Cô đơn trong chính tổ ấm
- 06:50 12-03-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đã nhiều năm trôi qua nhưng thỉnh thoảng chị Phượng Liên (36 tuổi; ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) vẫn vô cớ buồn và bật khóc lúc nửa đêm.
Vết sẹo không lành
Chị Liên là con đầu trong gia đình có 3 anh chị em. Từ khi học lớp 1, chị đã quen với cảnh hay bị cha mẹ la mắng, ít được quan tâm, phải tập cách tự chăm sóc bản thân. "Tôi còn nhớ, có lần ba ra ngoài, dặn tôi trông nom em trai. Không may, trong lúc tôi loay hoay trong bếp, em chạy nhảy bị trầy ở chân. Về đến nhà, nhìn em trai khóc, ba chẳng cần hỏi đã lao vào đánh, chửi tôi. Mẹ chứng kiến toàn bộ sự việc nhưng lờ đi. Lúc đó, tôi học lớp 7" - chị Liên nhớ lại.
Điều đó không làm chị Liên buồn bằng việc chị luôn có cảm giác xa lạ trong chính gia đình mình khi các em đều được nhận quà vào dịp sinh nhật, còn chị không có gì và luôn là người sử dụng lại món đồ mà mọi người không còn cần đến. "Từ nhỏ, tôi đã quen với việc nhìn thái độ người khác mà sống, đến mức nghi ngờ bản thân không phải con ruột nên mới bị phân biệt đối xử. Việc bị đối xử không công bằng đã để lại trong tôi một vết hằn rất lớn. Có lúc tôi nghĩ đến cái chết nhưng dần chấp nhận sự thật mình sẽ không bao giờ nhận được sự yêu thương" - chị Liên buồn buồn tâm sự.
|
Chung hoàn cảnh, chị Trần Thị Huế (33 tuổi tuổi, huyện Củ Chi, TP HCM) từng mất nhiều năm để điều trị tâm lý do bị tổn thương tinh thần vì bị phân biệt đối xử.
"Tôi có một anh trai, gia đình vốn không êm ấm, ba mẹ thường xuyên bất hòa. Hồi nhỏ, anh trai được đi học ở trung tâm tiếng Anh học phí cao, còn tôi chỉ được mẹ cho học tiếng Anh ở trường. Lúc tôi đậu đại học tốp đầu, mẹ nói tôi cũng bình thường, tôi không cần học cao, trong khi trước đó anh trai học tệ hơn thì mẹ mở tiệc ăn mừng. Ra trường, tôi làm việc trong công ty nước ngoài mức lương cao hơn anh trai nhiều thì mẹ lại tị nạnh. Giờ tôi được bù đắp bằng một gia đình nhỏ êm ấm, tôi luôn dặn lòng phải thật công bằng với các con. Tôi cũng cố không nhắc đến nhưng khi gặp mẹ, chuyện cũ như một vết sẹo không lành, làm tôi đau đớn" - chị Huế nói.
Từng được ba cưng chiều cho đến năm 6 tuổi, có em trai, Tuấn Kiệt (13 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cảm nhận tình yêu thương của ba dời hết sang em. "Vì là anh lớn, ba nói con phải nhường em. Nhà bừa bộn, đồ trong nhà bị hư hỏng, ba cũng mặc định do con gây ra, con giải thích thì ba không nghe, còn đánh con. Năm nay, con còn không được ba lì xì và chúc học giỏi. Có lúc, con cố nghĩ là do ba uống rượu nên mới cư xử vậy nhưng không phải" - Tuấn Kiệt ấm ức kể.
Tôn trọng và đối xử công bằng
Xuất phát từ nhiều yếu tố như quan niệm giới tính, thứ tự anh chị em, đặc điểm tính cách, sức khỏe…, một số phụ huynh thường quan tâm, dành tình thương đặc biệt cho người con này hơn người con khác. Ở Việt Nam, nhiều gia đình thường ưu tiên con trai hơn con gái, thiên vị con cả hoặc con út hơn những người con còn lại. Cũng có cha mẹ thấy tương đồng và dễ chịu hơn với người con sở hữu tính cách tương thích. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, cha mẹ không nhận thức được việc này, luôn khẳng định không bao giờ thiên vị, luôn đối xử công bằng giữa các con nhưng thực tế và kết quả các cuộc nghiên cứu đã chứng minh không như thế.
"Con trẻ khi biết mình không nhận được nhiều sự quan tâm, chăm sóc và yêu thương của cha mẹ bằng các anh chị em còn lại thường có xu hướng tìm đến thuốc lá, bia rượu hoặc các chất kích thích. Vì trẻ nghĩ đây là công cụ để đả kích lại cha mẹ. Chưa kể, trẻ sẽ luôn ghi nhớ về những hành động, lời nói phân biệt rồi nghĩ rằng mình vô dụng, đáng bị ghét bỏ và theo thời gian, trẻ sẽ dần thu mình. Đến khi trưởng thành, có thể là nút thắt tiêu cực trong gia đình" - chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Phương Trang (Trung tâm Tham vấn Tâm lý The Sight) nói.
Bàn về cách xử lý nếu rơi vào tình trạng này, chuyên gia tâm lý Trần Trung Kiên đưa ra lời khuyên người con bị "cho ra rìa" trong mối quan hệ với cha mẹ nên chọn cách tha thứ để gỡ rối các mâu thuẫn. Cần dành thời gian đào sâu nội tâm, hoàn cảnh và chia sẻ thẳng suy nghĩ của mình đến cha mẹ. Đây cũng là cách để mở lòng hơn với những người thân bên cạnh. Cạnh tranh, đổ lỗi cho anh chị em của mình không phải là cách để giải quyết mà làm tình hình thêm tệ hơn. Ngoài ra, khi có gia đình riêng nên chú ý, cố gắng không lặp lại những gì cha mẹ mình đã từng làm.
Ông Trần Trung Kiên cũng lưu ý dù con cái có tính cách như thế nào thì cha mẹ cũng cần dạy dỗ, tôn trọng và đối xử công bằng. Đừng phớt lờ khi một đứa trẻ nói rằng bị đối xử bất công. Hãy suy xét lại mình và tạo cơ hội để con dễ chia sẻ hơn điều này. Dành thời gian cùng làm những điều mà con thấy yêu thích, dễ chịu để thu hẹp khoảng cách.
Bị đối xử không công bằng sẽ khiến con trẻ ganh tị, trở nên giận dữ, xung đột với anh chị em, đối mặt với rủi ro mắc bệnh trầm cảm, ảnh hưởng kéo dài và tiêu cực khi trưởng thành. |
Tác giả: Vũ Lương
Nguồn tin: Báo Người Lao Động