Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Sai phạm hàng chục tỉ đồng ở Vinasport chuyển Bộ Công an điều tra

Có đến 7 vụ việc tại Vinasport bị Thanh tra Chính phủ kết luận sai phạm nghiêm trọng và chuyển Bộ Công an điều tra. Nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng các khu “đất vàng” của Vinasport cũng bị phát hiện.

 Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh tại buổi công bố quyết định thanh tra Vinasport cho biết đây là cuộc thanh tra đột xuất do Thủ tướng chỉ đạo - Ảnh: TTCP

Kết luận thanh tra tại Công ty CP Thể dục thể thao Việt Nam (Vinasport) do Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh vừa ký ban hành có nhiều nội dung đáng chú ý.

Sai phạm tại Vinasport từ quá trình cổ phần hóa đến quản lý sử dụng nhiều khu "đất vàng", thực hiện các hợp đồng… diễn ra trong suốt thời gian dài nhưng không bị phát hiện.

Những sai phạm này gây thất thoát tài sản nhà nước hàng chục tỉ đồng.

Cùng với việc kết luận các sai phạm cụ thể và chuyển 7 vụ việc sang Bộ Công an, thanh tra cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể lãnh đạo bộ qua từng thời kỳ (2007-2021).

Nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng "đất vàng"

Vinasport là công ty cổ phần, Nhà nước giữ 51% vốn điều lệ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch là cơ quan đại diện chủ sở hữu được giao quản lý, sử dụng vốn nhà nước.

Theo kết luận, việc cổ phần hóa Công ty Thể dục thể thao Việt Nam được thực hiện năm 2006 từ thời điểm trực thuộc Ủy ban Thể dục thể thao.

Tuy nhiên khi cổ phần hóa đơn vị này đã không có phương án quản lý, sử dụng các cơ sở nhà, đất. Việc tổ chức bàn giao doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần cũng chưa được thực hiện.

Cụ thể, tại khu đất 181 Nguyễn Huy Tưởng, Vinasport ký hợp tác với Công ty Megastar nhưng không tổ chức đàm phán.

Nhiều nội dung trong hợp đồng bị cơ quan thanh tra kết luận là "không phù hợp với nội dung của hồ sơ mời thầu".

Do đó dù dự án không thực hiện theo cam kết nhưng không thể chấm dứt hợp đồng. Dự án đến nay vẫn chưa được triển khai, theo kết luận thanh tra.

Cũng tại khu đất 181 Nguyễn Huy Tưởng, Vinasport ký hợp đồng cho Công ty HBI thuê lại mặt bằng. Việc này bị kết luận là "sử dụng đất sai mục đích".

Không những thế, giá cho thuê thấp hơn giá phải nộp cho cơ quan thuế đối với diện tích đất sử dụng sai mục đích, kết luận nêu. Sai phạm này đã gây thất thoát tạm tính là 2,7 tỉ đồng.

Đáng chú ý, cơ quan thanh tra phát hiện tại địa chỉ trên, Vinasport đã sử dụng đất, tiến hành cho thuê đất khi chưa được UBND TP Hà Nội cho phép.

Bên cạnh đó, do quá trình hợp tác đầu tư không thực hiện được, một số tài sản tại khu đất đã bị phá dỡ năm 2015 gây thiệt hại vốn của doanh nghiệp hơn 7,4 tỉ đồng.

Thanh tra Chính phủ đã chuyển thông tin việc phá dỡ tài sản là nhà xưởng tại số 181 Nguyễn Huy Tưởng để hợp tác đầu tư nhưng không được thực hiện gây thiệt hại tài sản nhà nước 7,4 tỉ đồng sang Bộ Công an để điều tra.

Các thông tin liên quan đến hợp đồng cho thuê mặt bằng, nhà xưởng trái quy định giữa Vinasport với Công ty HBI cũng được chuyển sang Bộ Công an.

Trách nhiệm để xảy ra những sai phạm trên thuộc tổng giám đốc, người được giao phụ trách công ty (giai đoạn 2007 - 2021) và kế toán trưởng công ty (giai đoạn 2015 - 2017).

 Phó vụ trưởng Vụ 3 Thanh tra Chính phủ đọc toàn văn kết luận thanh tra tại buổi công bố - Ảnh: TTCP

Đối với hợp đồng hợp tác đầu tư khu văn phòng, nhà ở kết hợp dịch vụ công cộng tại thị trấn cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội), Vinasport đã hợp tác với Intracom chuyển đổi khu đất không báo cáo về tổng mức đầu tư của dự án, năng lực thực hiện, vốn góp… Mặc dù vậy, đơn vị chủ quản của công ty thời điểm này vẫn chấp thuận.

Tổng giám đốc Vinasport còn phê duyệt giá trị lợi nhuận trả trước để hội đồng quản trị cùng ký vào nghị quyết.

Công văn do ông Nguyễn Ngọc Thạch (thời điểm đó là phó tổng giám đốc Vinasport) ký gửi đến Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch bị Thanh tra Chính phủ đánh giá "là cố ý báo cáo sai về nội dung, làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hợp tác đầu tư".

Ngoài ra, cơ quan thanh tra còn chỉ ra hàng loạt sai phạm liên quan quản lý, sử dụng các lô "đất vàng" của Vinasport ở phố Hàng Cháo và nhiều địa chỉ khác thuộc quận Đống Đa, nhà đất tại Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm)…

Quản lý sử dụng vốn tùy tiện, trái pháp luật

Cũng theo kết luận, Vinasport đã xuất đạn cho Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao Vĩnh Phúc là trái pháp luật khi không có hợp đồng. Do đó công ty không có khả năng thu hồi số tiền bị thất thoát hơn 1,4 tỉ đồng.

Việc mua bán phôi thép với Công ty TNHH Xây dựng An Việt Úc gần 5 tỉ cũng bị kết luận là không có khả năng thu hồi, làm mất vốn của Vinasport.

Vinasport còn chuyển trả trước số tiền 150.000 EUR cho hãng ASIA khi chưa có kết quả trúng thầu. Việc này bị cơ quan thanh tra kết luận là "tùy tiện, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước" và không có khả năng thu hồi, làm mất vốn của Vinasport.

Việc chuyển 1 tỉ đồng cho Công ty Nam Đô với lý do trả một phần tiền hợp đồng cho nhận chuyển nhượng 6.000m2 đất tại khu công nghiệp cũng bị đánh giá là không có khả năng thu hồi, có nguy cơ mất vốn.

Ngoài ra, Vinasport còn huy động vốn của các cá nhân hơn 5,6 tỉ đồng khi không xin ý kiến của hội đồng quản trị. Người trực tiếp huy động vốn và chịu trách nhiệm là ông Trần Văn Chương.

Việc huy động vốn này hiện không có các hồ sơ, tài liệu lưu trữ tại Vinasport. Theo thanh tra, trách nhiệm thuộc về tổng giám đốc Bùi Duy Nghĩa, kế toán trưởng Nguyễn Phi Hùng giai đoạn 2008 - 2009 và ông Trần Văn Chương - người trực tiếp quản lý.

Thông tin liên quan sai phạm các vụ việc trên cũng được Thanh tra Chính phủ chuyển sang Bộ Công an để tiếp tục điều tra.

Vinasport được yêu cầu phối hợp với Bộ Công an trong việc thu hồi những khoản tiền thất thoát liên quan tới từng vụ việc và xử lý trách nhiệm các cá nhân vi phạm, yêu cầu bồi thường theo đúng quy định.

Cuộc thanh tra đột xuất Vinasport theo chỉ đạo của Thủ tướng

Tại buổi công bố quyết định thanh tra Vinasport hồi tháng 10-2021, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh nhấn mạnh đây là cuộc thanh tra đột xuất do Thủ tướng chỉ đạo.

Việc thanh tra này xuất phát từ nhiều chuyện "lùm xùm" về nhân sự của doanh nghiệp, trong đó có người đại diện phần vốn của Nhà nước.

Trước khi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hợp nhất với Ủy ban Thể dục thể thao, từ năm 2007, ông Bùi Duy Nghĩa được giao là người đại diện phần vốn nhà nước, nắm giữ 51,32% vốn điều lệ của công ty.

Đến tháng 10-2012, bộ cử ông Bùi Duy Nghĩa nắm giữ 30% và một người khác nắm giữ 21,32% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2015 - 2017, ông Bùi Duy Nghĩa bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Tác giả: Thân Hoàng

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ