Sợ bị khóa SIM, khách hàng đổ xô đến cửa hàng để cập nhật thông tin
- 16:06 16-03-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhiều khách hàng hiểu nhầm rằng sẽ bị khóa liên lạc nếu SIM không chính chủ, đến nhà mạng cập nhật thông tin thuê bao dù không nhận được tin nhắn thông báo.
Tin nhắn yêu cầu cập nhật thông tin thuê bao của nhà mạng Viettel. Ảnh: Hoàng Nam. |
“Nếu không cập nhật thông tin chính chủ kịp thời hạn, tôi sẽ bị khóa liên lạc”, chị T.L. (quận Thanh Xuân, Hà Nội), chủ một thuê bao Viettel, giải thích khi được hỏi về lý do chọn thời điểm sáng 16/3 để ra chi nhánh Viettel trên đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cập nhật thông tin chính chủ thuê bao.
Nhân vật cho biết đã mua và sử dụng số điện thoại hơn 10 năm, do vẫn sử dụng bình thường nên chưa có nhu cầu đi cập nhật thông tin, cho đến khi thấy thông tin sẽ khóa liên lạc một số thuê bao sai thông tin vào cuối tháng này.
Nhiều khách hàng hiểu nhầm yêu cầu của nhà mạng
Thực tế, yêu cầu mà Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, đưa ra cho các nhà mạng là chuẩn hóa thông tin thuê bao để tập thông tin này khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư trước ngày 31/3. Những thuê bao không khớp thông tin sẽ bị khóa liên lạc một chiều gọi đi sau thời hạn này.
Đáp ứng yêu cầu này, các nhà mạng cho biết sẽ nhắn tin 5 lần trong 5 ngày liên tiếp cho các thuê bao có thông tin chưa trùng khớp với CSDLQG để yêu cầu khách hàng cập nhật.
Phòng chăm sóc khách hàng của Vinaphone trên đường Đoàn Kết (TP Thủ Đức, TP.HCM), cho biết các khách hàng lớn tuổi, không sử dụng smartphone thường đến cửa hàng để trực tiếp làm thủ tục. Ảnh: Xuân Sang. |
Có nghĩa là nhiều thuê bao không chính chủ, nhưng được đại lý và nhân viên bán SIM đăng ký sẵn dựa trên thông tin người thật và có trong CSDLQG, sẽ không bị khóa liên lạc cũng như không nhận được thông báo từ nhà mạng trong đợt rà soát lần này, nguồn tin ẩn danh tại một nhà mạng xác nhận.
“Khách hàng cần lưu ý là chỉ các thuê bao nhận được thông báo chính thức từ nhà mạng mới phải thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao đợt này”, đại diện nhà mạng VinaPhone chia sẻ thông tin với Zing. Tuy nhiên, khách hàng nên cập nhật thông tin chính chủ theo đúng quy định để tránh bị chiếm đoạt SIM và hạn chế lừa đảo, đại diện các nhà mạng Viettel, VinaPhone và MobiFone khuyến nghị tại cuộc họp về quản lý thông tin thuê bao ngày 13/3.
“Tôi không nhận được tin nhắn thông báo, nhưng xem báo đài nói về việc phải cập nhật thông tin, nên đi cập nhật lại”, ông V.T. (quận Thanh Xuân, Hà Nội), chủ thuê bao Viettel, cho biết. Ông V.T. cho biết nguyên nhân SIM không chính chủ là do con cái mua hộ.
Khả năng xảy ra ùn ứ tại các cửa hàng nhà mạng
Ông T.T., một chủ thuê bao Viettel khác sử dụng SIM chính chủ nhưng được đăng ký bằng chứng minh thư 9 số, thì cho biết vẫn phải ra cửa hàng để cập nhật căn cước công dân 12 số, vì không sử dụng thành thạo các công cụ trực tuyến.
Theo ghi nhận của Zing tại các cửa hàng Viettel ở quận Thanh Xuân, Hà Nội và quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, một số lượng lớn khách là người cao tuổi, không quen sử dụng ứng dụng, trang web. Ngoài ra, một nhân viên tại cửa hàng xác nhận nhiều trường hợp khách không thể tự cập nhật thông tin, chẳng hạn như không chính chủ hoặc SIM số đẹp.
Chi nhánh MobiFone trên đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức, TP.HCM) đông khách hàng đến để cập nhật thông tin thuê bao. Ảnh: Xuân Sang. |
Tại chi nhánh MobiFone trên đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức, TP.HCM), có khoảng 20 khách hàng chờ đợi để được hỗ trợ dịch vụ. Trong số đó, một số người dùng lớn tuổi đến để kiểm tra, thực hiện chuẩn hóa thông tin số di động.
“Tôi đang dùng điện thoại đời cũ, không có tính năng lên mạng nên không tự cập nhật theo hướng dẫn được. Tôi đi từ phường Hiệp Bình Chánh sang đây để nhờ hỗ trợ. Quy trình thực hiện nhanh, nhưng nhiều khách nên chờ hơi lâu”, ông N.H., chủ thuê bao MobiFone, nói.
Trao đổi với Zing, quản lý cửa hàng MobiFone cho biết lượng người dùng đến để kiểm tra thông tin có tăng lên sau khi thông tin mới được đăng tải. Tuy nhiên, lượng khách vẫn nằm trong khoảng có thể phục vụ của chi nhánh, không bị quá tải. Ngoài ra, việc cập nhật diễn ra nhanh chóng với những khách hàng đã có thông tin đúng, chỉ cần thêm căn cước công dân mới.
Đến nay, các nhà mạng ước tính có khoảng gần 4 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin với CSDLQG, với mỗi nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone hơn 1 triệu thuê bao. Tuy nhiên, số khách hàng có nhu cầu đến trực tiếp cửa hàng có thể chiếm tỷ lệ lớn, do nhiều khách không quen sử dụng các công cụ trực tuyến hoặc đến cập nhật kể cả khi không nhận được thông báo. VinaPhone ước tính số khách hàng tự cập nhật qua ứng dụng, web ít hơn 20%.
“Việc quá tải cục bộ có thể xảy ra tại một số nơi, nhất là vào thời điểm gần ngày bị khóa thuê bao vào ngày 30/3”, đại diện VinaPhone cho biết. Đại diện Viettel nhận định với số lượng khoảng 1 triệu thuê bao, trải dài trên các tỉnh thành, khả năng cao sẽ không gây quá tải nhưng có thể xảy ra ùn ứ cục bộ.
Tác giả: Hoàng Nam - Xuân Sang
Nguồn tin: zingnews.vn