Bên dòng sông… “chết”
- 10:45 22-02-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nậm Tôn đã trở thành dòng sông “chết” do khai thác thiếc ồ ạt và nạn xả thải ra môi trường |
Vì sao sông “chết”?
Nậm Tôn không phải là dòng sông lớn, nó bắt nguồn từ các xã Châu Hồng, Châu Tiến, Liên Hợp của huyện Quỳ Hợp, để hợp thành sông Dinh. Dù không lớn, nhưng Nậm Tôn cũng đã lưu giữ trong mình nhiều ký ức đẹp đẽ của bao thế hệ người dân, hơn thế, nó còn là nơi cung cấp nguồn lợi thủy sản, tưới tiêu và cung cấp nước sinh hoạt cho bà con trong vùng. Từ trên cao, dòng Nậm Tôn uốn lượn như một dải lụa trắng muốt, bốn mùa xanh trong. Nhưng hình ảnh đẹp đẽ đó đã là quá khứ. Còn Nậm Tôn bây giờ, cũng uốn lượn, nhưng lại mang trong mình một màu đỏ quạch bùn non.
Nhiều người dân ở đây, xa xót mà rằng: Khai thác thế kia! Hàng chục mỏ thiếc được đào bới hết ngày này qua tháng khác ở đầu nguồn thế kia, thì sông không “chết” mới lạ. Ông Lô Văn Quý, công dân xã Liên Hợp đã không còn ngại ngần tố khổ trước khi hoài niệm về một “thời xa vắng”: Dòng Nậm Tôn trước đây trong xanh nước biếc, chúng tôi làm đường ống nhựa dẫn nước về tận nhà sinh hoạt, không cần phải lắng lọc chi hết. Thế mà giờ đây, khi hoạt động khai thác thiếc diễn ra ồ ạt, bà con hai bên sông không thể đánh bắt cá được nữa, nước thì đến tưới cây còn chết, nói chi đến chuyện sử dụng. Những ngày hạn, chúng tôi đã dùng nước này tưới cho đồng ruộng, lúa cứ thế úa dần rồi chết. Đất trồng lúa bao đời, nay phải chuyển đổi cây trồng khác, nhưng ngặt là trồng cây khác thì hiệu quả lại rất thấp.
“Trâu bò uống nước sông Nậm Tôn cứ còi cọc rồi lăn ra chết. Khi mổ ra thì một số bộ phận nội tạng nổi những u, những cục, không ai dám ăn, thế là phải đem đi chôn. Thiệt hại đủ đường” - ông Quý nói như khóc.
Mắt thấy, tai nghe, nhưng chúng tôi vẫn chưa dám kết luận về nguyên nhân của dòng sông “chết”, mà phải cất công tìm kiếm các cứ liệu khoa học của cơ quan có thẩm quyền. Thì đây là kết quả quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường Nghệ An: Chỉ số tổng chất rắn lơ lửng trong nước (TSS) vượt quy chuẩn nhiều lần, mẫu nước có độ đục cao.
Cụ thể chỉ số TSS của các năm 2017 vượt từ 2,4 - 3,3 lần cho phép; Năm 2018 vượt từ 1,63 - 4,73 lần; Năm 2019 vượt từ 1,43 - 10,86 lần và năm 2020, chỉ số này đã vượt ngưỡng quy chuẩn đến 26,93 lần. Đặc biệt, năm 2021, trong mẫu trầm tích do Chi cục Bảo vệ môi trường Nghệ An quan trắc, thì chỉ số Asen vượt 9,28 lần quy chuẩn và chỉ số thủy ngân Hg vượt 1,01 lần.
Một cán bộ đơn vị quan trắc cho biết, các chỉ số trên đây được lấy mẫu nước sông Nậm Tôn, đoạn chảy qua thị trấn Quỳ Hợp, còn nếu lấy ở gần ngay các mỏ khai thác thì chắc chẳn nó còn cao hơn nhiều.
Lộ diện đường ống xả thải trộm ra môi trường |
Nậm Tôn bị “bức tử”
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở huyện Quỳ Hợp có đến 13 mỏ thiếc được cấp phép (chúng tôi không có số liệu về các mỏ thổ phỉ), thì có đến 10 mỏ ở thượng nguồn Nậm Tôn, tập trung ở các xã Châu Hồng, Châu Tiến và Liên Hợp.
Về “kỹ thuật” khai thác thiếc thì cũng chẳng có mỏ nào có “công nghệ tiên tiến”, mà phần lớn vẫn là sử dụng bơm công suất lớn hút nước ngầm để tuyển quặng, bóc tách các hợp chất, kim loại ra để lấy thiếc. Nếu dùng phương pháp này thì phải tuân thủ quy định về xử lí nước thải: Phải cho nước thải xuống các hồ lắng để xử lí, sau đó tái sử dụng, không được phép xả thải ra môi trường. Và, để làm đúng quy trình thi chủ mỏ phải đầu tư một khoản tiền không hề nhỏ. Vậy nên, được mấy ai làm theo quy định?
Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi lại phải viện đến kết luận của cơ quan chức năng, nói theo dân dân gian là nói có sách, mách có chứng. Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Quỳ Hợp vừa mới phát hiện thủ đoạn xả thải ra môi trường hết sức tinh vi của 2 doanh nghiệp khai thác thiếc. Theo đó, họ đã chôn ngầm hàng trăm mét đường ống vào tận hang núi sâu để vô tư xả nước thải ra sông. Thủ đoạn này đã che mắt được hầu hết các đoàn kiểm tra từ nhiều năm nay.
Lực lượng chức năng kiểm tra tại một điểm khai thác quặng thiếc ở Quỳ Hợp |
Tôi gọi là may phúc cho dòng Nậm Tôn vì sự trùng hợp kỳ lạ này. Khi Đoàn công tác đang kiểm tra tại Công ty TNHH Hồng Lương đang khai thác thiếc tại xã Châu Hồng, thì ống nước thải bỗng dưng bị bục vỡ. Một lượng nước đỏ ngầu phun từ dưới đất lên, cứ như là có “hoa tiêu” dẫn đường cho đoàn kiểm tra. Lần theo đường ống, và phải dùng đến máy múc, đoàn công tác mới phát hiện một đường ống có đường kính 150cm chôn sâu và chạy dài vào tận hang. Cũng tại đây, đoàn các cán bộ kiểm tra phát hiện thêm hai đường nữa, dài đến nửa km là đường ống xả trộm của Cty TNHH Hà Cương.
Mới hay, họ vẫn làm hồ lắng, nước thải vẫn được xả xuống hồ lắng, nhưng từ hồ lắng họ đã sử dụng bơm công suất lớn bơm vào đường ống để nước chảy thẳng vào hang, từ đó chảy ra dòng Nậm Nơn.
Tôi không tin sự ngẫu nhiên liên tục xuất hiện, nhưng nó đã được diễn ra ở Cty TNHH Hà Cương. Cũng vào thời điểm kiểm tra, bờ bao hồ lắng của Cty Hà Cương bị vỡ. Do sự cố vỡ bờ bao này, mà đoàn kiểm tra đã phát hiện ra 2 máy bơm công suất 11KW, và nó chính là vật chứng không thể chối cãi cho việc bơm nước xả thải trực tiếp vào hang núi theo 2 đường ống có đường kính 140cm.
Tôi vốn không tin vào những điều huyền bí. Nhưng đến 2 lần ngẫu nhiên để đoàn kiểm tra phát hiện ra thủ đoạn tinh vi này, thì chỉ có thần sông chỉ lối, chỉ có dòng Nậm Tôn đang kêu oan mới có.
Mang niềm đau của dòng Nậm Tôn đến với ông Trần Đức Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, chúng tôi được ông Lợi “tâm tình”: “Tình trạng ô nhiễm nguồn nước của dòng Nậm Tôn, nhiều năm qua, huyện rất đau đầu”.
Vâng, không chỉ huyện “đau đầu”, mà bà con vừa đau đầu lại vừa rất đau lòng. Đến nỗi, nhìn dòng Nậm Tôn khó nhọc chảy, tôi lắng nghe trong đó tiếng phì phò khó nhọc của sông. Và phải chăng, không chỉ sông đang oằn mình quặn đỏ bùn non, mà dòng Nậm Tôn đang rỉ máu kêu than!
Tác giả: Việt Thắng - Khánh An
Nguồn tin: baodantoc.vn