Vợ ngoại tình, có bầu rồi qua đời lúc sinh con, chồng sốc nặng khi phải nhận con riêng của vợ
- 16:52 19-02-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Truyền thông địa phương đưa tin, Sở cảnh sát Chungbuk thuộc thành phố Cheongju, tỉnh Chungcheong Bắc, Hàn Quốc, đã nhận được tin báo rằng một người đàn ông tên A, ngoài 40 tuổi, đã bị khoa phụ sản của một bệnh viện khiếu nại vào ngày 28/12/2022 vì không chịu nhận đứa con do vợ anh ta sinh ra. Nào ngờ khi cảnh sát điều tra, một sự thật đáng kinh ngạc khác lại được hé lộ.
Hóa ra, anh A và vợ đã ly thân từ lâu, đang trong quá trình làm thủ tục ly hôn. Trong khoảng thời gian đó, người vợ đã ngoại tình với một người đàn ông khác, thậm chí còn mang thai với tình nhân. Đến ngày chuyển dạ, cô ấy nhập viện để sinh con nhưng do biến chứng thai kỳ, cô đã qua đời, chỉ có đứa trẻ trong bụng được cứu sống. Ngang trái hơn, gã tình nhân khi biết tin đã ôm tiền của người vợ rồi bỏ trốn.
Sau khi người vợ qua đời, bệnh viện đã nhanh chóng thông báo tin buồn với người chồng hợp pháp của cô, khi ấy vẫn là anh A, đồng thời đề nghị anh A mang đứa trẻ về nuôi nấng. Tuy nhiên, anh A đã thẳng thừng từ chối nhận đứa trẻ này với lý do dễ hiểu: "Đó không phải là con của tôi". Vì thế, em bé này chào đời vào ngày 16/11/2022 nhưng đến nay vẫn chưa được đăng ký khai sinh.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, hành vi của anh A lại bị coi là trái pháp luật. Theo Điều 844 Bộ luật dân sự Hàn Quốc quy định: "Đứa con do người vợ mang thai trong thời kỳ hôn nhân được coi là con của người chồng". Điều đó có nghĩa là ngay cả khi người vợ ngoại tình rồi sinh con ngoài giá thú, người chồng hợp pháp của cô ấy vẫn được coi là bố của đứa trẻ dù không cùng quan hệ huyết thống. Mà khi đó, thủ tục ly hôn giữa anh A với vợ chưa kết thúc, họ vẫn là vợ chồng hợp pháp nên anh A nghiễm nhiên là bố của đứa trẻ đó.
Anh A vô cùng sốc và tức giận trước điều này mà một mực không muốn nhận đứa con ngoài giá thú của vợ. Anh A thậm chí còn tiến hành xét nghiệm ADN để chứng minh đứa trẻ không phải máu mủ của mình để không phải nhận nuôi nó. Tuy nhiên theo luật pháp, anh A vẫn có thể bị truy tố về tội bỏ rơi trẻ em.
Hiện nay, đứa trẻ đã được tạm thời đưa tới trung tâm chăm sóc bảo trợ trẻ em. Nhân viên của Tòa thị chính Cheongju đã gửi văn bản chính thức thông báo tới anh A, giải thích rằng anh có nghĩa vụ pháp lý phải đăng ký khai sinh cho đứa trẻ. Để từ bỏ trách nhiệm pháp lý, anh A có thể khởi kiện yêu cầu xác nhận việc từ chối quan hệ cha con nhưng chỉ khi đứa trẻ được đăng ký khai sinh. Nếu tòa án phán quyết rằng anh A không phải bố đứa trẻ, hồ sơ về đứa trẻ trên giấy xác nhận quan hệ gia đình của anh A sẽ bị xóa bỏ và chuyển sang quan hệ gia đình của người mẹ.
Ngược lại, nếu anh A không khởi kiện mà vẫn từ chối nuôi con, đứa trẻ có thể được đưa đến trung tâm nuôi dưỡng trẻ em nhưng anh A vẫn được đăng ký là bố.
Người phát ngôn của chính quyền thành phố Cheongju cho biết: "Quy trình này có thể khiến người đàn ông khó chịu, nhưng đó là thủ tục pháp lý để tìm kiếm các giải pháp thay thế sau khi đăng ký khai sinh cho đứa trẻ. Chúng tôi yêu cầu một phản ứng nhanh chóng".
Cảnh sát thành phố Cheongju cũng đang xem xét có nên xử lý hình sự với trường hợp của anh A về tội bỏ rơi trẻ em hay không. Một nhân viên cảnh sát giải thích: "Sau khi người vợ qua đời, thủ tục ly hôn trở nên vô nghĩa và quyền nuôi con theo luật dân sự thuộc về anh A. Mặc dù chúng tôi có thể hiểu được cảm giác của anh A nhưng với tư cách là bố của đứa trẻ, anh ấy phải có trách nhiệm nuôi dưỡng".
Vụ việc này hiện đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận Hàn Quốc, bởi anh A hiện đang phải nuôi nấng 3 đứa con nhưng lại bị buộc trách nhiệm một cách vô lý với đứa trẻ không phải con mình.
Tác giả: DOÃN KỲ
Nguồn tin: phunuphapluat.nguoiduatin.vn