Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Xem nhiệm vụ chỉ đạo sản xuất vụ Hè Thu - Mùa là nhiệm vụ chính trị quan trọng để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

Để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác chỉ đạo và tập trung mọi nguồn lực cho sản xuất vụ Hè Thu – Mùa năm 2023, sáng nay (17/4), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ đã chủ trì Hội nghị triển khai Đề án sản xuất trồng trọt năm 2023. Cùng chủ trì hội nghị có các đồng chí: Phùng Thành Vinh – Tỉnh ủy viên, Giám đốc NN&PTNT; Võ Thị Nhung – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT.

 Quang cảnh hội nghị

Vụ Hè thu - Mùa 2022, toàn tỉnh đã thực hiện được 72 mô hình áp dụng khoa học công nghệ trên các cây trồng

Sản xuất vụ Hè Thu - Mùa 2022 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho các cây trồng sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên, ở một số thời điểm chịu tác động của thời tiết cực đoan như: Bão, mưa to, dông lốc... đã làm thiệt hại gần 7.000 ha diện tíchcây trồng các loại trên địa bàn tỉnh.

 Đ/c Phùng Thành Vinh – Giám đốc Sở NN&PTNT khai mạc hội nghị

Bên cạnh đó, giá cả các loại nguyên liệu, vật tư tăng cao, nhu cầu và phương thức tiêu dùng thay đổi do khó khăn ở vấn đề thu nhập của người dân… đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chỉ đạo, triển khai sản xuất.

Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của các Sở, ngành, địa phương và sự nỗ lực cố gắng của bà con nông dân trong áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, liên kết sản xuất nên diện tích, năng suất, sản lượng, giá trị vụ Hè thu - Mùa năm 2022 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tổng diện tích gieo trồng đạt 112.830,69 ha. Tổng sản lượng cây lương thực có hạt 429.398 tấn. Năng suất các loại cây trồng đều tăng so với kế hoạch.

 Đ/c Võ Thị Nhung – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT báo cáo kết quả sản xuất vụ Hè Thu – Mùa năm 2022

Công tác tổ chức chỉ đạo sản xuất đã có nhiều đổi mới, quyết liệt hơn trong việc tổ chức sản xuất, phòng chống hạn và phòng trừ sâu bệnh hại từ tỉnh đến cơ sở.  Việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, liên kết trong sản xuất được thực hiện rộng rãi và ngày càng hiệu quả. Trong vụ Hè thu - Mùa 2022, toàn tỉnh đã thực hiện được 72 mô hình áp dụng trên các cây trồng, trong đó diện tích áp dụng sản xuất lúa theo SRI là 6.607 ha, áp dụng theo kỹ thuật 3 giảm 3 tăng là 190 ha, áp dụng theo IPM là 310 ha và thực hiện được 49 mô hình cánh đồng lớn với diện tích 2.049,21 ha.

 Các đại biểu tham quan sản phẩm nông nghiệp trưng bày tại hội nghị

Diện tích lúa cấy bằng máy là 1.290,7 ha. Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ và hướng hữu cơ là 19,6 ha. Có 338,48 ha diện tích rau, quả các loại được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và tương đương còn hiệu lực; 36,41 ha diện tích các loại cây có giá trị cao như cà chua, dưa chuột, dưa lưới, dưa vàng,… sản xuất trong nhà lưới, nhà màng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trên thực tế diện tích gieo trồng, diện tích thu hoạch và sản lượng các cây trồng (lúa, ngô, lạc, đậu đỗ, cây vừng) đều không đạt so với kế hoạch đề ra trong vụ Hè thu - Mùa năm 2022. Sản phẩm nông sản an toàn, truy xuất nguồn gốc, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân mặc dù được quan tâm, tuy nhiên diện tích thực hiện ổn định vẫn còn ít.

 Đại diện Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung bộ đưa ra dự báo về tình hình thời tiết

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe đại diện các đơn vị: Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung bộ đưa ra dự báo về tình hình thời tiết trong thời gian tới; Đại diện Chi cục Thủy lợi đưa ra Phương án tưới, tiêu phục vụ sản xuất vụ Hè Thu – Mùa năm 2023; Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng 4 cảnh báo tình hình sâu bệnh trên cây trồng...

Theo đó, nắng nóng có khả năng xuất hiện ở khu vực Bắc Trung Bộ từ tháng 4/2023. Tổng lượng mưa các tháng 05 - 06/2023 phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ 5 - 10%. Thực trạng nguồn nước tại tại các hồ đập, sông suối và các công trình đầu mối đang ở mức thấp do đó nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn là rất cao, có thể xẩy ra sớm và trên diện rộng. Do đó, sẽ ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch

Bên cạnh đó, nguy cơ tiềm ẩn một số dịch hại có thể phát sinh gây hại mạnh trong vụ Hè thu - Mùa 2023 như: Sâu cuốn lá nhỏ, chuột, rầy nâu, rầy lưng trắng, nhện gié, bệnh lùn sọc đen... trên cây lúa và sâu keo mùa thu trên cây ngô. Nhất là những vùng bỏ ruộng, không sản xuất sẽ là nơi trú ngụ, phát sinh của chuột và các loại sâu bệnh hại.

 Đ/c Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành chia sẻ về giải pháp hạn chế tình trạng bỏ hoang ruộng vụ Hè Thu – Mùa 2023

 Đ/c Lê Đình Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương chia sẻ về giải pháp để sản xuất và xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn huyện

 Đại diện doanh nghiệp nêu lên nhu cầu kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng

Vụ Hè Thu - Mùa năm 2023 phấn đấu đạt hơn 424.000 tấn lương thực

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ phát biểu kết luận

Thực hiện chỉ tiêu sản xuất lương thực tại Quyết định số 4378/QĐ-UBND ngày 30/12/2022 của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu kế hoạch KT-XH tỉnh Nghệ An năm 2023 là 1.200.000 tấn. Căn cứ vào tình hình sản xuất vụ Đông 2022, theo Đề án vụ Xuân năm 2023 thì vụ Hè Thu - Mùa năm 2023 phấn đấu đạt 424.000 tấn lương thực.

Để đạt được mục tiêu này, toàn tỉnh phấn đấu trồng hơn 93.000 ha diện tích cây lương thực. Cùng với đó, phấn đấu trồng hàng chục nghìn ha đậu, vừng, lạc và rau màu các loại...

Nhấn mạnh tầm quan trọng của vụ Hè thu – Mùa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ đề nghị các địa phương, đơn vị quan tâm đến việc triển khai Đề án sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu – Mùa năm 2023 nhằm đạt kết quả cao về cả diện tích, năng suất, sản lượng, hạn chế đến mức thấp nhất do thiên tai, dịch bệnh gây ra.

Ngoài các nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Đề án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần phải tuyên truyền để các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và người dân quan tâm, chú trọng triển khai thực hiện Đề án. Đi cùng với đó, làm tốt công tác chuẩn bị về: Giống cây trồng; phương án tưới tiêu đảm bảo nhu cầu cung cấp nước sản xuất; máy móc thiết bị như máy cày, bừa, máy thu hoạch; phương án sản xuất phải thật cụ thể để tránh tình trạng người dân bỏ đất, giúp người dân thực hiện chuyển đổi cây trồng phù hợp hiệu quả. Mặt khác cần thực hiện tốt công tác dự báo thời tiết để xây dựng lịch thời vụ linh hoạt, khoa học; liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, chú ý đến việc triển khai thực hiện các cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã có, đồng thời nghiên cứu đề xuất, kiến nghị những chính sách mới để kịp thời khuyến khích người dân làm kinh tế nông nghiệp...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý các địa phương, ngành Nông nghiệp và PTNT cần có phương án sản xuất dự phòng để đề phòng các trường hợp thời tiết cực đoan, sâu bệnh phá hoại...

“Xây dựng Đề án sản xuất vụ Hè Thu - Mùa năm 2023 cụ thể, sát với thực tế của địa phương nhằm phát huy tối đa các lợi thế sẵn có. Đề án phải thể hiện sự phấn đấu cao, các chỉ tiêu phải vượt trội, phù hợp với tình hình thực tế và các giải pháp tổ chức chỉ đạo thực hiện phải tích cực, quyết liệt để đảm bảo giành thắng lợi. Các địa phương phải xem nhiệm vụ chỉ đạo sản xuất vụ Hè Thu - Mùa là nhiệm vụ chính trị quan trọng để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác chỉ đạo sản xuất” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Tác giả: Phan Quỳnh

Nguồn tin: nghean.gov.vn