Ông Phạm Nhật Vượng cùng loạt tỷ phú USD nhận lương 0 đồng
- 14:49 29-03-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong báo cáo thường niên vừa công bố, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) và các Thành viên Hội đồng quản trị không nhận lương năm 2022.
Ông Long cùng các thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) đã quyết định giữ lại toàn bộ lợi nhuận để dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Hội đồng quản trị của Hòa Phát có 8 người, gồm 1 Chủ tịch, 3 Phó chủ tịch, 3 thành viên HĐQT và 1 phụ trách quản trị.
Điều này trái ngược hẳn với năm 2021 khi doanh nghiệp này đã mạnh tay chi 118 tỷ đồng để trả thù lao cho các thành viên HĐQT, mỗi người nhận được hàng chục tỷ đồng.
Theo Forbes, ông Trần Đình Long hiện có tổng tài sản đạt 1,8 tỷ USD. Ông cũng đang nắm giữ hơn 1,5 tỷ cổ phiếu HPG, tương ứng 26% vốn điều lệ công ty.
Ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát. |
Tuy nhiên, Tập đoàn Hòa Phát vẫn trả lương và thưởng cho Ban Giám đốc công ty 5,3 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2021. Hiện tại, ban giám đốc của Hòa Phát gồm ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng Giám đốc và bà Nguyễn Thị Thảo Nguyên - Phó Tổng Giám đốc.
Trong năm 2022, Hòa Phát đã ghi nhận 2 quý thua lỗ liên tiếp trong nửa cuối năm với lợi nhuận là âm 1.992 tỷ đồng. Lợi nhuận cả năm đạt 8.443 tỷ đồng, giảm gần 76% so với năm 2021 và là mức thấp nhất kể từ 2019. Kết quả này cũng kém xa mục tiêu lợi nhuận 25.000 - 30.000 tỷ mà đại hội cổ đông năm 2022 đặt ra.
Năm 2022 cũng là lần đầu tiên Hòa Phát không chia cổ tức kể từ khi niêm yết. Về số tiền giữ lại, ông Trần Đình Long cho biết, sẽ dùng để triển khai mạnh dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2.
Trong báo cáo thường niên năm 2022, ông Trần Đình Long cho biết, năm 2021 là năm Tập đoàn Hòa Phát đạt được doanh thu và lợi nhuận rực rỡ nhất trong lịch sử 30 năm phát triển. Tuy nhiên, những biến động lớn về kinh tế, chính trị thế giới diễn ra trong năm 2022 đã ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch sản xuất kinh doanh của Hòa Phát.
Dù dịch COVID-19 đã được đẩy lùi nhưng xung đột địa chính trị, lãi suất, lạm phát, tỷ giá đã tạo thành lốc xoáy cuốn bay thành quả tích lũy của nhiều nền kinh tế và Hòa Phát lần đầu tiên ghi nhận kết quả kinh doanh lỗ sâu liên tiếp trong 2 quý cuối năm 2022.
“Trong cùng một năm mà ngành bất động sản từ nóng chuyển sang nguội dần và đóng băng vào cuối năm. Tỷ giá, lãi suất cũng lên cơn sốt chưa từng có và chỉ hạ nhiệt bớt vào tháng 12/2022”, ông Long chia sẻ.
Theo ông Long, năm 2023, dự báo kinh tế thế giới và Việt Nam chưa lạc quan hơn, tuy nhiên Hòa Phát sẽ luôn thận trọng, tự tin và vững bước tiến lên, phát huy tốt những lợi thế của mình.
Cụ thể, năm 2023, Hòa Phát sẽ đầu tư thêm hạ tầng kỹ thuật dự án Khu công nghiệp Yên Mỹ II mở rộng với diện tích quy hoạch 216 ha. Kế hoạch trong 10 năm tới, Tập đoàn sẽ phát triển 10 khu công nghiệp, gồm cả các khu công nghiệp hiện nay đang có.
Đối với mảng dự án nhà ở và khu đô thị, tập đoàn này sẽ tập trung phát triển các đại đô thị diện tích từ 300-500 ha, đóng góp vào quá trình đô thị hóa các khu dân cư hiện hữu của địa phương. Các dự án bất động sản nhà ở, khu đô thị đang được nghiên cứu và nộp hồ sơ đăng ký thực hiện.
Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Masan. |
Một tỷ phú USD khác của Việt Nam là ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) cũng không nhận thù lao trong năm 2022. 6 thành viên khác trong Hội đồng quản trị Masan cũng nhận thù lao 0 đồng.
Ông Nguyễn Đăng Quang được Forbes định giá có tổng tài sản của ông đạt 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên, ông không trực tiếp sở hữu nhiều cổ phiếu của các công ty con hay Tập đoàn Masan.
Trong khi đó, ông Danny Le - Tổng giám đốc Masan - được trả lương và thưởng là 11,9 tỷ đồng, trung bình 992 triệu đồng/tháng trong năm 2022. So với năm 2021, tổng thu nhập mỗi tháng của ông Danny Le năm 2022 giảm khoảng 348 triệu đồng.
Năm 2022, doanh thu thuần Masan Group giảm 14% so với năm 2021 còn 76.380 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng của Masan đạt 3.567 tỷ đồng, giảm gần 60% so với năm 2021.
Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC) và là Thành viên Hội đồng quản trị Công ty CP Vinhomes nhưng tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng nhận thù lao 0 đồng. Hiện tại, Forbes định giá tài sản ông Phạm Nhật Vượng 4,3 tỷ USD.
Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup. |
Tại Vingroup còn có bà Nguyễn Diệu Linh - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Yoo Ji Han - Thành viên Hội đồng quản trị độc lập Tập đoàn Vingroup cũng nhận lương 0 đồng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Quang - Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup nhận lương gần 6,2 tỷ đồng trong năm 2022. Còn các thành viên quản lý khác nhận tổng cộng khoảng 13,4 tỷ đồng.
Tác giả: Duy Quang
Nguồn tin: Báo Tiền Phong