Người phụ nữ "sập bẫy" chàng thanh niên điển trai có mác "công ty thám tử"
- 10:42 05-02-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sáng 4-2, tin từ Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Hải Dương cho biết vừa đã điều tra, làm rõ vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn giả bán phần mềm giám sát điện thoại.
Đối tượng Phùng Đức Đạt. Ảnh công an cung cấp |
Trước đó, chị V.T.H. (trú tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) có lên mạng xã hội vào ngày 1-1-2023 và đọc được thông tin trên trang fanpage "Công ty thám tử Hoàng Công 5.0" cung cấp phần mềm giám sát điện thoại. Vì có nhu cầu sử dụng, chị H. đã liên hệ với số điện thoại được ghi trên trang fanpage.
Qua trao đổi, người này hướng dẫn chị H. kết bạn Zalo để giới thiệu về sản phẩm; hướng dẫn cách thức sử dụng phần mềm giám sát và đưa ra mức phí thuê, lấy mã đăng nhập, mua gói cước, mua mã đường truyền... Ngay sau đó, chị H. đã chuyển hơn 16 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp. Một thời gian sau, không thấy đối tượng đưa hàng, phát hiện mình bị lừa, chị H. đến cơ quan công an trình báo.
Khẩn trương vào cuộc điều tra, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Hải Dương đã làm rõ đối tượng thực hiện lừa đảo là Phùng Đức Đạt (SN 2003, trú tại TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
Bị triệu tập đến cơ quan Công an, Đạt khai nhận từng biết một đối tượng chuyên lừa bán phầm mềm định vị, nghe lén điện thoại, tài khoản mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản. Đạt nhờ đối tượng này hướng dẫn cách thức làm và mở tài khoản ngân hàng để khi có người bị lừa thì yêu cầu chuyển tiền vào rồi chiếm đoạt.
Sau đó, Đạt lập fanpage có tên "Công ty thám tử Hoàng Công 5.0", đăng thông tin về việc cung cấp phầm mềm định vị, nghe lén số điện thoại, tài khoản mạng xã hội. Khi người có bị "sập bẫy", cần mua phần mềm giám sát, Đạt hướng dẫn liên hệ tới số điện thoại 0917.460.142 để hướng dẫn cách thức đăng nhập, mức phí thuê phần mềm. Nếu đồng ý, Đạt cung cấp trang web phanmemquocte.com để bị hại truy cập. Giao diện trang web có thông tin về phần mềm, ứng dụng có thể theo dõi và mức phí thuê. Khi bị hại đồng ý thuê thì chuyển tiền đến tài khoản Đạt cung cấp.
Nhận được tiền, Đạt đưa ra nhiều lý do khác nhau như cung cấp mã phần mềm, tiền thuê gói cước, chuyển tiền sai cú pháp... để yêu cầu bị hại tiếp tục chuyển tiền và chiếm đoạt.
Với thủ đoạn tương tự, từ tháng 10-2022 đến ngày 5-1-2023, Đạt lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhiều người khác nhau, trong đó có chị H..
Tác giả: Tr.Đức
Nguồn tin: Báo Người lao động