Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp phiên thường kỳ tháng 3/2023
- 15:42 28-03-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tham dự phiên họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Quang cảnh phiên họp |
Thông qua dự thảo Đề án đề nghị công nhận đô thị Đô Lương, huyện Đô Lương đạt tiêu chí đô thị loại IV
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng trình bày dự thảo Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Vinh và lập các phường thuộc thành phố Vinh |
Phiên họp đã thông qua dự thảo Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Vinh và lập các phường thuộc thành phố Vinh.
Việc mở rộng thành phố Vinh và thành lập các phường thuộc thành phố Vinh là phù hợp với các định hướng, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân địa phương.
Bí thư Thành ủy Vinh Phan Đức Đồng thống nhất với phương án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng và lập các phường thuộc thành phố Vinh |
Phương án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Vinh như sau: Điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số hiện có của thị xã Cửa Lò về thành phố Vinh quản lý; điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số hiện có của 4 xã: Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong của huyện Nghi Lộc về thành phố Vinh quản lý.
Phương án thành lập các phường thuộc thành phố Vinh như sau: Thành lập 04 phường trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 4 xã Hưng Đông, Hưng Lộc, Nghi Phú, Nghi Đức hiện có.
Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Trường Giang báo cáo dự thảo Đề án đề nghị công nhận đô thị Đô Lương, huyện Đô Lương đạt tiêu chí đô thị loại IV |
Tiếp đó, phiên họp thống nhất thông qua dự thảo Đề án đề nghị công nhận đô thị Đô Lương, huyện Đô Lương đạt tiêu chí đô thị loại IV.
Việc công nhận đô thị Đô Lương đạt tiêu chí đô thị loại IV phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, vừa đáp ứng với nguyện vọng của người dân, đồng thời là điều kiện quan trọng để tạo lập vị thế, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư, kích thích, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đô Lương nói riêng cũng như toàn tỉnh Nghệ An nói chung.
Đô thị Đô Lương đề nghị công nhận có quy mô diện tích 7.930 ha gồm toàn bộ diện tích thị trấn Đô Lương hiện hữu và các xã Bồi Sơn, Tràng Sơn, Đặng Sơn, Đông Sơn, Nam Sơn, Bắc Sơn, Yên Sơn, Văn Sơn, Đà Sơn, Lạc Sơn, Lưu Sơn và một phần diện tích các xã Thịnh Sơn, Hòa Sơn.
Tính chất, chức năng đô thị là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế văn hóa – xã hội, khoa học kỹ thuật, dịch vụ, du lịch, công nghiệp của huyện Đô Lương và vùng phụ cận, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đô Lương, là vùng lõi trung tâm khi huyện Đô Lương trở thành thị xã. Đồng thời là điểm kết nối giao thông Đông, Tây, Nam, Bắc liên kết giữa các huyện phía tây với thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, Khu Kinh tế Đông Nam và các huyện ven biển của tỉnh Nghệ An.
Phấn đấu đến năm 2030, Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh
Cũng trong sáng nay, phiên họp cũng cho ý kiến về dự thảo Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.
Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Mạnh Cường trình bày dự thảo Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 |
Mục tiêu của Chiến lược được xác định đến năm 2030, Nghệ An trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ và điểm đến hấp dẫn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với các sản phẩm du lịch đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hóa Nghệ An. Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác. Đóng góp vào GRDP của tỉnh 9-10%. Đến năm 2035, Nghệ An trở thành một điểm đến của du lịch Châu Á và thế giới, một điểm sáng, đi đầu về phát triển kinh tế di sản và du lịch của Việt Nam.
Định hướng đầu tư phát triển du lịch theo 4 không gian: TP Vinh, Cửa Lò, Nam Đàn, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nghi Lộc; Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai; Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn; Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông đề nghị cần tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực và nhận thức cho đội ngũ làm du lịch cũng như người dân trong phát triển du lịch |
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hường đề nghị cần thu hút các nhà đầu tư tiềm năng phát triển du lịch; có giải pháp để kết nối tour, tuyến với các tỉnh nhằm kéo dần lượng khách đến với Nghệ An |
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề nghị cần định dạng thương hiệu điểm đến của du lịch Nghệ An |
Thống nhất, đồng tình và đánh giá cao Chiến lược phát triển du lịch, tuy nhiên các đại biểu tập trung làm rõ hơn các điểm nghẽn của du lịch Nghệ An để tìm các giải pháp tháo gỡ, khắc phục.
Theo các đại biểu, Nghệ An chưa thu hút được các nhà đầu tư đủ tiềm lực để xây dựng các điểm du lịch độc đáo, đẳng cấp và mang tính đột phá; hạ tầng du lịch chưa đáp ứng yêu cầu. Nhân lực du lịch còn yếu và thiếu; công tác đào tạo thiếu thực chất, thiếu thực hành; đội ngũ chuyên nghiệp có trình độ cao, đạt tiêu chuẩn cũng như lao động mùa vụ vẫn còn thiếu... Phát triển du lịch cộng đồng đã bắt đầu có xu hướng đầu tư ồ ạt, cần nghiên cứu kỹ để đưa được du lịch cộng đồng vào khuôn khổ sản phẩm đặc trưng của Nghệ An. Các khu vực phát triển điểm đến, điểm dừng chân du lịch và các sản phẩm kèm theo đều chưa được chuẩn hóa về chức năng, không gian; hoạt động dịch vụ, quy cách và hình thức thiếu hấp dẫn.
Các đại biểu đề nghị cần nâng cao nhận thức của cán bộ, người lao động trong lĩnh vực du lịch và người dân về tầm quan trọng của phát triển du lịch; cần có giải pháp để kết nối tour, tuyến với các tỉnh nhằm tạo hiệu ứng, kết nối địa điểm, sự kiện thu hút khách đến với Nghệ An; mỗi không gian phát triển cần phân khúc thị trường cụ thể, duy trì tính nhất quán, không ngừng hoàn thiện trong suốt quá trình hoạt động. Đồng thời, tăng cường triển khai chính sách thu hút, thực hiện đầu tư đồng bộ, tạo ra các trải nghiệm, giá trị mới có tính cạnh tranh; tiếp cận, quảng bá tại các thị trường mục tiêu, trọng tâm và tiềm năng, liên kết vùng, định dạng thương hiệu điểm đến của du lịch tỉnh Nghệ An; xem xét cách thức nhận diện, giải quyết các xung đột trong phát triển du lịch và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh của tỉnh...
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đề nghị cần biến các sản phẩm văn hóa, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh thành các sản phẩm du lịch |
Thống nhất thông qua Chiến lược phát triển du lịch, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá quá trình chuẩn bị dự thảo Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 bài bản, cách tiếp cận mới, dữ liệu đa dạng, phản ánh đầy đủ thực tiễn, tiềm năng lợi thế, khó khăn, vướng mắc, thực trạng quá trình phát triển. Chiến lược đề ra 12 nhóm chiến lược, 4 tuyến hướng phát triển, các khu vực để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng các không gian du lịch hiệu quả.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu trong quá trình xây dựng Đề án để cụ thể hóa Chiến lược cần làm rõ quá trình triển khai, thực hiện của UBND tỉnh, các ngành, địa phương, đơn vị; phải xác định rõ lộ trình thực hiện. “Việc xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm trong từng giai đoạn rất quan trọng, đi liền với đó là nguồn nhân lực, vật lực để thực hiện”. Sau khi Chiến lược được phê duyệt, các đơn vị, địa phương cần ban hành ngay các Chương trình, Kế hoạch thực hiện.
Trong quá trình xem xét, phê duyệt Đề án, cần nghiên cứu xem xét sự phát triển tương quan, sự tương tác, tương hộ, tác động tích cực, tác động tiêu cực giữa phát triển du lịch, phát triển kinh tế, môi trường, công nghiệp xây dựng, đảm bảo quốc phòng – an ninh để cân bằng hài hòa trong phát triển nhằm đảm bảo phát triển tỉnh Nghệ An bền vững. Quan tâm đến công tác truyền thông quảng bá du lịch. “Muốn làm tốt phải có con người, đơn vị được giao thực hiện, phân bổ thêm nguồn lực từ Nhà nước và xã hội hóa” – Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Cùng với đó, quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực; bên cạnh lực lượng nhân viên, lao động phục vụ trong hệ thống hạ tầng du lịch cần nâng cao nhận thức về phát triển du lịch đến từng người dân để mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch để lại nhiều ấn tượng đẹp cho khách du lịch khi đến với Nghệ An...
Cũng trong sáng nay, phiên họp đã thông qua dự thảo Báo cáo sơ kết 02 năm thực hiện Kết luận số 68-KL/TW ngày 5/2/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thông báo số 80-TB/TU ngày 18/12/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai chủ trương tăng thêm cấp ủy viên là cán bộ đồn Biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp xã biên giới; Dự thảo Kế hoạch giám sát và phản biện xã hội năm 2023; Phân bổ kinh phí từ nguồn vốn Chính phủ hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai 10 tháng đầu năm 2022.
Thông qua khảo sát, lập quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu B – Khu công nghiệp Thọ Lộc tại xã Diễn Phú và xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu, thuộc Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An; Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ VSIP Nghệ An tại huyện Hưng Nguyên thuộc Khu Kinh tế Đông Nam; Chủ trương đầu tư dự án Tổ hợp nhà máy sản xuất kết cấu thép và dây cáp điện Việt Á tại Cụm Công nghiệp Nghĩa Mỹ, TX Thái Hòa.
Trong phiên họp chiều nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến Báo cáo giám sát của Đoàn Giám sát theo Quyết định số 1812-QĐ/TU ngày 16/02/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; cho ý kiến về chủ trương hỗ trợ kinh phí cho các đoàn kiểm tra, giám sát do Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thành lập. |
Tác giả: Kim Oanh
Nguồn tin: nghean.gov.vn