Nghệ An: Nhiều trường học ở Kỳ Sơn mong được công nhận bán trú
- 10:29 29-03-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thống kê từ phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho thấy, toàn huyện có 72 trường học, gồm 1.038 nhóm lớp với 23.823 học sinh. Trong đó có 22.500 học sinh người dân tộc thiểu số (tỷ lệ 94,9%); 21.623 học sinh vùng đặc biệt khó khăn (tỷ lệ 90,8%); học sinh thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo 13.396 (tỷ lệ 56,2%). Đến năm học 2022-2023 toàn huyện hiện có 28 trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), trong đó có 11 trường PTDTBT Tiểu học, 12 trường PTDTBT Trung học cơ sở, 4 trường PTDTBT Tiểu học và Trung học cơ sở, 01 trường THPT.
Hiện Kỳ Sơn có 18 trường tổ chức cho học sinh ăn, ở bán trú tập trung tại điểm trường chính nhưng chưa được công nhận trường PTDTBT. Trong đó số học sinh dân tộc bán trú cấp tiểu học: 3.012 học sinh; Học sinh trung học cơ sở: 3.810 học sinh; Trường THPT Năm học 2022-2023 thực hiện thí điểm 320 học sinh, ưu tiên cho các học sinh thuộc hộ nghèo và mồ côi, năm học 2023-2024 thực hiện 750 học sinh ưu tiên cho các học sinh lớp 12, học sinh thuộc diện hộ ngheo và mồ cối khối 10 và 11.
Có mặt tại trường Mường Lống 1 (xã Mường Lống), phóng viên ghi nhận được sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ giáo viên nhà trường đối với công tác tổ chức bán trú cho học sinh hai cấp gồm cấp 1 và cấp 2. Trường Mường Lống 1 cách trung tâm thị trấn huyện Kỳ Sơn 50km, dù ngôi trường thuộc diện vùng đặc biệt khó khăn nhưng đã thực hiện bán trú cho 134 học sinh (trong tổng số 370 học sinh) từ 2019 tới nay. 100% học sinh đều là người dân tộc mông, cuộc sống các em thiếu thốn, vất vả, mong muốn có được những điều kiện tốt nhất cho học sinh, nhà trường đã tổ chức bán trú cho diện con em ở xa, thuộc diện nghèo khó nhất.
Đối với các em vùng biên giới, dân tộc thiểu số, việc tổ chức xóa các điểm trường lẻ, tạo điều kiện cho các em về trường chính, thực hiện bán trú cho các em là điều rất cấp thiết, để các em có cơ hội tiếp cận giáo dục toàn diện. |
Hiệu trưởng trường Mường Lống 1 Trịnh Hoàng Tuấn tâm sự: “Mường Lống 1 là trường duy nhất đã không còn điểm trường lẻ, đó là điều khó khăn nhất nhưng nay đã thực hiện được. Về học chung dưới mái trường chính, các em được tiếp cận đầy đủ, có điều kiện mở mang thêm nhiều điều, đặc biệt là thoát khỏi cảnh điểm lẻ khó khăn, thiếu thốn vất vả trăm bề cho cả thầy và trò. Để học sinh được bán trú, trường đã phải rất nỗ lực, đặc biệt là sự tâm huyết của cán bộ, giáo viên, dù những năm qua không có cơ chế nào cho thời gian làm bán trú, nhưng vẫn giúp học sinh. Đứng trước những thiếu thốn, trong khi đủ điều kiện thực hiện bán trú, chỉ mong các cấp ngành quan tâm xét cho trường vào diện trường bán trú để được nâng cao chất lượng, cơ sở vật chất cũng như cơ chế bán trú cho giáo viên thực hiện…”.
Theo phòng giáo dục huyện Kỳ Sơn, việc công nhận 18 trường nêu trên thành trường bán trú là cần kịp thời, bởi thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, hằng năm Sở Nội vụ đều giao chỉ tiêu giảm biên chế cho huyện, muốn giảm biên chế, trước hết cần sắp xếp dồn dịch các điểm trường. Khi thực hiện dồn dịch điểm trường, tổ chức bán trú sẽ nâng tỷ lệ học sinh/lớp, giảm được các lớp có quy mô nhỏ từ đó giảm giáo viên, giảm đầu tư cơ sở vật chất cho các điểm trường lẻ, tiết kiệm được biên chế, ngân sách cho nhà nước từ đó có thêm nguồn lực tập trung đầu tư cho các điểm trường chính.
Thực hiện bán trú cho học sinh nhiều năm qua, toàn bộ cơ sở vật chất, nuôi dưỡng các em học sinh đều do trường vận động, Trường Mường Lống 1 cũng như nhiều trường tại Kỳ Sơn mong mỏi được xét vào trường bán trú. |
Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, theo đó bắt đầu từ năm học 2022-2023 môn Ngoại ngữ và Tin học trở thành môn học bắt buộc, việc bố trí giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đủ cho tất cả các điểm trường lẻ là rất khó khăn, do đó cần tổ chức sắp xếp, dồn dịch lại các điểm trường lẻ mới đáp ứng được các điều kiện đảm bảo cho việc triển khai thực hiện.
Học sinh dân tộc bán trú được nhà nước hỗ trợ chi phí, nhà trường bố trí ăn nghỉ tại trường, giảm gánh nặng cho bố mẹ phải tham gia đưa đón, chăm sóc hàng ngày. Khẩu phần ăn của học sinh được các nhà trường tính toán, thay đổi hàng ngày vừa đảm bảo cân đối đủ dinh dưỡng vừa hợp khẩu vị, tốt hơn khi ăn uống ở nhà, góp phần cải thiện, nâng cao thể chất, trí tuệ. Học sinh bán trú ăn nghỉ tại trường, ngoài học tập như học sinh khác còn được giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, kỹ năng tự lập…, có nền tảng vững chắc khi học lên các cấp học cao hơn để trang bị thêm hành trang cho cuộc sống sau này. Và việc tổ chức theo mô hình bán trú tạo điều kiện để học sinh có được điều kiện học tập tốt nhất, giảm bất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội giáo dục.
Trao đổi với phóng viên, Quyền Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn Phạm Viết Phúc bày tỏ: “Trước thực trạng như ở Kỳ Sơn, mong UBND tỉnh Nghệ An sớm có Quyết định công nhận các trường PTDTBT khi đã đủ các điều kiện để đảm bảo quyền lợi chính sách cho cân bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Đề nghị Sở Nội vụ tiếp tục quan tâm tăng định biên để các trường PTDTBT hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt là cần bố trí thêm định biên nhân viên y tế để chăm sóc sức khỏe cho học sinh…”
Báo cáo tại hội nghị sơ kết tổ chức hoạt động trường PTDTBT trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010 - 2022, mới đây Sở GD&ĐT Nghệ An thông tin, tính đến thời điểm tháng 2 năm 2023, toàn tỉnh có 62 trường PTDTBT, 56 trường phổ thông có học sinh bán trú với hơn 17.000 học sinh tiểu học, THCS được hưởng các chế độ theo Nghị định 116/NĐ-CP của Chính phủ.
Thực hiện mô hình trường PTDTBT, các địa phương đã tích cực sắp xếp sáp nhập, dồn dịch điểm trường góp phần thực hiện chỉ tiêu tinh giản biên chế. Tính từ năm học 2010 - 2011 đến nay, 6 huyện miền núi cao đã giảm được 11 trường, 283 điểm trường, 523 lớp, trong khi học sinh tăng 14.320. Tăng tỷ lệ học sinh bình quân/lớp tiến dần đến định mức tối đa theo điều lệ trường phổ thông…
Với giáo dục miền núi, làm được bán trú đó là cả một sự nỗ lực, đáng ghi nhận, và cần sự quan tâm hơn nữa từ các cấp, ngành tỉnh Nghệ An để đội ngũ cán bộ, giáo viên thêm động lực, tinh thần. |
Thực tế đang tồn tại hiện nay đó là, trong số 1.553 giáo viên đang công tác tại các trường PTDTBT trong toàn tỉnh, có 1.527 giáo viên được hưởng phụ cấp trách nhiệm, 26 giáo viên chưa được hưởng phụ cấp này. Có 653 giáo viên được tính định mức giờ dạy dành cho trường PTDTBT, 900 giáo viên chưa được tính định mức này. Ngoài ra còn có 1.507 giáo viên công tác tại các trường có học sinh DTBT (chưa được công nhận trường PTDTBT) chưa được các chế độ trên. Về nhà ở, số phòng ở hiện có 961 phòng, còn thiếu 630 phòng. Bên cạnh đó nhiều phòng ở còn tạm, một số phòng ở đã xuống cấp. Công tác quản lý học sinh trong các trường PTDTBT chủ yếu do giáo viên kiêm nhiệm, chưa có có cán bộ quản sinh; hầu hết các trường chưa có nhân viên y tế...
Tác giả: Hoàng Phạm
Nguồn tin: kinhtedothi.vn