Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hà Tĩnh: Khôi phục Lễ hội Cầu Ngư làng Cam Lâm

Nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, làng Cam Lâm ở xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) tổ chức khôi phục Lễ hội Cầu Ngư đã có từ lâu đời nhưng bị mai một. Đây là dịp tưởng nhớ công đức của các vị tiền nhân có công lập làng, dựng nghề và cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, đón nhiều “lộc biển”.

Làng Cam Lâm ở xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) tổ chức khôi phục Lễ hội Cầu Ngư đã có từ lâu đời nhưng bị mai một. 


Theo đó, sáng ngày 5/2, tại đền Đông Hải, ngư dân làng biển Cam Lâm, xã Xuân Liên tổ chức lễ hội Cầu Ngư, thu hút đông đảo mọi người tham gia.

Từ lâu, tục thờ Cá Ông tại làng Cam Lâm - xã Xuân Liên chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Một phong tục đã ăn sâu trong đời sống văn hoá nhằm thể hiện sự biết ơn của ngư dân dành cho Cá Ông, đồng thời là dịp để họ cầu mong, gửi gắm những hi vọng về một năm dong buồm ra khơi suôn sẻ, thuận lợi và bình an với những khoang thuyền đầy ắp lộc trời.

Lễ hội Cầu Ngư còn cầu cho đất nước thanh bình, làng xã yên vui, nhà nhà hạnh phúc. 


Theo sử sách, năm 1953, làng Cam Lâm tổ chức Lễ rước các Thánh vị Tôn thần (Thành Hoàng làng và Ngư Ông). Mặc dù thời gian biến thiên, Lễ Cầu Ngư dần mai một, nhưng vào ngày rằm, mồng một hằng tháng, ngư dân ở làng Cam Lâm vẫn dành niềm tin tâm linh, tín ngưỡng tuyệt đối cho Ngư Ông. Cho đến nay, làng Cam Lâm tiếp tục duy trì Lễ Cầu Ngư nhưng mỗi năm một nghi thức khác nhau. Nguyện vọng chung của ngư dân là Lễ Cầu Ngư sẽ được tổ chức một cách bài bản, hấp dẫn hơn, có sức lôi cuốn được nhiều tầng lớp nhân dân các thôn, xã lân cận như Cổ Đạm, Cương Gián cùng tham gia và trở thành lễ hội mang đậm nét văn hoá tín ngưỡng, văn hoá tâm linh truyền thống ở vùng quê nơi đây. Tuy nhiên mong muốn đó còn phải giải quyết nhiều vấn đề, như kinh phí, kịch bản lồng ghép phần lễ và hội...

Sau khi làm lễ, người dân tiến hành rước Thần Ngư ra biển để cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa biển bội thu. 


Vài năm gần đây, địa phương đã kêu gọi lòng hảo tâm của những tập thể, cá nhân cùng bà con nhân dân, con em học tập, làm ăn sinh sống trên mọi miền Tổ quốc và nước ngoài đồng lòng góp công, người góp của tu sửa lại đền Đông Hải “Ngư Ông” cùng nhau xây dựng một lễ hội bài bản và trang nghiêm.

Vào dịp Tết cổ truyền hằng năm, dân làng náo nức đón xuân đồng thời tấp nập sửa soạn, mua sắm lễ vật và cùng nhau tập luyện các nghi thức để phục vụ cho Lễ hội Cầu ngư. Địa phương tiến hành họp bàn, phân công các tiểu ban chỉ đạo rất cụ thể. Một số lo tập luyện cho phần lễ, phần hội, câu lạc bộ Trò Kiều, câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm. Số khác, như con dâu, con gái các dòng họ lo tập luyện văn nghệ, các trích đoạn, diễn xướng phục vụ bà con các buổi tối những ngày diễn ra lễ hội.

Người dân đi cà kheo trong Lễ hội Cầu Ngư. 



Phần lễ, dân làng chọn ra một ban nghi lễ gồm các cụ cao niên hiền đức, có uy tín với bà con vạn chài và không vướng thời điểm đang tang chế. Tại đây, vị chánh bái dâng đồ tế lễ và đọc văn tế nói lên lòng biết ơn của dân làng đối với công đức của “Ngư Thần” và cầu mong một mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè ra khơi, vào lộng an toàn. Lễ Cầu Ngư còn cầu mùa, cầu phúc, cầu thiện, cầu an, cầu lành, cầu cho thiên nhiên thuận hoà, đất nước thanh bình, làng xã yên vui, nhà nhà hạnh phúc.

Nghi lễ chạy thuyền trong Lễ hội Cầu Ngư. 


Về phần hội, mọi người cùng tham gia các trò chơi dân gian vùng biển như: vật cổ truyền, đua thuyền, bơi lội, kéo co, đánh bóng chuyền bãi biển v.v... Về văn nghệ, các tích Trò Kiều và Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là những loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc do các thành viên câu lạc bộ của làng biểu diễn. Đến tối, lễ phóng đăng trên biển, lễ thả thuyền cúng các linh hồn đã khuất trên biển đã diễn ra, thu hút đông đảo người dân về tham dự.

Lễ hội Cầu Ngư mang nhiều giá trị tích cực của đời sống văn hoá tinh thần được tích tụ, gìn giữ bao đời. Nhưng theo thời gian, do nhiều nguyên nhân, đang bị mai một dần. Bởi vậy, việc giữ gìn, phát huy lễ hội này là nhiệm vụ cấp thiết, nhất là đối với những cư dân miền biển./.

Tác giả: Thanh Hà

Nguồn tin: tamnhin.trithuccuocsong.vn