Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


'Bán mặt cho đất bán lưng cho trời' kiếm nửa triệu mỗi ngày

Sau mỗi mùa vụ, có những người trong tổ đội cấy thuê thu nhập hàng chục triệu đồng.

 Sau Tết Nguyên đán là lúc nông dân vào vụ lúa Đông Xuân. Người nông dân bắt đầu làm ruộng, cấy lúa.

 Thời gian này, trên các cánh đồng ở quanh khu vực thành phố Vinh (Nghệ An), người dân tất bật xuống đồng. Người nhổ mạ, người gieo, người cấy lúa.

 Trước khi cấy lúa, người dân sẽ thuê máy cày về xới cho tơi đất. Khi máy cày xong, người nông dân sẽ sử dụng cào, cuốc để san bằng những vị trí gò đất cao hay vùng bị trũng, để việc cấy lúa được thuận tiện hơn.

 Mỗi vụ gieo cấy sẽ diễn ra trong thời gian từ 2-3 tuần. Vậy nên nhiều gia đình neo người buộc phải thuê tổ đội đến cấy thuê. Giá thuê sẽ giao động từ 600-700 nghìn đồng/1 sào lúa.

 

 Những tổ đội cấy thuê sẽ có khoảng 5-6 người làm chung. Khi kết thúc, tiền sẽ được chia đều cho mỗi người.

 Chị Nguyễn Thị Xuân (trú xã Nghi Công Nam, Nghi Lộc, Nghệ An) chia sẻ, tổ đội cấy thuê của chị có 6 người. Họ sẽ nhận cấy thuê 1 mẫu (10 sào ruộng) với giá 7 triệu đồng. Với 1 mẫu ruộng, 6 người trong nhóm chị Xuân sẽ cấy trong vòng 2 ngày. Trung bình, mỗi ngày một người sẽ nhận được 550 nghìn đồng tiền công.

 Để cấy được nhiều ruộng, tiết kiệm thời gian và nhanh nhất, tổ đội của chị Xuân thường nhận nhiều ruộng của các hộ gia đình ở một khu vực. Khi cấy, mỗi người sẽ làm một nhiệm vụ khác nhau, người thì nhổ mạ (lúa non), người thì cấy lúa.

 Vị trí nào đất chưa bằng, họ còn phải dùng tay cào cho bằng phẳng, tránh việc lúa bị cấy khu vực cao không có nước sẽ khó phát triển. Vì tiếp xúc với bùn đất nhiều nên họ phải thường xuyên đeo găng tay.

 

 Mạ non được gieo ở một khu vực nhất định. Sau khi nhổ mạ sẽ được cho vào những chiếc chậu nhôm. Người nhổ mạ phải nhẹ tay, khéo léo tránh làm mạ bị đứt rễ hay đứt lá.

 

 Sau khi cho vào chậu, mạ sẽ được di chuyển đến khu vực cấy. Thông thường những chậu mạ sẽ được đặt sẵn dưới ruộng để người cấy có thể lấy tiện nhất.

 

 Việc cấy lúa không cần kỹ thuật cao nhưng cần sự nhanh nhẹn và chính xác để hàng lúa luôn được thẳng hàng. Lúc cấy, người dân sẽ cắm những cây lúa xuống bùn đất ở mức sâu vừa phải. Nếu cạn quá, cây lúa có thể sẽ bị nghiêng, lệch. Nếu sâu quá, lúa có thể sẽ bị chết.

 Những cây lúa sau khi cấy phải đảm bảo vừa đủ khoảng không để phát triển, không chật cũng không quá trống. Khoảng 3 tháng nữa, những cây lúa này sẽ trổ bông.

 "Nghề này khá vất vả, đi từ tờ mờ sáng đến tối. Cứ cúi lưng dưới ruộng cả ngày nên lưng đau cứng. Có hôm về chỉ nằm thôi, cả người đau nhức. Nhưng sáng hôm sau vẫn phải cố gắng đi vì mỗi mùa vụ chỉ cấy được vài chục ngày thôi", chị Hoàng Thị Lan chia sẻ và cho biết, vất vả nhưng việc cấy lúa thuê đã cho chị thu nhập khá.

 "Làm nghề này hơn 20 năm rồi, dù đau lưng, vất vả nhưng tôi vẫn sẽ tiếp tục với nghề", bà Phạm Thị Hường (trú huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) tâm sự và cho biết, nhờ cấy lúa thuê, bà có thêm tiền trang trải cho cuộc sống, có tiền cho con cái ăn học.

Tác giả: Cảnh Huệ - Phú Hưng

Nguồn tin: Báo Tiền phong