Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Trường học bỏ không, trẻ em đi học nhờ tỉnh khác

Mua điện với giá cao, trường học bỏ không trong khi trẻ em phải nhờ vả xin khẩu để học tập tại tỉnh khác.

 Cơ sở hạ tầng không bảo đảm khiến cuộc sống người dân ở Khu phố số 12 (phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) gặp nhiều khó khăn.

Nghịch lý đó tiếp diễn hàng chục năm qua khiến cho người dân Khu phố số 12 (phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) rơi vào tình cảnh khốn khổ.

Có điện nhưng không dùng được đồ điện

Từ UBND phường Bắc Sơn di chuyển vào Khu phố 12 có hai cách, nhưng với cách nào, đường đi lại cũng rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Cách di chuyển được cho là đỡ vất vả nhất là đi xuôi xuống địa phận TP Tam Điệp (Ninh Bình) sau đó vòng ngược lên phía trên. Với cách di chuyển này, quãng đường có xa hơn nhưng đường bớt hiểm trở.

Khu phố 12 có tổng 65 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu. Mặc dù đã quần tụ sinh sống tại đây từ khá lâu và được chính quyền đặt tên gọi, xây dựng nhà văn hóa, trường mầm non nhưng nơi đây vẫn… chưa có điện lưới ổn định.

Để phục vụ nhu cầu, người dân nơi đây phải tự chôn cột, mua đồng hồ đo để kéo điện từ một công ty gần đó với mức giá cao hơn so với giá điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, chất lượng điện để sử dụng vẫn không được ổn định.

Anh Nguyễn Đức Tân (người dân Khu phố 12) cho biết, cứ vào những khoảng thời gian cao điểm trong ngày, điện chỉ đủ để thắp sáng một vài bóng đèn. Những đồ dùng khác như nồi cơm điện, tivi, tủ lạnh hay điều hòa được người dân này chia sẻ chỉ được mua về “trưng” chứ thực chất không sử dụng được nhiều vì điện yếu.

“Mang tiếng là một khu phố, nhưng điều kiện sống của chúng tôi tại đây còn thua xa những địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh Thanh Hóa. Có nồi cơm điện nhưng chúng tôi vẫn phải cần thêm sự hỗ trợ của bếp gas mới nấu được bát cơm để ăn. Trong khi đó, giá điện mua của đơn vị tư nhân có khi lên đến 4.000 đồng/kW, nhưng chất lượng điện lại quá tệ”, anh Tân chia sẻ.

Giống như gia đình anh Tân, để có thể nấu cơm, bà Nguyễn Thị Bưởi (40 tuổi) phải sử dụng bếp gas nấu cạn nước, sau đó mới cho vào bên trong nồi cơm điện để làm chín.

“Điện yếu, tôi chỉ nghĩ là quá trình nấu sẽ lâu hơn nên có hôm cắm cơm từ trước khá lâu. Tuy nhiên, khi vợ chồng tôi đi làm, các con đi học về mở nồi cơm ra mới thấy gạo đã trương lên từ bao giờ trong khi nồi cơm vẫn báo có điện. Nấu cơm bằng rơm, củi thì không có tro nóng để làm chín, nên chúng tôi mới nghĩ ra cách đun cạn nước sau đó để vào nồi để ủ”, bà Bưởi ngao ngán cho biết.

Không dừng ở đó, theo bà Bưởi đồ điện của gia đình bà cũng có tuổi thọ ngắn hơn rất nhiều so với nơi khác dù cùng mua từ đơn vị phân phối. Lý giải về nguyên nhân trên, bà Bưởi chia sẻ những thời điểm khác trong ngày, người dân đi làm đồng hết, nhu cầu sử dụng điện thấp nên chất lượng điện có khá hơn một chút.

“Những lúc như vậy, chúng tôi có thể dùng tủ lạnh, xem tivi. Nhưng vào các khung giờ cao điểm như trưa, tối, người dân sử dụng nhiều khiến điện chập chờn gây hư hỏng các thiết bị”, bà Bưởi thông tin thêm.

Vì thực trạng nguồn điện lưới quá yếu, nên mỗi gia đình tại Khu phố 12 đều phải dùng đến bình ắc quy và những tấm pin năng lượng Mặt trời để dự trữ điện.

Chuyển khẩu nhờ để đi học

Không chỉ riêng vấn đề điện sinh hoạt, việc học tập của trẻ tại đây cũng vướng phải rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân được người dân cho biết là do điều kiện hạ tầng, đường xá không ổn định mang lại.

Trong câu chuyện với Báo GD&TĐ, bà Bưởi cho biết, tại Khu phố 12 có nhà văn hóa, có nhà trẻ, nhưng hiện tại con dân tại đây vẫn đang phải đi học nhờ tại tỉnh Ninh Bình. Cụ thể, do là khu vực tiếp giáp với phường Nam Sơn (TP Tam Điệp, Ninh Bình) nên trẻ muốn đi học sẽ có 2 sự lựa chọn.

Thứ nhất là học tập theo con đường chính tuyến tại các trường học (mầm non, tiểu học, THCS) trên địa bàn phường Bắc Sơn (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa). Việc di chuyển đến các trường này sẽ có 2 con đường.

Con đường đầu tiên là đường đất, hiểm trở mà chỉ có xe máy hoặc đi bộ mới di chuyển được. Đến trường bằng con đường này sẽ gần hơn đáng kể, nhưng vào những ngày trời mưa coi như trẻ không thể đến trường.

Con đường khác đẹp, nhưng xa hơn. Từ Khu phố 12, để đến được trường, trẻ phải di chuyển quãng đường 14 km. Những ngày trời nắng ráo, việc di chuyển có thể tạm chấp nhận được, nhưng những ngày trời mưa hoặc mùa Đông, phương án đến trường bằng con đường này cũng được người dân đánh giá là khó khả thi.

Mặt khác, các trường mầm non, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi và Trường THCS Lê Lợi dù thuộc tỉnh Ninh Bình nhưng từ Khu phố 12 di chuyển đến lại khá thuận lợi.

Đường vẫn xấu như thế, nhưng trẻ chỉ phải đi khoảng 3km là đến địa điểm học. Thế nên, từ lâu, người dân Khu phố 12 đều tìm cách cho con em đi học tại các trường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, dù theo lý là trái tuyến.

“Do tình trạng quá tải nên các trường học trên địa bàn phường Nam Sơn (Ninh Bình) yêu cầu phải đi theo con đường chính tuyến, nghĩa là các cháu phải có hộ khẩu tại địa phương mới được học tập.

Không còn cách nào khác, người dân chúng tôi phải tìm cách để xin nhập khẩu nhờ cho các cháu”, bà Bưởi cho biết. Và thực tế, để có thể cho con học tập tại Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Ninh Bình), bà Bưởi phải nhờ cậy người thân để xin cho con nhập khẩu.

Cùng chung hoàn cảnh, gia đình anh Nguyễn Văn Ngọt (36 tuổi) cũng phải nhờ cậy người thân xin chuyển khẩu 2 người con sang phường Nam Sơn để có thể cho trẻ học tập tại các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Trong câu chuyện chia sẻ với phóng viên, anh Ngọt tâm sự: “Dù các con do mình sinh ra, nhưng không thuộc khẩu nhà mình nên đôi lúc tôi thấy buồn và tủi thân. Vì tương lai của các con, vợ chồng tôi động viên nhau cố gắng.

Tác giả: Nguyễn Tuấn Khang

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn