"Siêu ban giao thông" của Hà Nội nợ 63 tỉ đồng, chưa có nguồn chi trả
- 14:59 18-04-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hà Nội đang lấy ý kiến người dân, các đơn vị liên quan về việc đề nghị xây dựng Nghị quyết ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các Ban quản lý dự án (QLDA) thành phố, Đài Phát thanh-Truyền hình (PT-TH) Hà Nội, Báo Hà Nội mới để thực hiện tinh giản biên chế.
Trụ sở Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thắng |
Theo dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết, đối tượng áp dụng của nghị quyết gồm: Ban QLDA Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố; Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố; Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố; Đài PT-TH Hà Nội; Báo Hà Nội mới.
Từ năm 2016 đến nay, các Ban QLDA đầu tư xây dựng thành phố đã trải qua 2 đợt sắp xếp, tổ chức bộ máy, trên cơ sở hợp nhất hàng chục ban. Do nguyên tắc sáp nhập nguyên trạng để ổn định tổ chức, thực hiện các dự án dẫn đến trình độ và kinh nghiệm của cán bộ, công chức, người lao động không đồng đều. Một số ban có số lượng người lao động quá đông.
Về tài chính, một số ban còn nợ ngân sách để trả lương và nợ cũ trước khi hợp nhất, sáp nhập, chưa có nguồn tiền để trả. Trong đó, Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT nợ hơn 6,2 tỉ đồng, năm 2020 mới trả ngân sách thành phố 233 triệu đồng; Đặc biệt, Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông nợ khoảng 63 tỉ đồng.
Trên thực tế, các ban chưa được tự chủ toàn bộ trong việc sử dụng các nguồn thu do tồn tại một số quy định pháp luật… Do vậy, các ban báo cáo không có nguồn chi trả cho tinh giản biên chế.
Việc xây dựng chính sách này nhằm đảm bảo chế độ, chính sách theo quy định cho các đối tượng tinh giản biên chế. Mặt khác, đây là các đơn vị tự chủ thường xuyên nhưng gặp khó khăn về tài chính, không có nguồn chi thực hiện tinh giản biên chế nên thành phố hỗ trợ kinh phí thực hiện tinh giản biên chế để tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động sau sắp xếp.
Dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết đề xuất dùng ngân sách hỗ trợ kinh phí tinh giản biên chế. Tổng kinh phí hỗ trợ và tổng số lượng biên chế bị tinh giản sẽ dựa trên đề án tinh giản biên chế của các đơn vị; được Sở Nội vụ, Sở Tài chính thẩm định hồ sơ. Thời gian áp dụng đến hết năm 2025.
Dự kiến, tờ trình xây dựng nghị quyết sẽ được UBND TP Hà Nội xem xét, trình HĐND thành phố xem xét, thông qua tại kỳ họp giữa năm 2023.
Theo một cán bộ có trách nhiệm tại Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, khoản nợ khoảng 63 tỉ đồng hiện nay của Ban gồm nợ của các Ban trước khi sáp nhập và cả nợ mới sau khi sáp nhập. Thời gian tới, Ban sẽ có kế hoạch để trả dần khoản nợ này.
Năm 2017, UBND TP Hà Nội quyết định thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội trên cơ sở hợp nhất 7 đơn vị: Ban Quản lý dự án Hạ tầng Tả ngạn; Ban Quản lý dự án Giao thông đô thị-Sở Giao thông vận tải; Ban Quản lý dự án Đầu tư phát triển Giao thông đô thị-Sở Giao thông vận tải; Ban Quản lý dự án Giao thông 1-Sở Giao thông vận tải; Ban Quản lý dự án Giao thông 2-Sở Giao thông vận tải; Ban Quản lý dự án Giao thông 3-Sở Giao thông vận tải; Ban quản lý dự án Hạ tầng khu công nghiệp-Ban Quản lý Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội.
Tác giả: B.H.Thanh
Nguồn tin: Báo Người Lao Động