Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhà trường 'đau đầu' sắp xếp đội ngũ

Năm học 2023 - 2024, theo tính toán của Sở GD&ĐT Nghệ An, toàn tỉnh sẽ tăng 26.000 học sinh.

 Học sinh học giáo dục thể chất tại Trường THCS Đặng Thai Mai, TP Vinh, Nghệ An.

Trên cơ sở dự báo quy mô mạng lưới trường lớp, học sinh… các địa phương đang tính toán cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và xây dựng kế hoạch năm học phù hợp.

Áp lực với nhà trường

Cô Nguyễn Thị Thanh Nga – Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Dũng (TP Vinh, Nghệ An) - cho biết, năm học tới, toàn trường dự kiến tăng từ 1 - 2 lớp 6. Số lượng này đã bao gồm học sinh từ các phường lân cận xin nhập học về Hưng Dũng. Cụ thể như phường Hưng Phúc, Trường Thi có kế hoạch thí điểm mô hình trường tiên tiến. Nếu học sinh không có nhu cầu theo mô hình này được quyền đăng ký tuyển sinh vào bất cứ trường THCS khác trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, dù khối 6 tăng ít (tổng 12 - 13 lớp) nhưng khối 9 năm nay chỉ có 8 lớp. Vì thế, năm học 2023 - 2024, số lớp của toàn Trường THCS Hưng Dũng dự kiến tăng lên từ 37 lớp lên 43 lớp. Và dự báo trong 5 năm tới, toàn trường sẽ tăng lên 45 lớp.

Trường THCS Hưng Dũng có 61 giáo viên, thiếu so với tỷ lệ của tỉnh Nghệ An là 1,726 giáo viên/lớp và của Bộ GD&ĐT là 1,9 giáo viên/lớp đối với cấp THCS. Theo tính toán, năm học tới, Trường THCS Hưng Dũng sẽ thiếu 13 giáo viên để đáp ứng yêu cầu dạy học cũng như Chương trình GDPT 2018.

“Nhà trường đã có báo cáo về quy mô học sinh, trường lớp và đề nghị được bổ sung thêm đội ngũ. Tuy nhiên, với việc thiếu giáo viên, trường sẽ chủ động hợp đồng một số bộ môn. Bên cạnh đó, giáo viên cơ hữu phải dạy tối đa số tiết. Riêng cơ sở vật chất, nhà trường được đầu tư xây dựng mới dãy nhà 2 tầng 12 phòng học nên cơ bản đảm bảo yêu cầu dạy học và các hoạt động giáo dục”, cô Nga cho hay.

Năm học 2022 - 2023, quy mô trường lớp của thành phố Vinh (Nghệ An) gồm 59 cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó 30 trường tiểu học với hơn 40.000 học sinh và 29 trường THCS với khoảng 23.600 học sinh. Về đội ngũ giáo viên vẫn chưa đảm bảo về tỷ lệ theo quy định.

Cụ thể cấp tiểu học có 1.189 giáo viên/960 lớp, đạt tỷ lệ 1,24 và đang thiếu 64 giáo viên theo nhu cầu để đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày. Đối với cấp THCS hiện có 836 người, đạt tỷ lệ 1,63 giáo viên/lớp, thiếu 48 giáo viên. Dự báo trong những năm tới, số giáo viên sẽ thiếu nhiều, đặc biệt là cấp THCS do phải thực hiện tinh giản biên chế trong khi học sinh tăng đột biến.

 Giờ chào cờ tại Trường THCS Hưng Dũng (TP Vinh, Nghệ An).

Chuẩn bị phương án

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An, năm học 2023 - 2024, số học sinh trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng, cao nhất là cấp THCS. Cụ thể, năm học này, số học sinh lớp 5 dự kiến xét hoàn thành chương trình tiểu học là hơn 72.700 em. Kéo theo đó, tổng số học sinh THCS năm học 2023 - 2024 sẽ đạt gần 233.000 em, tăng hơn so với năm học trước khoảng 26.000 em, đồng nghĩa tăng khoảng 580 lớp cùng tỷ lệ giáo viên tương ứng.

Số học sinh lớp 9 năm nay tham gia xét tốt nghiệp THCS khoảng 46.600 em. Với con số này, theo tính toán, học sinh THPT chỉ tăng nhẹ. Học sinh bậc tiểu học cũng không tăng đáng kể so với các năm học trước.

Trước đó, qua thống kê trong 5 năm trở lại đây, cấp tiểu học của Nghệ An tăng khoảng 64.000 học sinh và trung bình mỗi năm tăng 12.000 học sinh. Trong đó, thành phố Vinh trung bình mỗi năm tăng 3.600 học sinh; các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành tăng 2.000 học sinh.

Bà Hoàng Thị Phương Thảo – Trưởng phòng GD&ĐT TP Vinh thông tin, hằng năm căn cứ vào chỉ tiêu biên chế được giao, thành phố triển khai tuyển dụng trong đó ưu tiên tuyển giáo viên các bộ môn còn thiếu để thực hiện chương trình mới (Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ...).

Cụ thể năm 2020 đã tuyển dụng 126 giáo viên; năm 2021 tuyển dụng 291 giáo viên và năm 2022 tuyển dụng 38 giáo viên. Về cơ sở vật chất, UBND TP Vinh thường xuyên chỉ đạo rà soát sắp xếp lại hệ thống trường, lớp để đảm bảo tập trung, hiệu quả trong bố trí nguồn lực mà không ảnh hưởng đến quyền lợi người học.

Theo ông Trần Xuân Tĩnh – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Thành (Nghệ An), năm học 2023 - 2024, toàn huyện dự báo tăng hơn 2.000 học sinh THCS, tương đương khoảng 38 lớp. Trong 5 năm tới, dự kiến học sinh THCS tiếp tục tăng, nhưng bậc tiểu học duy trì ổn định. Đội ngũ giáo viên của huyện Yên Thành hiện đang thừa ở cấp THCS. Vì thế, việc tăng học sinh không ảnh hưởng quá nhiều, nhưng tương tự các địa phương khác, Yên Thành gặp khó khăn trong giáo viên môn tích hợp.

Sở GD&ĐT Nghệ An đã có công văn hướng dẫn các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh thực hiện thu thập thông tin, xây dựng kế hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục (về quy mô mạng lưới trường, lớp học), năm học 2023 - 2024. Sau khi tổng hợp, sở GD&ĐT sẽ duyệt kế hoạch năm học cho các địa phương, nhằm chuẩn bị điều kiện cho năm học mới cũng như tuyển sinh của nhà trường.

Trước dự báo học sinh tăng cao, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng yêu cầu các cấp, ngành và toàn xã hội tập trung rà soát, sắp xếp hợp lý quy mô mạng lưới trường lớp… Qua đó nhằm bố trí đủ giáo viên triển khai Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình. Đồng thời xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo chất lượng giáo dục.

Theo bà Hoàng Thị Phương Thảo, hằng năm ngành đều tính toán và dự báo quy mô học sinh. Từ đó, báo cáo UBND thành phố phương án chỉ đạo bố trí, sắp xếp giáo viên phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời có cơ chế huy động xã hội hóa đảm bảo chi trả lương giáo viên thiếu theo định mức khi chưa bố trí đủ biên chế.

Tác giả: Hồ Lài

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn