Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tác hại không ngờ của thói quen đi giày cao gót

Đi giày cao gót khiến bạn cảm thấy cao hơn và quyến rũ hơn, nhưng phụ kiện này có thể gây ra các vấn đề về chân, làm tăng nguy cơ chấn thương.

Đau chân, lưng và bàn chân là một trong những triệu chứng phổ biến ở những người thường xuyên sử dụng giày cao gót. Việc sử dụng lâu dài thậm chí có thể gây ra những thay đổi về cấu trúc ở bàn chân, dẫn đến chứng sưng ngón chân cái, ngón chân hình búa, u dây thần kinh, ngón chân ngựa và các tình trạng khác có thể cần phải phẫu thuật chỉnh sửa.

Ngoài chấn thương, giày cao gót còn gây căng thẳng quá mức cho lưng và các chi dưới, ảnh hưởng sâu sắc đến tư thế, dáng đi và sự cân bằng.

Thay đổi tư thế và dáng đi

Giày cao gót đặt bàn chân của bạn ở tư thế gập lòng bàn chân (duỗi xuống dưới), do đó làm tăng áp lực lên bàn chân trước. Điều này buộc bạn phải điều chỉnh phần còn lại của cơ thể để bù đắp cho sự thay đổi cân bằng.

Khi phần dưới cơ thể nghiêng về phía trước để duy trì trọng tâm cân bằng, phần trên cơ thể phải ngả ra sau để làm đối trọng. Kết quả là, sự liên kết của cơ thể bạn bị lệch, tạo ra một tư thế cứng nhắc, không tự nhiên.

Sự thay đổi không tự nhiên ở vị trí bàn chân khiến cơ gấp hông phải làm việc nhiều hơn để đẩy cơ thể về phía trước. Đầu gối của bạn cũng sẽ cần phải uốn cong nhiều hơn khiến cơ đầu gối phải làm việc nhiều hơn bình thường.

Thay đổi sự cân bằng

Đi giày cao gót có thể giống như đi trên một thanh thăng bằng. Cần rất nhiều sự cân bằng và chính xác để điều hướng các bề mặt, độ cao và độ nghiêng khác nhau.

Nếu di chuyển nhanh, bạn sẽ cần đặt trọng lượng lớn hơn nữa lên bàn chân để giữ ổn định. Về cơ bản, khi đi nhón gót, bạn có nguy cơ làm tổn thương xương bên dưới và các mô liên kết.

Giày cao gót đặc biệt khó đi vì phần gót giống như cây gậy không mang lại cho bạn sự hỗ trợ hoặc ổn định. Chúng vốn đã buộc bàn chân và mắt cá chân của bạn vào tư thế ngửa (trượt ra ngoài), làm tăng nguy cơ té ngã và trẹo mắt cá chân.

Giày cao gót gây đau lưng mãn tính?

 So với nam giới, viêm xương khớp đầu gối phổ biến hơn ở phụ nữ. (Ảnh: ITN).

Hình dạng đường cong chữ C bình thường của lưng có tác dụng như một bộ giảm xóc, giảm áp lực chịu trọng lượng lên các đốt sống và xương chậu. Giày cao gót làm cho cột sống của lưng dưới bị phẳng trong khi buộc cột sống ngực của phần giữa lưng vào vị trí siêu cong.

Để bù đắp cho điều này (đặc biệt nếu bạn đã đi giày cao gót cả ngày và cảm thấy mỏi), bạn sẽ cần cúi người về phía trước để giải phóng một số áp lực lên lưng. Sự liên kết kém sẽ luôn dẫn đến việc sử dụng quá mức các cơ lưng và làm tăng nguy cơ đau lưng mãn tính.

Tác động tiêu cực lên hông và đầu gối

 Giày cao gót khiến các dây chằng bị siết chặt lại dẫn đến đau ở vòm bàn chân. (Ảnh: ITN).

Các cơ gấp hông nằm ở mặt trước trên của đùi của bạn. Đi giày cao gót buộc chúng phải ở tư thế uốn cong liên tục. Mặc dù bạn có thể coi đây là "tập thể dục" cơ gập hông và cơ bắp chân, nhưng việc sử dụng lâu dài các cơ này khiến chúng bị rút ngắn và co lại, gây đau thắt lưng và đau hông.

So với nam giới, viêm xương khớp đầu gối phổ biến hơn ở phụ nữ. Phần lớn nguyên nhân có thể được đổ lỗi cho việc sử dụng giày cao gót. Giày cao gót làm tăng khoảng cách từ sàn đến đầu gối, gây ra lực xoắn và nén đầu gối quá mức.

Khi đi giày cao gót, tư thế uốn cong liên tục của đầu gối sẽ khiến xương chày (xương ống chân) quay vào trong, một phần để giữ thăng bằng. Vị trí thay đổi này gây ra sự chèn ép của đầu gối (bên trong), một vị trí phổ biến của viêm xương khớp. Giày cao gót cũng sẽ khiến các dây chằng bị siết chặt lại. Điều này dẫn đến đau ở vòm bàn chân.

Chừng nào giày cao gót còn là một xu hướng thời trang, thì phái đẹp sẽ rất khó từ bỏ món phụ kiện này. Do đó, bạn cần thực hiện các biện pháp để giảm thiểu tác hại nếu chọn đi một đôi giày cao gót.

Theo Verywellhealth

Tác giả: Tiểu Mai

Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại