Vì sao nhiều người dùng nhận được tin nhắn 'Tình 1 đêm'
- 10:15 26-02-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tin nhắn rác có tên người gửi "Tinh 1 Dem" gửi đến một loạt người dùng điện thoại ở Hà Nội. Ảnh: Hoàng Nam. |
Theo ghi nhận của Zing, ngày 20/2, một loạt thuê bao VinaPhone và Viettel nhận được tin nhắn đến từ tên người gửi “Tinh 1 Dem” hoặc “gai***”, với nội dung mời chào và kèm theo đường link truy cập trang web. “Cả công ty tôi nhận được tin nhắn tình một đêm”, anh Nguyễn Minh (Hà Nội), chia sẻ.
Anh N.T.G (quận Thanh Xuân, Hà Nội), người dùng thuê bao Viettel, cho biết nhận được tin nhắn rác phiền phức và gây khó xử này lúc 15h, khi đang làm việc tại văn phòng. Anh N.N (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), dùng thuê bao VinaPhone, nhận được tin nhắn lúc 19h.
Các tin nhắn đến từ các tên người gửi khác nhau, nhưng đều có nội dung mời chào “tình một đêm” hoặc “dịch vụ” và gửi kèm một đường link.
|
Nhiều người sử dụng thuê bao Viettel, VinaPhone phản ánh nhận được tin nhắn với nội dung mời chào và đường link. Ảnh: NVCC. |
“Đây là trang nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, ông Ngô Minh Hiếu, chuyên gia bảo mật tại dự án Chống Lừa Đảo, trao đổi với Zing. Sau khi truy cập, trang web lừa đảo có thể yêu cầu cung cấp tên đăng nhập, tài khoản ngân hàng hoặc các thông tin như OTP để chiếm đoạt tài sản.
Chuyên gia cho biết dự án đã chặn đường link “Tinh 1 Dem”, và thường xuyên chặn khóa các trang tương tự, nhưng các nhóm lừa đảo liên tục tạo ra các đường link mới, cùng các dạng tin nhắn mới để dẫn dụ người dùng. Chẳng hạn, dạng tin nhắn lừa đảo tương tự trước đây đến từ tên người gửi “Sacombank”, “TPBank”, “ACB” với nội dung yêu cầu người dùng truy cập trang web để hủy giao dịch hoặc cập nhật mật khẩu tài khoản ngân hàng.
Kiểm tra thuê bao nhận SMS, đại diện nhà mạng VinaPhone cho biết dạng tin nhắn lừa đảo này không xuất phát từ hệ thống của các tổ chức tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp viễn thông mà do kẻ xấu phát tán thông qua các thiết bị phát sóng di động giả mạo (IMSI Catcher/SMS Broadcaster).
Các thiết bị này được mua bán, sử dụng trái phép để phát tán tin nhắn rác lừa đảo người dùng, không thông qua mạng viễn thông di động. Tin nhắn thường được thay đổi thông tin nguồn gửi thành dạng tên để tạo lòng tin, và nội dung chứa đường link tới trang web lừa đảo.
Đại diện Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp Không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), thuộc Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo người dân cảnh giác, không truy cập các đường link, tên miền lạ gửi qua tin nhắn.
“Nếu đã cung cấp thông tin, hãy đặt lại toàn bộ mật khẩu của các tài khoản ứng dụng đang sử dụng để bảo vệ mình”, đại diện VNCERT/CC khuyến cáo.
Tác giả: Hoàng Nam
Nguồn tin: zingnews.vn