Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bánh lá dừa Bến Tre - Món ngon bổ rẻ từ miền đất phương Nam

Bánh lá dừa là một trong những thức bánh dân dã ngon miệng mà bạn không nên bỏ qua khi về miền Tây. Nhất là những ai ghé qua xứ dừa Bến Tre, càng phải nếm thử món ăn đặc sắc của ẩm thực Việt Nam này.

Từ bấy lâu nay, các món bánh được gói bằng lá đã vô cùng quen thuộc và thân thương đối với người dân miền Tây: bánh ú, bánh ít, bánh tét,… và cả bánh lá dừa. Bánh gói lá dừa có nhiều loại nhân hợp sở thích của nhiều người, mà cách gói cũng không cầu kỳ, chỉ cần khéo tay một chút là được.

Các nguyên liệu dân dã, bổ dưỡng

Các nguyên liệu dùng làm bánh đều rất đơn giản, dễ tìm, gồm nếp dẻo thơm, cơm dừa, nước cốt dừa, đường, muối. Ngoài ra, người ta còn dùng đậu xanh, đậu đen hoặc chuối Xiêm (chuối sứ) để làm nhân bánh và lá dừa nước non để gói bánh.

Trước khi gói, lá dừa sẽ được định hình thành dạng ống. Có thể nói, đây là nhân tố rất quan trọng, góp phần quyết định hình dáng, hương vị riêng biệt của món bánh. Những lá dừa non ngả màu trắng ngà, hoặc được phơi nắng cho hơi héo sẽ khó bị rách và giúp gói bánh dễ dàng hơn.

 

Người ta vo sạch gạo nếp, nạo nhuyễn cơm dừa rồi trộn đều các nguyên liệu ấy cùng nước cốt dừa, cho thêm một ít muối và đường trắng. Như vậy, từng hạt gạo nhỏ có thể thấm đượm hương vị dừa ngọt dịu, beo béo.

Để làm bánh lá dừa nhân đậu, đậu xanh hay đậu đen sẽ được hấp chín cùng nước cốt dừa và một ít muối, giúp gia tăng độ bùi cho bánh. Còn đối với loại bánh nhân chuối, những quả chuối sứ chín, chắc mập mới thích hợp nhất để làm nhân bánh ngon. Chuối được bóc vỏ, ướp đường và phơi nắng chừng 30 phút để có vị ngọt ngào và màu sắc đẹp hơn.

Cách gói bánh lạ mắt và khéo léo

Và khâu gói bánh chính là lúc người làm bánh thể hiện sự khéo tay hay làm của mình! Trước hết, người ta cho lần lượt vào ống bánh một lớp nếp, phần nhân rồi lại phủ lên một lớp gạo nếp đến gần đầy ống. Sau đó dùng dây lát chẻ phơi khô buộc kín ống bánh lại.

Cũng tương tự như việc gói bánh tét hay bánh chưng, nếu gói quá chặt, bánh khó có thể chín đều, hoặc bị “bể” do nếp nở ra. Ngược lại, nếu gói quá lỏng lẻo, bánh dễ bị ngấm nước, trở nên nhão và mau hỏng.

 

Các bánh sau khi được gói xong sẽ được thả vào nồi nấu ngập nước trong vài tiếng đồng hồ. Khi bánh chín, vớt ra tráng qua nước lạnh và treo lên cho ráo nước. Cách này sẽ giúp bánh giữ vị thơm ngon trong thời gian dài hơn.

Hương vị gây thương nhớ của bánh lá dừa

Món đặc sản có nguyên liệu dân dã, vẻ ngoài đơn sơ, có thể nằm gọn trong bàn tay bạn đã gắn liền với đời sống của biết bao thế hệ người miền Tây, và làm món quà đong đầy nghĩa tình dành cho nhiều khách thập phương.

 

Bóc từng vòng lá quấn như lò xo bao quanh chiếc bánh, mùi dừa dìu dịu thoảng qua mũi sẽ kích hoạt ngay cơn thèm ăn của thực khách. Cắn một miếng bánh thử xem, bạn sẽ có cảm giác bất ngờ xen lẫn hào hứng bởi sự hòa quyện quá đỗi hoàn hảo của các nguyên liệu.

Nhấm nháp bánh đến đâu, bạn sẽ càng thèm đến đấy. Hết chiếc bánh thứ nhất, bạn sẽ khó lòng cưỡng lại được ý muốn mở tiếp chiếc bánh thứ hai, để lại được tận hưởng hương vị ngọt bùi, làm gợi nhớ tới chốn quê hương thanh bình, với những tán dừa vi vu trong gió.

Tác giả: Như Khánh

Nguồn tin: saostar.vn