Mẹ chồng khó tính
- 08:26 02-04-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Kết hôn được một năm, chị P.T.H (24 tuổi; ngụ quận 7, TP HCM) kể đã nếm đủ vị "đắng" khi ở chung nhà với mẹ chồng.
Thích kiểm soát, hay soi mói
Anh M. (chồng chị H.) là phó phòng kinh doanh tại một công ty sản xuất gỗ, chị H. làm nhân viên văn phòng. Sống ở nhà chồng, nhất cử nhất động của chị H. đều bị mẹ chồng chỉnh. "Đi làm về không chịu nấu cơm còn làm gì đó?", "Sao con mua sắm nhiều vậy, phung phí quá!", "Sao quần áo lại ngắn thế kia, con đi thay đồ khác cho đàng hoàng", "Nước giặt con lấy nắp đong, quần áo ít thì đổ bớt lại. Phụ nữ phải biết tiết kiệm thì chồng mới khá được…". Chị H. cảm thấy vô cùng mệt mỏi, ngột ngạt vì có cảm giác mẹ chồng muốn can thiệp và chỉ đạo mọi việc trong gia đình, kiểm soát con cái.
"Từ ngày về nhà chồng, tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. 6 giờ sáng, mẹ chồng mở toang cửa, nói bóng gió tôi ngủ nướng, kêu dậy nấu đồ ăn sáng cho chồng. Có lần tôi bị cảm cúm, mẹ chồng cứ nói đi nói lại rằng tại tôi ngủ máy lạnh nhiều nên sức khỏe kém. Tôi tâm sự với chồng, anh nói hiểu và thương tôi nhưng lại kêu nhường nhịn mẹ cho êm cửa êm nhà. Tôi tự hỏi sau này sinh con, tôi phải chăm sóc, dạy con thế nào khi mẹ chồng thích can thiệp vào mọi chuyện như vậy?" - chị H. thở dài.
Đến bây giờ, chị T.N.T.U (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) vẫn chưa quên được cảm xúc tiêu cực trước ngày ly hôn. Chị tâm sự: "Tôi 34 tuổi, khi con trai 6 tuổi thì hôn nhân tan vỡ. Tôi từng nghĩ làm người vợ hiền, con dâu hiếu thảo thì gia đình hạnh phúc nhưng nhẫn nhịn bao nhiêu thì mẹ chồng càng quá đáng bấy nhiêu. Bạn bè ghẹo tôi làm dâu như ở đợ. Từ ngày lấy chồng, tôi quên cả thói quen trang điểm, mua sắm quần áo, đi du lịch… vì không có chút thời gian cho bản thân. Đi làm về đến nhà, không kịp thay quần áo, tôi lao ngay xuống bếp nấu nướng, dọn dẹp. Ngày nào đơn hàng nhiều, về trễ là tôi "phi" như bay để kịp nấu ăn vì cả nhà chờ cơm và tôi không muốn nghe lời bóng gió của mẹ chồng. Chưa hết, mẹ chồng luôn chê tôi không biết dạy con. Nhiều lần tôi bàn với chồng ra riêng nhưng anh không chịu, chì chiết nói tôi ích kỷ, tính toán, chỉ biết nghĩ cho bản thân… Mệt mỏi, áp lực nhưng chồng dửng dưng, không quan tâm, chia sẻ. Cuối cùng, tôi chọn ly hôn. Giờ chỉ hai mẹ con tôi sống cùng nhau, cảm thấy nhẹ nhõm, êm đềm".
Năm năm trước, khi mới kết hôn được một tháng, chị T.H.L (32 tuổi; ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) đã nghĩ đến ly hôn vì sốc với cách hành xử của mẹ chồng.
"Từ ngày về nhà chồng, tôi bị mẹ chồng soi mói, nói những lời khó nghe. Có lúc tôi nghĩ tôi chưa từng nấu trọn bữa cơm cho mẹ mình thì giờ phải cơm nước, giặt giũ cho nhà chồng mà vẫn bị chê lười biếng. Mẹ tôi chưa từng nói nặng một lời thì nay tôi phải im lặng nghe mẹ chồng la mắng những chuyện không đâu. Nghĩ đến mẹ mình, tôi đã khóc" - chị L. kể.
Minh họa: KHỀU |
Để cửa nhà êm ấm
"Mẹ nào cũng nghĩ họ hiểu và yêu con trai mình hơn nên thường phản đối con dâu trong một số vấn đề. Tuy nhiên, nàng dâu đừng cạnh tranh với mẹ chồng, cần lấy lòng bà trước khi thay đổi bất kỳ thứ gì trong gia đình. Tốt hơn, hãy khuyến khích chồng dành thời gian cho cha mẹ, điều này sẽ khiến mẹ chồng yên tâm rằng không bị con dâu giành mất con trai. Đồng thời, con dâu không nên thể hiện cử chỉ thân mật hoặc tình cảm thái quá với chồng trước mặt mẹ chồng vì điều này có thể gây nên cảm giác ganh tị, tủi thân vì con trai bà hết lòng chăm sóc, nuôi nấng nay chỉ biết mỗi vợ" - bà Nguyễn Thị Phương Trang nói.
Chuyên gia cũng cho rằng nàng dâu cần hiểu vị trí, vai trò của mình với mẹ chồng. Khi xảy ra mâu thuẫn, cần bình tĩnh để ứng xử khéo léo và tìm lối thoát, tránh để xung đột nghiêm trọng hơn.
"Trong trường hợp hết cách, hãy để chồng nói chuyện với mẹ chồng vì anh ấy hiểu rõ mẹ mình và lời nói cũng được bà dễ dàng tiếp nhận hơn" - bà Phương Trang nhắn nhủ.
Đề xuất giải pháp, chuyên gia tâm lý Trần Trung Kiên cho rằng cần tìm kiếm sự thông cảm giữa mẹ chồng - nàng dâu. Theo đó, nàng dâu có thể chủ động hỏi ý kiến mẹ chồng về những vấn đề cần giải quyết trong gia đình. Khi đó, mẹ chồng sẽ thấy bà có vị trí rất quan trọng trong gia đình và con dâu lúc nào cũng kính trọng mình.
Ông Trần Trung Kiên cũng khuyên nàng dâu trước hết phải tôn trọng nếp sống gia đình chồng. Hãy đặt mình vào vị trí người mẹ, bày tỏ sự biết ơn vì đã nuôi dưỡng chồng để mình có hạnh phúc hôm nay.
"Sống chung nhà với mẹ chồng mà nàng dâu thiếu sự quan tâm, hời hợt trong ứng xử là đang tự khoét hố sâu ngăn cách trong quan hệ mẹ chồng - nàng dâu. Hãy tỏ ra thân thiện, gần gũi với mẹ chồng thì bà cũng sẽ có những thay đổi tích cực trong suy nghĩ và sẽ dễ tính hơn" - ông Kiên lưu ý.
Mẹ chồng hãy rộng lòng Ông Trần Trung Kiên cũng cho rằng mẹ chồng cần hiểu một cô gái chân ướt chân ráo vào gia đình khác cần thời gian để hòa nhập và xem người lạ là người thân. Hãy hiểu những cảm xúc lo lắng, lạc lõng; những xáo trộn khi thay đổi môi trường sống của con dâu; cảm thông với những vụng về, thiếu sót của con dâu... Như vậy sẽ loại bỏ được những cảm xúc tiêu cực. Quá trình này cần sự tham gia tích cực của người chồng với vai trò cầu nối để vợ và gia đình mình trở nên gần gũi, thân thiết hơn. |
Tác giả: Thiên Nga
Nguồn tin: Báo Người Lao Động