Thúc đẩy xã hội hóa giải 'bài toán' thiếu giáo viên
- 14:12 06-02-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lãnh đạo ngành Giáo dục Nghệ An đến thăm, động viên cô trò Trường THCS Hưng Hòa (TP Vinh, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài |
Trong bối cảnh đó, ngành Giáo dục Nghệ An cần có giải pháp trước mắt và lâu dài để đáp ứng yêu cầu dạy học, triển khai Chương trình GDPT 2018. GS.TS, NGƯT Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An trao đổi cùng Báo GD&TĐ về vấn đề sử dụng và bổ sung nhân lực ngành Giáo dục thời gian tới.
Vừa thiếu giáo viên, vừa tinh giản biên chế
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An. |
- Thực tế đội ngũ giáo viên của Nghệ An hiện nay như thế nào, thưa ông?
- Qua thống kê của Sở GD&ĐT, năm 2021 Nghệ An thiếu khoảng 7.800 biên chế, trong đó, nhiều nhất là bậc mầm non với hơn 6 nghìn người, tiếp đó là bậc tiểu học, THCS và THPT và đội ngũ nhân viên. Hiện, Nghệ An mới được bổ sung hơn 2.800 biên chế nhưng nhu cầu giáo viên trên thực tế vẫn thiếu gần 7 nghìn người do số lớp, quy mô học sinh tiếp tục tăng.
Bên cạnh đó, Nghệ An còn diễn ra tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ. Sau nhiều nỗ lực điều hòa, hiện chỉ có cấp THCS thừa ít giáo viên, cấp THPT cơ bản đủ còn thiếu nhiều ở cấp Tiểu học và Mầm non.
Khi thực hiện các Nghị quyết Trung ương Đảng, ngành Giáo dục Nghệ An triển khai giảm 10% biên chế. Tuy nhiên từ trước năm 2015, Nghệ An là một trong những tỉnh thực hiện chặt chẽ khâu biên chế và giao định biên thấp hơn tỷ lệ giáo viên đứng lớp theo quy định trong điều lệ các cấp học. Vì thế, so với các tỉnh thành khác, tỷ lệ giáo viên của Nghệ An tiếp tục giảm nhưng không thấp đột ngột so với tổng chỉ tiêu được giao sau tinh giản.
- Theo ông, việc thiếu giáo viên gây khó khăn gì cho ngành Giáo dục Nghệ An, đặc biệt trong thời điểm triển khai Chương trình GDPT 2018?
- Điều dễ nhận thấy là các địa phương không có đủ giáo viên để bố trí đủ đứng lớp theo như quy định. Bên cạnh đó, Nghệ An đang thiếu nhiều giáo viên ở các môn đặc thù như Tin học và tiếng Anh, nhất là bậc tiểu học ở các huyện miền núi cao. Ở cấp THCS, thực hiện Chương trình GDPT 2018, cơ cấu môn học thay đổi so với chương trình hiện hành. Vì vậy, xu hướng là thiếu nhiều giáo viên ở các môn mới như Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội. Còn cấp THPT hiện thiếu giáo viên môn năng khiếu, nghệ thuật.
Ngoài khó khăn về tổng thể, thì mỗi địa phương cũng gặp những vướng mắc, trở ngại liên quan đến quy mô trường lớp, học sinh đặc thù. Toàn tỉnh hiện có hơn 1.500 trường học, nhưng còn hơn 1.000 điểm lẻ. Trong đó có trường ở vùng cao, biên giới đang tồn tại 5-7 điểm lẻ cách xa nhau. Điều này dẫn đến tình trạng trường được giao đủ số giáo viên/lớp nhưng để sắp xếp dạy học cho học sinh cả trường chính lẫn điểm lẻ rất khó khăn. Việc dạy các môn năng khiếu, Tin học, Ngoại ngữ cũng trở ngại do điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo và không sắp xếp được giáo viên.
Tiết học vui nhộn của cô và trò Trường Mầm non Thanh Xuân (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An). |
Sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên
- Trước những khó khăn trên, việc sử dụng đội ngũ hiện có được ngành chỉ đạo thế nào để đảm bảo nhu cầu dạy học cũng như thực hiện Chương trình GDPT 2018, thưa ông?
- Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên chúng tôi đã có nhiều giải pháp. Cụ thể, tăng sĩ số học sinh/lớp, tối đa theo các quy định. Tích cực rà soát, sắp xếp trường lớp, dồn dịch các điểm trường để “tiết kiệm” giáo viên. Động viên giáo viên cơ hữu dạy tăng tiết, thêm giờ.
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 102/NQ-CP của Chính phủ, các địa phương cũng thực hiện hợp đồng giáo viên. Theo đó, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An đồng ý, phê duyệt chỉ tiêu được hợp đồng trong tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp, mặc dù kinh phí sẽ do địa phương chi trả. Ngoài ra, một số giáo viên mới về hưu, vẫn còn nhiệt huyết, có năng lực chuyên môn, sức khỏe, các trường có thể mời họ dạy hợp đồng và trả tiền theo tiết.
Đối với vấn đề thiếu giáo viên môn mới theo Chương trình GDPT 2018, các nhà trường, địa phương khuyến khích giáo viên trong diện thừa cục bộ học văn bằng 2 để dạy Tin học hoặc các môn Khoa học, Công nghệ… Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An đã phê duyệt và cấp kinh phí thực hiện kế hoạch bồi dưỡng giáo viên dạy Chương trình SGK mới. Bao gồm tập huấn dạy môn Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội trong bối cảnh hầu hết giáo viên hiện tại được đào tạo sư phạm 1 môn.
Đối với trường THPT thiếu giáo viên nghệ thuật, có thể ký hợp đồng với các giáo viên THCS lên dạy THPT hoặc giảng viên các trường cao đẳng, các trung tâm về đứng lớp. Khi có chỉ tiêu dành cho THPT sẽ cân đối nhu cầu thực tế để tuyển giáo viên nghệ thuật.
Trong thời gian tới, tỉnh cũng mong muốn Trung ương, Bộ Nội vụ và các ban, ngành liên quan tiếp tục bổ sung biên chế để giảm bớt khó khăn do thiếu giáo viên.
- Thưa ông, Nghệ An vừa được bổ sung hơn 2.200 biên chế năm học 2022 - 2023. Vậy việc tuyển dụng được triển khai ra sao?
Hiện số biên chế trên đã được phân bổ về cho các địa phương để thực hiện tuyển dụng. Về phía ngành cũng tham mưu và đề nghị địa phương ưu tiên tuyển dụng hơn 1.700 giáo viên mầm non hợp đồng Nghị định 06 của Chính phủ và Thông tư 09 liên Bộ GD&ĐT - Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính. Số giáo viên này được tuyển dụng từ năm 2014 đến nay, giúp giải quyết bài toán thiếu đội ngũ mầm non, góp phần thực hiện phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, 4 tuổi.
Tuy nhiên, từ sau tháng 12/2021, Nghị định 06 và Thông tư 09 hết hiệu lực, ngân sách Trung ương dừng trả lương. Ngành đã sớm tham mưu giải quyết khó khăn, vướng mắc và hiện HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết chi ngân sách tỉnh trả lương cho giáo viên mầm non hợp đồng đến năm 2025. Trong thời gian này sẽ ưu tiên tuyển dụng vào biên chế để giáo viên yên tâm công tác, cống hiến. Bên cạnh đó, ngành cũng đề nghị các địa phương ưu tiên tuyển dụng giáo viên môn mới theo Chương trình GDPT 2018 và những người đã hợp đồng lâu năm khi có chỉ tiêu.
Nghệ An là một trong những tỉnh thiếu nhiều giáo viên của cả nước, đặc biệt là giáo viên Tiếng Anh, Tin học. Ảnh: Hồ Lài |
Không thể trông chờ mãi vào biên chế
- Được biết, Nghệ An có dự định đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm để đáp ứng Chương trình GDPT 2018 cũng như nâng cao chất lượng nguồn giáo viên, thưa ông?
- Trong Đề án Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông ngành GD&ĐT Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh dự kiến sẽ đào tạo 1.000 sinh viên. Số đặt hàng chủ yếu là giáo viên các môn khó tuyển như Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật…
Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này cần tính toán thực tế tại địa phương bao gồm nhu cầu vị trí việc làm, định biên được giao, thời điểm sinh viên tốt nghiệp… Đồng thời cân đối nguồn “chờ tuyển” là số sinh viên sư phạm đã tốt nghiệp và chuẩn bị tốt nghiệp trong thời gian tới, tránh tình trạng sinh viên đặt hàng sau khi tốt nghiệp lại không còn vị trí tuyển dụng.
- Vậy theo ông, về lâu dài, giải pháp nào có thể bù đắp thiếu hụt về đội ngũ để đáp ứng yêu cầu đổi mới cũng như xu thế phát triển theo hướng hội nhập, hiện đại hóa GD&ĐT?
- Nghệ An hiện vẫn thiếu gần 7 nghìn giáo viên để đáp ứng quy định tối thiểu về số giáo viên/lớp/học sinh theo điều lệ từng cấp học. Trong khi đó, ngành giáo dục đang phải thực hiện tinh giản biên chế. Vì vậy, để cấp đủ số biên chế trên là điều khó khả thi. Nhưng kể cả trong những năm tới, nếu Nghệ An dần được bổ sung biên chế, thì tỉnh vẫn sẽ thiếu giáo viên. Bởi theo dự báo tình hình quy mô học sinh, số lớp và nhu cầu sử dụng giáo viên của các bậc học trong các năm tới vẫn ngày càng tăng chứ không dừng lại hoặc giảm bớt.
Về tăng cơ học sĩ số học sinh, trung bình một năm, một độ tuổi tăng 5 nghìn em, cá biệt như năm 2019, số học sinh lớp 1 tăng đột biến đến 17 nghìn em. Trong 5 năm tới, dự kiến Nghệ An sẽ tăng khoảng 92 nghìn học sinh, đến năm 2030 tăng trên 122 nghìn học sinh. Số lượng lớp học sẽ tăng 2.228 (năm 2025) và 3.980 lớp (năm 2030). Tương ứng với đó, ngành sẽ cần thêm 9.812 giáo viên (năm 2025) và 13.307 giáo viên (năm 2030).
Như vậy, đội ngũ giáo viên sẽ ngày càng thiếu ở tất cả cấp, bậc học và biên chế mãi mãi không đáp ứng được. Ngành giáo dục cả nước và Nghệ An nói riêng không thể trông chờ vào biên chế để bù đủ giáo viên. Vì thế về lâu dài cần thúc đẩy xã hội hóa giáo dục nhất là bậc mầm non và tiểu học. Các trường tư thục, ngoài công lập sẽ “gánh bớt” học sinh và giảm lượng người biên chế trong trường công lập.
Song song với xã hội hóa giáo dục, một hướng giải pháp nữa là khuyến khích thí điểm một số cơ sở giáo dục mầm non công lập tự chủ. Tức là chốt lại số biên chế hiện có, Nhà nước chỉ phê duyệt vị trí việc làm, còn tiền lương thì nhà trường thu chi và tự trả cho giáo viên. Trong tương lai, nếu thực hiện được những giải pháp trên sẽ từng bước giải bài toán thiếu giáo viên, đồng thời chia sẻ, giảm bớt áp lực biên chế cho Nhà nước.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Nghệ An hiện có 61 trường mầm non tư thục, 285 cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Sau này khi mở rộng các khu công nghiệp, khu chế xuất tỉnh cũng kêu gọi tư nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng trường, cơ sở giáo dục mầm non. Cùng đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non. Theo đó, hỗ trợ mỗi cơ sở mầm non tư thục 50 triệu đồng; giáo viên 800 nghìn đồng/tháng/người, học sinh 160 nghìn/tháng/cháu ăn trưa bán trú. Đây chính là tiền đề, động lực tích cực cho xã hội hóa trường mầm non ngoài công lập tại Nghệ An. |
Tác giả: Hồ Lài (Thực hiện)
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn