Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Đề xuất trình TVQH Dự án luật về quyền chuyển đổi giới tính và công nhận giới tính mới

Dự án Luật Bản dạng giới với nội dung quy định về quyền chuyển đổi giới tính và công nhận giới tính mới, khác với giới tính khi sinh theo yêu cầu của công dân.

Tại phiên họp 13 của Ủy ban Pháp luật diễn ra trong tuần, đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đã đề nghị đưa dự án Luật Bản dạng giới vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024. Dự án Luật Bản dạng giới với nội dung quy định về quyền chuyển đổi giới tính và công nhận giới tính mới, khác với giới tính khi sinh theo yêu cầu của công dân.

 Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Trí phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Việc đại biểu Quốc hội trình đề nghị xây dựng Luật là thực hiện quyền sáng kiến lập pháp theo quy định tại Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, xuất phát từ cơ sở pháp lý còn chưa đồng bộ dẫn đến nhận thức, quan điểm quản lý nhà nước về xác nhận lại giới tính, người chuyển giới còn chưa cởi mở. Cơ quan quản lý nhà nước gặp khó khăn trong việc xác định và thay đổi các giấy tờ hộ tịch cho người có yêu cầu xác định giới tính khác với giới tính khi sinh. Bên cạnh đó, người chuyển giới không có giấy tờ nhân thân đúng với giới tính mình mong muốn, bị tổn thương về tâm lý và phải hứng chịu sự kỳ thị, phân biệt đối xử của xã hội, dẫn đến rất nhiều khó khăn trong cuộc sống:

 “Luật Bản dạng giới này có 2 chính sách đề cập đến quyền, cách thức công nhận giới tính mới. Cụ thể quyền chuyển đổi giới tính của công dân, công dân có quyền chuyển đổi giới tính. Đồng thời đưa ra những tiêu chí để công dân thực hiện quyền hạn. Chính sách 2 là công nhận giới tính mới khác giới tính khi sinh theo yêu cầu của công dân với quy trình, thủ tục mới gồm 5 bước. Đây là lý do mà chúng tôi xin đề nghị tên của Luật Bản dạng giới”- Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho hay. 

Thực tế người chuyển giới tại Việt Nam không được tư vấn, đánh giá, chuẩn bị đầy đủ về mặt tâm lý trước và sau khi quyết định chuyển đổi giới tính do dịch vụ không sẵn có, xuất phát từ nguyên nhân chưa có các quy định pháp luật cho việc chuyển đổi giới tính. Nhiều nội dung chính sách có sự giao thoa với các chính sách của dự án Luật Chuyển đổi giới tính do Bộ Y tế đang chủ trì theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện nhiệm vụ lập pháp. Đến nay, Chính phủ chưa chính thức trình đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới. Vì vậy, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị nghiên cứu, thống nhất để tiết kiệm nguồn lực, không chồng chéo.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị: “Liên quan đến chuyển đổi giới, xác định rõ phạm vi điều chỉnh. Nhận diện rõ Bản dạng giới hay chuyển đổi giới tính. Đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đây là đề xuất của ĐBQH, sáng kiến luật pháp”.

Tính đến ngày 25/11/2021, dân số Việt Nam là hơn 98 triệu người thì Việt Nam ước có khoảng gần 500 nghìn người chuyển giới. Như vậy, có khoảng nửa triệu người chưa được bảo vệ các quyền nhân thân một cách trọn vẹn, thậm chí còn bị xâm hại. Tỷ lệ người chuyển giới đã từng kết hôn rất ít, chỉ chiếm 1,4%, còn đa phần là độc thân, chưa từng kết hôn. Trong đó, hơn 81% người chuyển giới tham gia khảo sát chưa bao giờ công khai giới tính với cộng đồng./.