Nghệ An nỗ lực tháo nút thắt trong hành trình gỡ thẻ vàng IUU
- 10:32 23-02-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ảnh minh họa |
Ban chỉ đạo về IUU tỉnh Nghệ An vừa tổ chức buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương để đưa ra các giải pháp tháo gỡ những khó khăn về triển khai chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) trên địa bàn tỉnh Nghệ An với sự tham dự của các địa phương trọng điểm về nghề cá.
Hỗ trợ ngư dân trang bị giám sát hành trình
Theo thông tin tại buổi họp, sau 5 năm triển khai thực hiện, công tác chống khai thác IUU tại Nghệ An về cơ bản đã có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả nhất định.
Ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân từng bước được nâng cao. Ngư dân đã chủ động thông báo trước khi tàu cập, rời cảng cá; ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản theo quy định.
Hầu hết ngư dân đã chủ động lắp thiết bị giám sát hành trình. Công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá và cấp giấy phép khai thác thủy sản thực hiện tốt; hoạt động thanh tra, kiểm tra nghề cá tại các cửa lạch, trên biển được tăng cường...
Để hỗ trợ một phần kinh phí cho ngư dân lắp đặt và duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình, vừa UBND tỉnh Nghệ An cũng đã tham mưu cho Hội đồng nhân dân tỉnh này ban hành các nghị quyết về hỗ trợ kinh phí mua, lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình và cước phí thuê bao dịch vụ cho thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên.
Tỉnh Nghệ An cũng khẩn trương xây dựng “Nghị quyết về chính sách hỗ trợ cho tàu cá khai thác thủy sản vùng khơi trên địa bàn tỉnh Nghệ An” nhằm kịp thời động viên ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, ổn định sản xuất.
Tại các địa phương còn thành lập tổ liên ngành kiểm soát tàu thuyền ra, vào cảng; chấn chỉnh đăng kiểm tàu cá; thành lập các đoàn liên ngành thường xuyên tuần tra tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý các hoạt động khai thác trái phép, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ.
Nghệ An đã cấp phép 1.242 giấy khai thác hải sản vùng khơi và 654 giấy phép khai thác vùng lộng và 1.953 giấy phép khai thác vùng ven bờ cho ngư dân. Tính đến ngày 31/12/2022, tỉnh có 1.118/1.141 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS, đạt 97,98%.
Việc kiểm tra, giám sát tàu cá và sản lượng bốc dỡ qua cảng ngày càng chặt chẽ hơn; số tàu đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài và mất kết nối VMS đã giảm.
Tuy vậy, cũng như các tỉnh, sau chuyến kiểm tra làm việc của Ủy ban châu Âu EC tại nước ta vào tháng 10/2022, đại diện EC chỉ ra một số hạn chế như tình trạng bà con ngư dân khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài, công tác giám sát tàu ra vào cảng còn yếu kém, tình trạng mất kết nối VMS khi đánh bắt vẫn còn, truy xuất nguồn gốc hải sản chưa được minh bạch.
Trong năm 2022, Nghệ An vẫn còn 370 lượt tàu cá mất tín hiệu VMS quá 10 ngày, 242 lượt tàu vượt qua đường ranh giới cho phép trên biển; giám sát sản lượng cá tại cảng còn thấp so với sản lượng đánh bắt. Việc kiểm tra, xử lý chủ yếu mới ở dạng nhắc nhở, xử phạt chưa nghiêm. Trong khi đó, chính quyền địa phương vào cuộc chưa thực sự quyết liệt.
Khai thác, vận hành hiệu quả hệ thống giám sát tàu cá
Lý giải về vấn đề trên, Chi cục Thủy sản Nghệ An cho biết thống kê đến tháng 10/2022, Nghệ An có 97,09% tàu cá đã được lắp VMS. Tuy nhiên, trên Hệ thống giám sát tàu cá quốc gia, số lượng tàu cá lắp đặt VMS của Nghệ An mới chỉ đạt 92,63% nên khó để thuyết phục EC.
Sở dĩ tỷ lệ tàu lắp đặt VMS của Nghệ An còn chênh nhau là do địa phương có 52 thiết bị Movimar được trang bị trước đây nay bị hư hỏng và cắt dịch vụ, hiện Tổng cục Thủy sản đưa vào diện chưa lắp đặt.
Nhiều hạn chế được nêu ra, đó là tình trạng tàu cá mất kết nối VMS trên biển ngày càng tăng. Theo đại diện Chi cục Thủy sản Nghệ An có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất kết nối VMS là do thiết bị cũ nát, hư hỏng, hệ thống điện cung cấp cho thiết bị VMS hoạt động bị hỏng hoặc tàu về cảng kết thúc chuyến biển nên chủ tàu tắt nguồn thiết bị, hết hạn cước thuê bao; ngư dân lấy lý do sợ chập cháy hoặc đánh bắt trái phép nên tắt nguồn... Mặt khác, một phần chất lượng dịch vụ trên VMS chưa đảm bảo nên khó để xử lý.
Hạn chế tiếp theo là về sản lượng khai thác. Theo quy định, sản lượng đánh bắt thống kê qua cảng được phép chênh lệch 20% so với thực tế. Tuy nhiên, do tỷ lệ sản lượng giám sát, sản lượng khai thác tại các cảng Nghệ An còn khá thấp và nhiều tàu cá chưa vào cảng bốc hàng nên số liệu chưa chắc chắn. Mặt khác, mặc dù EC khuyến cáo hải sản đánh bắt xuất khẩu phải có nguồn gốc, nhưng từ năm 2020 đến nay, chưa có tàu nào của tỉnh xin xác nhận truy xuất...
Để không ảnh hưởng đến nỗ lực chống khai thác IUU của cả nước và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, trong thời gian tới Nghệ An tiếp tục tập trung triển khai Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật; hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS, thực hiện đăng ký, đăng kiểm, cấp Giấy phép khai thác thủy sản, Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho tàu cá theo quy định; thường xuyên rà soát, cập nhật số lượng tàu cá địa phương vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNFishbase.
Chi cục Thủy sản Nghệ An cũng lập danh sách theo dõi, quản lý chặt chẽ tàu cá không có giấy phép khai thác thủy sản, không lắp đặt hoặc có thiết bị VMS nhưng không kích hoạt, vận hành, mất kết nối VMS; khai thác, vận hành có hiệu quả hệ thống giám sát tàu cá để theo dõi, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, kịp thời xử lý các hành vi khai thác IUU.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ đã yêu cầu các Sở, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh, đa dạng các hình thức tuyên truyền tập huấn, phổ biến các quy định của pháp luật thủy sản và chống khai thác IUU.
Lãnh đạo các địa phương cần đôn đốc chỉ đạo quyết liệt hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, tăng cường kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến, phối hợp giữa các cơ quan chức năng, mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển và xử phạt 100% hành vi khai thác IUU theo quy định, tập trung nguồn lực đảm bảo ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Nghệ An khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu Ban quản lý cảng cá và các huyện phối hợp rà soát lại số liệu về sản lượng khai thác; tiếp tục tuyên truyền và tăng cường kiểm tra, giám sát đối với tàu chưa lắp hoặc mất tín hiệu kết nối hệ thống giám sát tàu cá (VMS); làm rõ tình hình các tàu cá nằm bờ, không duy trì kết nối, tàu đã chuyển nhượng thì làm thủ tục để xóa VMS trên hệ thống.
Hiện tại, để hỗ trợ ngư dân và từng bước gỡ thẻ vàng, Nghệ An đang xây dựng chính sách riêng hỗ trợ ngư dân đánh xa bờ, theo đó, cùng với kinh phí duy trì kết nối VMS hằng tháng, các tàu cá được lắp Movimar trước đây được hỗ trợ lắp thiết bị mới.
Tác giả: Nguyễn Thuấn
Nguồn tin: vneconomy.vn