Cần kiểm tra việc cấp phép khai thác đất của Công ty Du lịch sinh thái và SX VLXD Nghệ An
- 07:21 20-04-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trước đó tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có bài viết: https://www.moitruongvadothi.vn/nghi-loc-nghe-an-nguoi-dan-khon-kho-vi-o-nhiem-duong-sa-hu-hong-boi-hoat-dong-khai-thac-dat-a126549.html
https://www.moitruongvadothi.vn/nghi-loc-nghe-an-nguoi-dan-bi-tra-tan-boi-khoi-bui-do-hoat-dong-khai-thac-dat-a126590.html ghi nhận hoạt động khai thác đất tại mỏ đất xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc, tuy nhiên hiện nay Công ty TNHH Du lịch sinh thái và SX vật liệu xây dựng Nghệ An vẫn cố tình vi phạm, khai thác tràn lan không theo kế hoạch được phê duyệt, hoạt động vận chuyển vật liệu gây ô nhiễm môi trường, hạ tầng đường sá bị xuống cấp, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường dân sinh.
Hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản cũng như nhiều dấu hiệu bất cập trong việc cấp phép khai thác hơn 3,6 triệu m3/ năm của Công ty TNHH Du lịch sinh thái và sản xuất vật liệu xây dựng Nghệ An, Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam ghi nhận hoạt động khai thác, vận chuyển đất tại tuyến đường tỉnh lộ 534 đoạn qua xã Nghi Yên và Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
|
Mỏ khai thác đất của Công ty TNHH Du lịch sinh thái và SX VLXD Nghệ An. |
Sau nhiều năm khai thác, sử dụng, tuyến Tỉnh lộ này đang ngày càng bị hư hỏng nặng, mặt đường xuất hiện nhiều vết nứt, rạn, nhiều đoạn có cả “ổ gà”, “ổ voi”, mỗi khi mưa xuống lại gây ứ đọng nước. Đặc biệt đoạn đi qua xã Nghi Yên và Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đang bị băm nát bởi các đoàn xe tải trọng lớn đang hàng ngày chở đất từ mỏ bãi khai thác đất trên địa bàn.
Từ năm 2021 đến nay, tuyến đường này luôn trong tình trạng hư hỏng nặng. Mặt đường gồ ghề lồi lõm do hoạt động vận tải, trung chuyển đất từ các xe vận tải siêu trường siêu trọng gây ra, nhiều đất đá rơi vãi, ngày nắng thì bụi, mưa thì lầy lội, bụi phủ trắng cây cối và nhà cửa hai bên đường, việc di chuyển của người dân và phương tiện gặp rất nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người và phương tiện khi di chuyển trên đó.
|
Hoạt động khai thác đất tràn lan không theo kế hoạch được phê duyệt. |
Được biết, trên địa bàn 2 xã Nghi Yên và Nghi Hưng có bãi khai thác đất do Công ty TNHH Du lịch sinh thái và sản xuất vật liệu xây dựng Nghệ An khai thác đất làm vật liệu san lấp tại Dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông cường độ cao và vật liệu xây dựng.
Theo người dân phản ánh, nhiều xe có trọng tải lớn chở đất hoạt động liên tục, vận chuyển đất chạy qua tuyến đường tỉnh lộ 534 đoạn qua 2 xã Nghi Yên và Nghi Hưng. Chính số phương tiện này đang là nguyên nhân gây nên ô nhiễm khói bụi, hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng nhưng không hề thấy lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.
|
|
Hoạt động vận chuyển đất làm hạ tầng đường sá bị xuống cấp gây nên nhiều hệ luỵ. |
Mục C, Khoản 1 Điều 67 Luật bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 quy định về Bảo vệ môi trường trong hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và hoạt động dầu khí: “Tổ chức, cá nhân tiến hành thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải có phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và thực hiện các yêu cầu về bảo vệ, cải tạo và phục hồi môi trường. Có biện pháp ngăn ngừa, hạn chế việc phát tán bụi, xả khí thải và tác động xấu khác đến môi trường xung quanh.
Mục a, b Khoản 2 Điều 5 Luật khoáng sản số 60/2010/QH12 quy định đối với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải có trách nhiệm: “Hỗ trợ chi phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác theo quy định của pháp luật; Kết hợp khai thác và xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ, phục hồi môi trường theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản; nếu gây thiệt hại đến hạ tầng kỹ thuật, công trình, tài sản khác thì theo mức độ thiệt hải phải có trách nhiệm sửa chữa, duy tu, xây dựng mới hoặc bồi thường theo quy định của pháp luật”.
|
|
Nhiều xe trọng tải lớn chở đất hoạt động liên tục. |
Quy định là vậy, nhưng đến nay các doanh nghiệp khai thác và chính quyền địa phương vẫn chưa có những động thái thể hiện sự quan tâm, xử lý triệt để.
Không chỉ trong quá trình vận chuyển, hoạt động khai thác đất của doanh nghiệp này còn tồn tại nhiều bất cập, theo Giấy phép số 2475/GP-UBND, Công ty TNHH Du lịch sinh thái và sản xuất vật liệu xây dựng Nghệ An có công suất khai thác là 3.632.259 m3/năm. Tuy nhiên kể từ năm 2021 đến nay tại mỏ khai thác của doanh nghiệp không lắp đặt trạm cân để cơ quan chức năng theo dõi, giám sát và tính thuế theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Rõ ràng theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định: “Tổ chức, cá nhận khai thác khoáng sản, trừ hộ gia đình kinh doanh phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác, lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan”.
|
Hoạt động vận chuyển vật liệu gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. |
Để rộng đường dư luận, Phóng viên đã trao đổi với ông Nguyễn Phú Đồng, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nghi Lộc, ông Đồng cho biết: “Mỏ khai thác đất trên danh nghĩa là của Công ty TNHH Du lịch sinh thái và sản xuất VLXD Nghệ An nhưng sau đó được Công ty Tân Nam mua lại và khai thác hay là công ty con gì đó. Còn tình trạng bụi là do mấy ngày gần đây nắng lên, anh đang làm văn bản về chỗ người dân phản ánh cho Công ty và bên xã để kiểm tra, xử lý”.
Nhưng vì sao tới nay vẫn chưa được xử lý. Hậu quả mà người dân sống xung quanh mỏ đất đang phải gánh chịu. Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, thực trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường, đường sá xuống cấp, hư hỏng khi khai thác đất tại mỏ đất Công ty TNHH Du lịch sinh thái và sản xuất VLXD Nghệ An đã kéo dài nhiều năm.
|
Người dân ngán ngẩm mỗi khi xe chở đất đi ngang qua. |
Tại Điểm C, mục 1 Điều 39 Nghị Định 33/2017/NĐ-CP quy định Phạt tiền Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản bằng phương pháp lộ thiên có hành vi không lắp đặt trạm cân và hệ thống camera giám sát tại các kho chứa, nơi vận chuyển quặng nguyên khai ra khỏi mò để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan (trừ khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh.
Việc cấp phép đất tận thu đất tại dự án, nhưng trong giấy phép khai thác lại được cấp phép mỏ đất thương mại. Vấn đề khó hiểu là trữ lượng khai thác 1 năm lên hơn 3,6 triệu m3? Liệu rằng có vấn đề trong quá trình tham mưu cấp phép đã đúng quy định của Luật khoáng sản, khi cấp phép khai thác đất mập mờ trong tận thu và mỏ đất thương mại lại được cấp 3,6 triệu m3/ năm?
Quá trình ghi nhận tại tỉnh lộ 534 hàng trăm phương tiện có gắn phù hiệu Thái Sơn đang nối đuôi nhau vào ra lấy đất từ mỏ trên, đặc biệt tại mỏ đất hoạt động khai thác và vận chuyển đang diễn ra rất tấp nập, các phương tiện từ mỏ này di chuyển ra đường tỉnh 534 hầu như đều có dấu hiệu chở quá tải trọng, không che chắn thành thùng, quãng đường từ mỏ ra đường tỉnh 534 các phương tiện không được xịt rửa để hạn chế đất cát bám trên xe trong khi bể nước và hệ thống xịt rửa đã được lắp đặt. Chính sự thiếu trách nhiệm đối với xã hội của doanh nghiệp này đã góp phần gây hư hỏng đường sá, ô nhiễm môi trường từ đó ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.
Dư luận thắc mắc, lực lượng chức năng, thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông; Thanh tra sở Tài nguyên và Môi trường đang ở đâu khi để hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản diễn ra tấp nập trên tuyến tỉnh 534 mà không được kiểm tra, xử lý.
Tại mỏ khai thác của doanh nghiệp này không lắp đặt trạm cân để cơ quan chức năng theo dõi, giám sát và tính thuế theo quy định. |
Để hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản và hoạt động vận tải trên địa bàn xã Nghi Hưng và xã Nghi Yên đi vào nề nếp, cần nhiều hơn nữa sự tăng cường kiểm tra, giám sát từ các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An.
Tác giả: Quang Sáng – Xuân Bắc
Nguồn tin: moitruongvadothi.vn