Dự án nhà ở xã hội được phê duyệt rồi… cất tủ
- 08:10 18-02-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Dự án Khu đô thị Đồng Dâu do Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Đại Huệ làm chủ đầu tư là điển hình cho việc thực hiện hạng mục nhà ở xã hội “trên giấy”. |
“Quên” nhà ở xã hội
Trong nhiều năm qua, tại các dự án nhà ở, tỉnh Nghệ An có phê duyệt các hạng mục nhà ở xã hội. Vậy nhưng, tại các dự án này, chủ đầu tư chỉ tập trung phân lô, bán nền, còn các dự án nhà ở xã hội bị bỏ quên.
Đơn cử như dự án Khu đô thị Đồng Dâu do Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Đại Huệ (gọi tắt là Công ty CP Đại Huệ - có địa chỉ tại phường Hưng Dũng, TP Vinh) làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 245 tỷ đồng, với tổng diện tích gần 9ha. Trong đó, diện tích xây dựng siêu thị gần 900m2; diện tích đất tái định cư gần 3.300m2; diện tích đất chia lô khu biệt thự gần 4,9ha; đất nhà văn hóa dân cư hơn 527m2; đất giao thông và đất khác hơn 2,8ha. Đặc biệt hơn, dự án này có khu nhà ở xã hội với diện tích hơn 7.000m2, gồm 2 tòa nhà (mỗi tòa cao 12 tầng) với 350 căn hộ phục vụ nhu cầu về nhà ở cho những người có thu nhập thấp. Đây là dự án nhà ở xã hội đón đầu gói 30.000 tỷ đồng ưu đãi vốn vay của nhà nước theo Nghị quyết 02/2013 của Chính phủ. Phê duyệt là vậy, nhưng đến nay, sau hơn 10 năm, tại dự án này chủ đầu tư chỉ hoàn thành việc phân lô, bán nền, các hạng mục như siêu thị, nhà văn hóa và nhà ở xã hội vẫn đang còn trên giấy.
Tiếp đó, vào năm 2017, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã phê duyệt quyết định về kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng tại các Khu công nghiệp (KCN). Đến năm 2018, triển khai đầu tư xây dựng 2 nhà cao 5 tầng để đáp ứng chỗ ở cho khoảng 2.000 công nhân ở KCN Nam Cấm, KCN WHA; đến năm 2020, tiếp tục xây dựng 1 nhà cao 5 tầng cho khoảng 1.000 công nhân ở KCN VSIP. Thời điểm đó, tỉnh Nghệ An đã giao Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng KCN Nghệ An tiến hành khảo sát, lập đề án để sớm thông qua nhưng rồi không hề có dự án nào được triển khai. Năm 2019, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục phê duyệt quy hoạch xây dựng 2 khu nhà tại 2 xã Nghi Xá và Nghi Tiến (Nghi Lộc) để giải quyết chỗ ở cho khoảng 2.600 công nhân. Tuy nhiên, đến nay các dự án này vẫn chưa làm xong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).
Mới đây, Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động làm việc trong KCN Nam Cấm tại vị trí số 3 do Công ty CP Điện mặt trời Miền Trung MK làm chủ đầu tư và Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động làm việc trong KCN Nam Cấm tại vị trí số 4 do Công ty CP thương mại Quốc tế BMC làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư của 2 dự án là 6.880 tỷ đồng, với số lượng 6.457 căn hộ, giải quyết chỗ ở cho 19.750 người. Theo dự kiến các dự án này, sẽ khởi công vào quý 3/2022 vậy nhưng đến nay vẫn đang triển khai đền bù cho người dân.
Khó hay không quyết liệt?
Anh Nguyễn Văn Long - công nhân tại KCN VSIP (đóng tại Hưng Tây, Hưng Nguyên) cho biết, hiện gia đình của anh phải thuê trọ để ở, với lương công nhân cả hai vợ chồng là 15 triệu đồng/tháng, chi phí thuê trọ, điện, nước đã mất gần 3 triệu đồng. “Công nhân như chúng tôi muốn được thuê hoặc mua nhà ở xã hội giá rẻ, để ổn định cuộc sống nhưng khó quá” - anh Long chia sẻ.
Nói về khó khăn khi thực hiện dự án nhà ở xã hội, đại diện Công ty CP Địa ốc Kim Thi cho biết, thực hiện dự án nhà ở xã hội là một nhiệm vụ khó, dù được tạo điều kiện về mặt pháp lý, hồ sơ, thủ tục… nhưng cái khó nhất vẫn là vốn. Đối với những dự án “đón” gói vay của Chính phủ lại càng khó hơn. Tuy nhiên, nếu nói đó là nguyên nhân không thể triển khai được dự án là không đúng. “Bản thân đơn vị chúng tôi, sau khi dự án được phê duyệt, chúng tôi chủ động nguồn vốn để thực hiện, nếu đợi giải ngân từ các gói vay của nhà nước, dự án sẽ chậm tiến độ ” - đại diện đơn vị này cho biết.
Trong khi đó, trao đổi với lãnh đạo địa phương nơi có các dự án nhà ở xã hội, đều cho rằng, dự án nào cũng chậm, thậm chí bỏ quên. Theo ông Nguyễn Bằng Phi - Chủ tịch UBND xã Nghi Tiến, dù được phê duyệt năm 2019, nhưng đã 4 năm trôi qua, công tác GPMB vẫn chưa xong, vậy nên dự án nhà ở xã hội trên địa bàn vẫn chưa hình thành.
Trong khi đó, vào tháng 5/2022, phát biểu tại buổi trao chứng nhận đầu tư 2 dự án nhà ở xã hội (do Công ty CP Điện mặt trời Miền Trung MK và Công ty CP thương mại Quốc tế BMC làm chủ đầu tư), ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, đây là 2 dự án rất quan trọng trong công tác thu hút, tạo điều kiện để cải thiện môi trường đầu tư vào địa bàn tỉnh. Đồng thời nhấn mạnh, việc triển khai dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các nhà đầu tư ổn định đời sống, sinh hoạt của người lao động, giúp họ yên tâm khi làm việc. Như vậy, có thể thấy rằng, kỳ vọng của người lao động và chính quyền tỉnh Nghệ An rất lớn về nhà ở xã hội. Tuy nhiên, các nhà đầu tư khi được chấp nhận chủ trương lại không mấy mặn mà, thậm chí còn biện minh nhiều lý do khác nhau để thoái thác.
Theo thống kê, các Khu công nghiệp trên toàn tỉnh Nghệ An hiện có gần 30 nghìn công nhân lao động, nhu cầu nhà ở xã hội cho công nhân là rất lớn nhưng các dự án nhà ở xã hội thì vẫn chưa được triển khai. |
Tác giả: ĐIỀN BẮC
Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết