Bán hàng online lo nộp thuế, có người bị truy thu hàng chục triệu đồng
- 14:26 24-02-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhiều người bán hàng online đã đồng loạt lên clip cảnh báo về việc bị truy thu thuế nếu không chủ động kê khai - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Thống kê của Tổng cục Thuế cho biết tính đến ngày 6-2, có 258 sàn thương mại điện tử (TMĐT) cung cấp thông tin trên Cổng thông tin TMĐT với thông tin chi tiết về 14.883 tổ chức và 53.212 cá nhân đăng ký bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT. Tổng cục Thuế cũng đã nắm thông tin của hơn 53.000 cá nhân và 14.800 tổ chức bán hàng online trên Shopee, Lazada, Sendo... và sẽ rà soát, đưa vào diện quản lý hoặc truy thu thuế.
Cảnh báo nhau đi nộp thuế
"Bán hàng online cũng phải đóng thuế nha mấy anh chị. Em vừa bị phạt 11 triệu đồng vì bán hàng online mà không tự giác đi khai thuế đó", S.T., một người bán hàng online, mở đầu clip cảnh báo trên TikTok, đồng thời cho biết đã bán hàng online vài năm, không mở mặt bằng kinh doanh nên nghĩ là không phải đóng thuế.
Tuy nhiên, mới đây chị đã nhận được yêu cầu từ cơ quan thuế lên làm việc và yêu cầu chị phải sao kê tài khoản ngân hàng dùng để bán hàng online kể từ năm 2018 cho tới nay. Sao kê xong lên làm việc, chị S.T. bị phạt 11 triệu đồng vì bán hàng online trên 10 ngày mà không khai báo thuế.
Chị S.T. được cơ quan thuế giải thích là theo quy định, doanh thu trên 100 triệu đồng phải nộp thuế với mức 1,5% trên doanh thu ở tất cả các sàn TMĐT. Doanh thu dưới 100 triệu đồng không phải nộp thuế nhưng vẫn phải khai báo để mở mã số thuế.
Clip cảnh báo trên đã nhận được hàng chục ngàn lượt tương tác và hàng ngàn bình luận, trong đó nhiều người tỏ ra nghi ngờ về việc vì sao cơ quan thuế nắm được doanh thu khi họ hoạt động trên nhiều sàn khác nhau. Có trường hợp lo lắng vì bán đã hơn năm năm và doanh thu khá cao nên nếu bị truy thu sẽ là số tiền rất lớn.
Tài khoản TikTok có tên N.T.H. cũng đăng clip cảnh báo. Anh này cho biết hoạt động trên hầu khắp các sàn TMĐT và là leader của nhà bán hàng Lazada, trong nhóm có hàng ngàn người và những ngày gần đây ai cũng xôn xao về việc bị truy thu thuế.
Anh H. cũng đề nghị những người kinh doanh online nên cân nhắc và tính toán khoản thuế này vào giá bán, tránh tình trạng chạy theo số lượng, phá giá với suy nghĩ lời ít để có được doanh thu cao vì như thế rất bất lợi khi cơ quan thuế truy lại. Thuế bán hàng online được tính trên doanh thu, do công ty giao nhận hoặc sàn TMĐT cung cấp cho cơ quan thuế.
Nhiều tổ chức, cá nhân bán hàng online bị truy thu thuế
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết hầu hết ngân hàng đã cung cấp thông tin cho cơ quan thuế. Những dữ liệu này bao gồm cả những cá nhân kinh doanh online, những cửa hàng, hộ kinh doanh có mặt bằng kinh doanh nhưng cũng có doanh thu ở mảng bán hàng online thông qua các sàn TMĐT và các app như Shopee, GrabFood, Foody...
Cũng theo vị này, Cục Thuế TP.HCM đã lọc ra danh sách và chuyển về các chi cục thuế để gửi giấy mời những người kinh doanh online nhưng chưa kê khai và nộp thuế lên làm việc. Nhiều người bán hàng online đã được cơ quan thuế mời lên làm việc và truy thu số tiền khá lớn, ít thì vài chục triệu, có người lên đến hàng trăm triệu đồng. Nhiều người cũng nại lý do không biết quy định về thuế, nay bị truy thu số tiền quá lớn...
Đáng chú ý có cửa hàng tại các quận trung tâm TP.HCM trước kia kê khai thuế khoán chỉ 200 triệu đồng, nhưng khi cơ quan thuế dò tài khoản, chỉ riêng doanh thu bán hàng online một tháng đã lên gấp bốn lần con số này, chưa kể doanh thu bán trực tiếp tại cửa hàng.
Một chi nhánh bán đặc sản Tây Ninh khai doanh thu chỉ 500 triệu đồng/năm, nhưng khi dò doanh thu online đã phát hiện lên gấp 10 lần con số này. Cơ quan thuế đã truy thu, đồng thời ấn định doanh số khoán thuế mới gấp 10 lần số cũ, lên đến 5 tỉ đồng/năm.
"Sau giai đoạn dịch, họ bán online rất nhiều nhưng khi cơ quan thuế phát hiện và truy thu thì họ nói lý do là... tưởng đóng thuế khoán rồi thì không cần kê khai doanh thu online nữa vì đã bao gồm hết rồi", vị này cho biết.
Theo thông tin từ Cục Thuế TP.HCM, trong năm 2022, cơ quan này đã rà soát và phát hiện các tổ chức, cá nhân kinh doanh bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên sàn TMĐT, qua YouTube, Facebook, các app bán hàng... là 552 tỉ đồng, gồm 87 tỉ của tổ chức và 465 tỉ đồng của cá nhân.
Với các tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có phát sinh thu từ nước ngoài (Google, Apple...), cơ quan thuế đã phát hiện thu nhập đến 944 tỉ đồng, trong đó tổ chức là 16,8 tỉ và cá nhân là 928 tỉ đồng. Trong đó, tổng số thuế tự khai, truy thu, tiền chậm nộp và tiền phạt là 123 tỉ đồng, trong đó tổ chức là 3 tỉ và cá nhân là 120 tỉ đồng.
Thua lỗ cũng phải nộp thuế? Chị L.T.K. (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay mới đăng ký thuế với chi cục thuế địa phương sau hơn ba năm kinh doanh online. Hàng được bán qua Facebook, Zalo và qua sàn TMĐT. Doanh thu mỗi tháng khoảng 15 - 17 triệu đồng. Tuy nhiên, điều mà chị K. băn khoăn là theo quy định doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên thì người bán hàng sẽ phải nộp 0,5% thuế thu nhập cá nhân và 1% thuế giá trị gia tăng. Không cần tính đến việc kinh doanh lời hay lỗ, không được trừ bất cứ chi phí hay giảm trừ gia cảnh gì cả.
"Thực tế doanh thu trong hai năm qua tăng chủ yếu do giá cả sản phẩm tăng lên. Điều này đồng nghĩa với việc tiền thuế phải nộp tăng theo. Trong khi đó, lợi nhuận thu được rất ít, thậm chí phải cắt lỗ để đẩy hàng đi, nhưng vẫn phải nộp thuế. Do đó để đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế, mức doanh thu năm thuộc diện phải nộp thuế cần tăng lên ít nhất hai lần mức hiện nay", chị K. kiến nghị. Ông N.V.H. (chuyên kinh doanh thiết bị điện tử gồm điện thoại, laptop...) cho biết bán hàng trên hai sàn TMĐT. Ông H. cho rằng việc nộp thuế là đúng nhưng mức doanh thu và cách tính thuế hiện nay chưa hợp lý đối với cá nhân kinh doanh online. Quy định doanh thu 100 triệu đồng/tháng phải nộp 1,5 triệu đồng tiền thuế nghe có vẻ thấp, nhưng thực tế cạnh tranh về giá trên sàn rất khốc liệt. Hơn nữa sau khi trừ chi phí lãi vay ngân hàng và phí vận chuyển thì lợi nhuận chỉ còn ít. "Để khuyến khích người dân kinh doanh và nộp thuế đầy đủ, mức doanh thu nộp thuế cần phải nâng lên. Đồng thời, chính sách cần bổ sung việc cho phép người kinh doanh được trừ ít nhất là lãi vay ngân hàng. Mặt khác, ngành thuế nên cân nhắc chỉ truy thu tiền thuế từ những năm trước chứ không nên tính tiền phạt chậm nộp đối với cá nhân kinh doanh online", ông H. đề xuất. |
Tác giả: ÁNH HỒNG - LÊ THANH
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ