Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


7 đại gia Việt “giàu sụ” dù chưa từng học đại học

Điều hành những doanh nghiệp lớn, sở hữu khối tài sản đồ sộ nhưng ít người biết các đại gia này chưa từng ngồi trên giảng đường đại học.

Đại học có thể là con đường nhanh nhất để dẫn tới thành công, nhưng không phải là tất cả. Thực tế đã chứng minh không ít tỷ phú thế giới như Bill Gates hay Mark Zuckerberg từng bỏ dở đại học để theo đuổi con đường riêng, và trở thành những người giàu nhất thế giới.

Ở Việt Nam, cũng có nhiều đại gia nức tiếng trên thương trường dù chưa một ngày ngồi trên giảng đường đại học.

Ông Lê Phước Vũ

Đại gia Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen sinh ra trong một gia đình nghèo ở Bình Định. Khởi nghiệp năm 31 tuổi, vị doanh nhân này đã biến một cơ sở bán tôn nhỏ lẻ thành một công ty lớn mạnh chỉ sau 7 năm tích lũy vốn và kinh nghiệm.

 Đại gia Lê Phước Vũ. Ảnh: Người lao động

Đến nay, Tập đoàn Hoa Sen luôn giữ vững vị trí hàng đầu trên thị trường, chiếm tới 40% thị trường. Bản thân ông Lê Phước Vũ đang sở hữu hơn 100 triệu cổ phiếu HSG, tương đương khối tài sản 1.600 tỷ đồng, xếp thứ 67 trong danh sách người giàu thị trường chứng khoán Việt.

Nhìn vào những thành công trên, ít ai biết Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen lại chưa từng một ngày học tại đại học. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông học trung cấp vận tải ô tô, rồi vào Nam kiếm tiền bằng đủ thứ nghề như lái xe, làm đội xe khoán cắt tôn thuê...

Bầu Đức

Đại gia Đoàn Nguyên Đức có biệt danh là bầu Đức, quê quán tại xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Hiện ông đang giữ chức vụ Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh – Gia Lai.

Năm 1982, sau khi tốt nghiệp cấp 3 hệ 10 năm, ông Đoàn Nguyên Đức vào TP HCM thi đại học. Năm ấy, ông thi trượt. Không nản lòng, bầu Đức tiếp tục vừa làm vừa học, quyết thi đại học, nhưng tới lần thi thứ 4, ông vẫn không đậu.

 Ông Đoàn Nguyên Đức. Ảnh; Dân Việt

Sau 4 lần thi trượt đại học, bầu Đức nhận ra có nhiều con đường để dẫn đến thành công. Ông chọn con đường khởi nghiệp bằng trường đời. Ông làm đủ nghề để kiếm sống và tích cóp kinh nghiệm.

Năm 1990, ông mở một phân xưởng nhỏ có tên Xí nghiệp tư nhân Hoàng Anh chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại quê nhà. Xí nghiệp này chính là tiền thân của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai ngày nay. Sau này, bầu Đức mở rộng hoạt động kinh doanh sang nhiều lĩnh vực và sở hữu khối tài sản đáng nể.

Hiện tại, bầu Đức sở hữu hơn 319 triệu cổ phiếu HAG, tương đương 2.623 tỷ đồng, xếp thứ 42 trong danh sách người giàu thị trường chứng khoán Việt.

Ông Huỳnh Uy Dũng

Đại gia Huỳnh Uy Dũng - Chủ tịch Công ty cổ phần Đại Nam, được biết đến nhiều nhờ tích cực làm việc thiện.

 Ông Huỳnh Uy Dũng. Ảnh: Vietnamnet

Giống như "Chúa đảo Tuần Châu", vị doanh nhân sinh năm 1961 này đi bộ đội từ khi còn chưa hoàn thành hết chương trình lớp 12. Ông phụ trách công tác hậu cần ở chiến trường Tây Nam.

Sau chiến tranh, ông Dũng đã chuyển sang kinh doanh lò vôi và bột công nghiệp. Đây chính là nguồn gốc cho biệt danh Dũng "lò vôi" của ông sau này.

Ông Đào Hồng Tuyển

Ông Đào Hồng Tuyển - "Chúa đảo Tuần Châu" ít khi nhắc đến khối tài sản khổng lồ của mình, nhưng độ giàu của ông khỏi cần bàn cãi. Vị doanh nhân nhiều lần "gây bão" dư luận với những phi vụ đầu tư táo bạo, cùng các khoản từ thiện hết sức hào phóng (mua thiệp 600 triệu VNĐ, bán biệt thự 12 tỷ và Rolls-Royce Phantom để ủng hộ nạn nhân bão lũ,...).

 " Chúa đảo Tuần Châu" Đào Hồng Tuyển. Ảnh: Internet

Không giống như nhiều doanh nhân Việt, con đường học vấn của ông Đào Hồng Tuyển dừng lại từ khá sớm. Năm 15 tuổi, ông rời ghế nhà trường để ra chiến trường. Sau khi xuất ngũ, ông "ngụp lặn" trong nhiều lĩnh vực khác nhau như giải khát, bánh kéo, phân bón, xuất nhập khẩu…

Năm 1997, ông Tuyển thành lập Công ty TNHH Âu Lạc, phát triển doanh nghiệp này thành một hệ sinh thái lớn mạnh trên toàn quốc. Sau đó, ông xây dựng đảo Tuần Châu - thiên đường du lịch mang tầm cỡ quốc tế cho đến tận bây giờ.

Ông Dương Ngọc Minh

Được mệnh danh là "vua xuất khẩu cá tra", từng có tên trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam nhưng đại gia thuỷ sản Dương Ngọc Minh lại mới chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông, và có trình độ chuyên môn là nuôi trồng thủy sản.

 Ông Dương Ngọc Minh. Ảnh: Vietnamnet

Năm 1984, ông trở thành Giám đốc Công ty Đông lạnh Hùng Vương. Doanh nghiệp này từng giữ vị trí hàng đầu trong ngành thủy sản, với quy mô sản xuất lớn đạt giá trị 30 triệu USD/năm, trước khi đối mặt với những món nợ khổng lồ vì biến động tỷ giá USD.

Năm 30 tuổi, ông Dương Ngọc Minh tuyên bố phá sản, rơi vào vòng lao lý. Sau khi ra tù, ông quyết tâm khởi nghiệp với cá tra từ hai bàn tay trắng. Nỗ lực của ông đã được đền đáp khi doanh nghiệp thủy sản của ông ngày càng lớn mạnh, doanh thu lên đến cả chục nghìn tỷ mỗi năm.

Tác giả: Hoàng Minh (tổng hợp)

Nguồn tin: Tri thức & Cuộc sống