Vì sao toàn học sinh hạnh kiểm tốt, bạo lực học đường lại kinh khủng đến vậy?
- 13:42 19-04-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Liên tục có nhiều câu chuyện về bạo lực học đường đã xảy ra trong thời gian vừa qua. Nhẹ thì bè phái xúc phạm, tẩy chay bạn, rồi đón đường đánh nhau, quay clip tung lên mạng. Nhiều vụ việc đã gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí xảy ra tử vong, công an phải vào cuộc, như vụ một học sinh lớp 8 Trường THCS Trung Mầu (Hà Nội) bị bạn nữ đá, đạp vào mặt rất nhiều lần, hay như trường hợp em L.V.K. (học sinh lớp 11 hệ giáo dục thường xuyên Trường trung học phổ thông Tháp Mười) khi vừa tan học ra khỏi cổng trường bị một nhóm thanh niên khống chế và đưa đi. Sau đó, nhóm này đã dùng tay, mũ bảo hiểm và vật nhọn gây thương tích cho K. Rồi vụ việc một nam sinh lớp 11 của Trường THPT Lang Chánh (Thanh Hóa) bị người học cùng trường dùng gậy sắt đánh vào đầu gây chấn thương sọ não phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
Mới đây nhất là vụ nữ sinh lớp 10 ở Nghệ An tự tử nghi bị bạo lực. Sự việc đang được cơ quan công an, nhà trường vào cuộc làm rõ. Có thể thấy, hậu quả của nhiều vụ bạo lực học đường thời gian qua là rất nặng nề, với tính chất vụ việc ngày càng nghiêm trọng. Theo số liệu của Bộ GD-ĐT mới đây, mỗi năm toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Trung bình có khoảng 5 vụ bạo lực/ngày. Cứ hơn 11.000 HS thì có một em bị buộc thôi học vì bạo lực học đường.
Trung bình có khoảng 5 vụ bạo lực/ngày (ảnh minh họa: Đại đoàn kết) |
Có rất nhiều nguyên nhân lý giải cho nạn bạo lực học đường ngày càng gia tăng, nhưng có một nguyên nhân ai cũng thấy rõ là thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh thì bên cạnh những lợi ích to lớn cũng để xảy ra nhiều hệ lụy tiêu cực, nhất là đối với trẻ em.
Bất cứ đứa trẻ nào từ cấp 2, thậm chí bé hơn đều được gia đình trang bị smartphone, điều này như nhu cầu tất yếu để cho con liên hệ với gia đình khi mà đa phần trẻ con bây giờ bố mẹ phải đưa đón đi học. Rồi bài tập về nhà, trao đổi của thầy cô, nhóm bạn trong lớp về học tập cũng cần đến điện thoại thông minh. Nhất là trong thời gian dài vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 phải học online, thì việc sử dụng smartphone lại càng trở nên cần thiết. Có điện thoại, kết nối mạng internet, nhiều đứa trẻ dễ dàng truy cập vào các nội dung cả tiêu cực lẫn tích cực trên mạng.
Những thông tin độc hại, hành động lệch chuẩn trên mạng, nhất là trong các TikTok ảnh hưởng rất lớn đến trẻ-lứa tuổi đang thích thể hiện mình, chưa hiểu biết về pháp luật. Vì thế, khi xảy ra mâu thuẫn, nhiều trẻ đã đem những gì đã xem trên mạng để “thực hành” với bạn bè và mọi người xung quanh.
Guồng quay của cuộc sống, của sự học hành thời nay cũng khiến những đứa trẻ trở nên khô cứng cảm xúc và thiếu đi sự chia sẻ, không biết cách xử lý các tình huống xảy ra xung quanh mình. Gần như đứa trẻ nào trong độ tuổi đi học cũng phải quay cuồng chóng mặt với lịch học dày đặc, cả ngày học ở trường, buổi tối thì học gia sư hay đến các lớp học thêm, đến giờ ăn ngủ cũng phải tranh thủ. Với một vòng quay như vậy, khó có thời gian để chúng tham gia các hoạt động vui chơi hay chia sẻ những vướng mắc, vui buồn của bản thân với bạn bè, cha mẹ và người thân.
Vì thế, khi xảy ra những chuyện bất như ý, những đứa trẻ sẽ loay hoay trong việc xử lý, không biết cầu cứu, chia sẻ với ai, tự mình tìm cách giải quyết, đôi khi là những cách tiêu cực, manh động như đánh nhau hay tìm đến cái chết.
Nhưng sau tất cả những hành xử đúng-sai của trẻ, người lớn vẫn cần nhìn nhận bản thân đã yêu thương con trẻ đúng cách?.
Trước hết, với một đứa trẻ đang độ tuổi đến trường, thầy cô luôn là tấm gương mẫu mực để chúng noi theo. Mỗi lời nói, hành động của thầy cô đều là kim chỉ nam đối với con trẻ. Nhưng thực tế, không ít vụ việc, cách hành xử đáng buồn xảy ra trong nhà trường khiến con trẻ và xã hội thất vọng.
Trong nhiều ngôi trường hiện nay, để chạy đua với bệnh thành tích, danh hiệu cho trường, cho lớp và cho chính giáo viên mà chỉ chú trọng đến việc “dạy chữ”, ôn luyện để có những thành tích cao trong thi cử, điểm số. Việc dạy kỹ năng ứng xử xã hội cho học sinh gần như bị quên lãng, hoặc chỉ gói gọn trong 1-2 tiết của môn Giáo dục công dân mỗi tuần, hay giờ sinh hoạt lớp nhưng cũng chỉ dành để tuyên dương học sinh có thành tích tốt, phê bình những học sinh cá biệt.
Trong nhiều lớp học, gần như không có sự chia sẻ giữa thầy và trò, với các hoàn cảnh đặc biệt, nói gì đến việc nắm bắt tâm lý của từng học sinh. Chưa kể, ở một số nơi là sự định kiến của thầy cô về cá nhân học sinh nào đó khác biệt, kéo theo sự hùa của bạn bè, cả lớp. Thậm chí, có trường hợp cô giáo còn cổ vũ, bắt học sinh khác làm theo “lệnh” của mình đối với học sinh được coi là hư, không ngoan, như bắt cả lớp tát bạn, bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng… đã từng xảy ra.
Song điều lạ lùng là theo báo cáo thành tích cuối năm học, gần như trường nào, lớp nào rất ít số học sinh hạnh kiểm khá (chỉ vài phần trăm), hạnh kiểm trung bình hay kém chỉ là hy hữu còn lại toàn hạnh kiểm tốt, xuất sắc, nhưng số vụ bạo lực học đường lại không giảm, thậm chí tăng mức độ nghiêm trọng.
Cùng với đó, trong nhiều gia đình, sự kết nối, chia sẻ giữa bố mẹ, con cái cũng ngày càng lỏng lẻo bởi nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên do là quá thiếu thời gian, con cái quay cuồng với các lịch học trên trường rồi học thêm kể cả ngày cuối tuần, còn bố mẹ cũng bận rộn cả ngày với công việc và nhiều nỗi lo cơm áo gạo tiền khác. Vậy nên, nhưng vui buồn của con trên lớp, ngoài đường cũng không có thời gian để chia sẻ cùng bố mẹ.
Thêm nữa, nhiều cha mẹ hiện nay quá coi trọng việc tích lũy kiến thức mà quên đi việc bồi đắp sức khỏe tinh thần cho trẻ. Chúng ta vui mừng khi con khoe những điểm số cao, những thành tích tốt và nổi giận, thậm chí đánh con khi kết quả kém, thua bạn kém bè. Và trong suy nghĩ của nhiều người, bố mẹ đã làm việc vất vả kiếm tiền để chu cấp cho con thì nhiệm vụ của trẻ là phải học để có kết quả tốt, để bố mẹ được nở mày nở mặt.
Nhưng ít ai nghĩ rằng, trẻ con cũng có nhiều nỗi buồn, cô đơn và sự hoang mang, đôi khi là tuyệt vọng, không biết chia sẻ và cầu cứu ai khi gặp những sự việc là kinh khủng đối với chúng.
Thử hỏi, người lớn chúng ta, khi đã có đủ sự từng trải và bản lĩnh, nếu bị đồng nghiệp bè phái tẩy chay, chúng ta sẽ đau khổ, mệt mỏi như thế nào thì với một đứa trẻ mới lớn, sức khỏe tinh thần chưa ổn định, gặp sự việc tương tự sẽ sợ hãi ra sao?
Liệu mấy ai trong chúng ta thực sự khuyến khích con giúp đỡ bạn bè gặp hoàn cảnh khó khăn, hay cho tiền người ăn xin ngoài đường? Cũng có lẽ vì thế, những việc làm tử tế, lòng trắc ẩn của trẻ cũng không có cơ hội nuôi dưỡng và phát triển, cũng trở nên hiếm hoi trong xã hội.
Chúng ta hay coi vấn đề của trẻ là chuyện nhỏ, chuyện trẻ con và không cùng chúng sẻ chia, tìm giải pháp thì ắt một ngày hệ quả đau lòng sẽ khó tránh khỏi. Vì thế, sau những vụ bạo lực học đường, chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân và cần có sự thay đổi thực sự, thay đổi trong cách yêu thương con trẻ.
Có như thế, con trẻ mới thấy thực sự cần người lớn và dám chia sẻ những vấn đề mà bản thân gặp phải. Và có như thế mới cứu con em chúng ta khỏi những hệ quả đau lòng của nạn bạo lực học đường./.
Tác giả: An An
Nguồn tin: vov.vn