công ty đấu giá.

Đồng thời, đề nghị Bộ Ngoại giao chủ trì làm việc với UNESCO và các tổ chức, cơ quan liên quan của Trung Quốc thông qua đàm phán ngoại giao bằng việc thực hiện cam kết của các quốc gia thành viên tham gia Công ước UNESCO 1970 để có thể hồi hương các hiện vật sắc phong có nguồn gốc từ Việt Nam được nhập khẩu bất hợp pháp vào Trung Quốc.

Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp chặt chẽ với Bộ VHTT&DL và các cơ quan, địa phương liên quan để theo sát vụ việc và có các biện pháp hỗ trợ khi cần thiết.

Trước đó, ngày 12/4, Cục trưởng Cục Di sản văn hoá (Bộ VHTT&DL) Lê Thị Thu Hiền đã ký Công văn số 309/DSVH-DT gửi Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương đề nghị phối hợp, khẩn trương xác minh tính xác thực của các sắc phong hiện đang rao bán trên có nguồn gốc tại các di tích, bảo tàng và các địa điểm liên quan ở địa phương.

Cục Di sản văn hoá đề nghị các Sở phối hợp chặt chẽ với Cục Di sản văn hóa trong quá trình xác minh tính xác thực của các sắc phong; xây dựng hồ sơ chứng minh nguồn gốc sắc phong từ các di tích, bảo tàng và các địa điểm liên quan ở địa phương. Đồng thời, đề nghị các Sở triển khai thực hiện và báo cáo đầy đủ gửi Cục Di sản văn hóa trước ngày 17/4/2023 để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo theo quy định./.

Tác giả: Hà Phương

Nguồn tin: Báo VOV