Loạt cơ sở ở Nghệ An vi phạm PCCC – Bài 4: Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo “nóng”
- 13:12 06-03-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Để ứng phó với tình trạng này, mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An đã phát đi thông báo, chỉ đạo “nóng” yêu cầu phải xử lý trách nhiệm của các đơn vị, địa phương thực hiện không nghiêm túc, không hết trách nhiệm được giao trong công tác PCCC để xảy ra các các vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách, quản lý.
Mất an toàn trên hệ thống thiết bị dẫn điện
Theo thống kê, trong năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 176 vụ cháy lớn, nhỏ làm 4 người chết, gây thiệt hại về tài sản hơn 6,7 tỷ đồng. Cũng trong năm 2022, các cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và phát hiện 352 cơ sở vi phạm các quy định về PCCC, xử phạt nộp vào ngân sách nhà nước hơn 4,4 tỷ đồng.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến công tác PCCC trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn xảy ra và nguy cơ tiềm ẩn về hoả hoạn vẫn còn trong đó có liên quan và tập trung chủ yếu trên hệ thống dây dẫn điện. Bởi theo thống kê các vụ hoả hoạn, cơ quan chức xác nhận, riêng hệ thống dây dẫn điện trên hệ thống cột điện còn có nguy cơ mất an toàn cao về PCCC.
“Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong triển khai công tác phòng ngừa, tình hình cháy, nổ giảm so với năm 2021, tuy nhiên, số vụ cháy còn xảy ra nhiều, đặc biệt đối với các nhà để ở, hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hệ thống dây dẫn trên cột điện…
Hệ thống dây dẫn điện trên cột điện, chuyển đổi công sử dụng công trình nhà ở, cơ sở sản xuất kinh doanh...đang thuộc nhóm đối tượng dễ xảy ra cháy, nổ ở Nghệ An |
Công tác tuyên truyền về PCCC có lúc chưa toàn diện, chưa sâu rộng; phong trào toàn dân PCCC ở một số địa phương chưa mạnh, nhận thức, sự hiểu biết pháp luật, ý thức về PCCC của một bộ phận người dân còn hạn chế.
Một số công trình, cơ sở chuyển đổi công năng xây dựng không đúng theo quy hoạch, mục đích sử dụng đất và hồ sơ thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; làm ảnh hướng đến giao thông, khoảng cách an toàn PCCC, dẫn đến không đủ điều kiện để thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC” – ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nghệ An thẳng thắn chỉ ra các tồn tại, hạn chế về công tác PCCC trên địa bàn trong thời gian qua.
Để chấn chỉnh tình trạng này, ông Lê Hồng Vinh cũng đã có văn bản thông báo, chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương “lên dây cót” trong việc triển khai các giải pháp đồng bộ, kịp thời nhằm ứng phố, kìm giữ tối đa không để xảy ra các vụ cháy, nổ phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản trên địa bàn trong thời gian tới.
Lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các đơn vị, địa phương cần tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới.
Xử lý nghiêm nếu đơn vị, địa phương vi phạm
Đới với các Sở, ngành liên quan, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu cần phải nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về PCCC, trong đó chú trọng công tác kiểm tra, rà soát, hướng dẫn an toàn PCCC.
Đặc biệt, vấn đề siết chặt công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC cần phải nâng cao chất lượng hơn nữa. Đối với tất cả các trường hợp vi phạm nghiêm trọng về PCCC (như vi phạm chế độ thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC...), cơ sở chây ỳ trong việc thực hiện các quy định về bảo đảm công tác PCCC dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao, phải tập trung tham mưu, chỉ đạo các giải pháp quyết liệt để khắc phục ngay, không để cơ sở tiếp tục hoạt động dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ.
Ngoài ra, việc rà soát, củng cố, xây dựng và duy trì hoạt động có hiệu quả các Đội dân phòng, Đội PCCC cơ sở và Đội PCCC chuyên ngành theo quy định của Luật PCCC cần phải đáp ứng tốt yêu cầu giải quyết kịp thời, hiệu quả ngay từ đầu, từ cơ sở khi xảy ra các vụ cháy, nổ...
Lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu xử lý nghiêm trách nhiệm của cơ quan, đơn vị không đảm bảo an toàn PCCC, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng |
Vấn đề duy trì hiệu quả và nhân rộng các mô hình, các gương điển hình trong công tác đảm bảo an toàn PCCC, tạo phong trào thi đua, góp phần thực hiện tốt hơn, lan tỏa hơn phong trào toàn dân PCCC từ tỉnh đến cơ sở phải được tiến hành thường xuyên, kịp thời. Trong đó, các mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng” trên địa bàn tỉnh cần được nhân rộng.
“Nghiên cứu bổ sung mô hình liên doanh an toàn PCCC giữa các doanh nghiệp liền kề; chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức xây dựng phương án chữa cháy có huy động lực lượng, phương tiện của nhiều cơ quan, đơn vị để tham mưu UBND tỉnh phê duyệt theo quy định pháp luật” – ông Lê Hồng Vinh chỉ đạo.
Còn đối với Công an tỉnh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH.
Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phối hợp các Sở, ngành liên quan kiểm tra công tác bảo đảm an toàn PCCC tại các địa bàn, cơ sở trọng điểm về cháy, nổ, nhất là tại các chung cư, nhà cao tầng, các chợ, trung tâm thương mại, các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, bar, vũ trường... Tăng cường phúc tra việc khắc phục tồn tại, vi phạm về PCCC tại các cơ sở vi phạm.
Trong đó, phải tham mưu có cơ chế xử lý nghiêm trách nhiệm đối với các đơn vị, địa phương thực hiện không nghiêm túc, không hết trách nhiệm được giao trong công tác PCCC và CNCH để xảy ra các các vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách, quản lý.
Tác giả: NGỌC THÁI
Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn