Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Vua Mai Hắc Đế
- 22:23 03-02-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Trương Tấn Sang – Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Nguyễn Sinh Hùng – Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch Quốc hội; Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành và huyện Nam Đàn.
Các đại biểu dự lễ dâng hoa, dâng hương Vua Mai Hắc Đế |
Mai Thúc Loan sinh năm Canh Ngọ (670), nguyên quán ở làng Mai Phụ, huyện Thiên Lộc (nay là xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Sau khi mang thai, thân mẫu Mai Thúc Loan dời sang thôn Ngọc Trừng, xã Đông Liệt, huyện Nam Đường (nay là xã Nam Thái, huyện Nam Đàn) sinh sống. Chứng kiến cảnh nhân dân lầm than bởi các chính sách đô hộ hà khắc, bóc lột của nhà Đường, với khát vọng giành lại độc lập tự chủ cho dân tộc, năm Quý Sửu 713, Mai Thúc Loan đã dựng cờ khởi nghĩa. Ông phát hịch kể tội giặc Đường và kêu gọi người dân đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm. Chỉ trong một thời gian ngắn, dưới sự hưởng ứng tích cực của dân chúng quanh vùng, lực lượng quân khởi nghĩa đã tăng nhanh, “trong một tuần, xa gần hưởng ứng, có quân hơn mười vạn”. Không chỉ chiêu mộ binh sĩ trong vùng Hoan Châu, ông còn chiêu tập quân 32 châu, liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp, Xảo Oa, Ja Va để đánh giặc.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dâng hương tưởng niệm Vua Mai Hắc Đế |
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dâng hương tưởng niệm Vua Mai Hắc Đế |
Sau khi lật đổ bộ máy thống trị do nhà Đường thiết lập ở Hoan Châu, Mai Thúc Loan dẫn đại quân giải phóng toàn bộ Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay), rồi thẳng tiến ra đồng bằng Bắc Bộ, bao vây, tiến công, hạ thành Tống Bình (nay là Thủ đô Hà Nội). Đất nước sạch bóng ngoại xâm, Mai Thúc Loan lên ngôi Vua, xưng là Mai Hắc Đế và tiến hành xây dựng bộ máy chính quyền từ triều đình Trung ương đến địa phương, ban hành nhiều chính lệnh quan trọng: Xóa bỏ sưu cao, thuế nặng do nhà Đường áp đặt cho nhân dân các châu, quận; chấm dứt mọi lễ cống nạp, ruộng làng nào, làng đó cày, ai làm người ấy hưởng. Nhân dân các châu, quận trong cả nước phấn khởi, hưởng ứng chính lệnh Vua ban.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh dâng hương tưởng niệm Vua Mai Hắc Đế |
Cuộc Khởi nghĩa Hoan Châu với 10 năm độc lập (713 – 723) có ý nghĩa vô cùng to lớn; là một mốc son quan trọng trên con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc sau 1.000 năm Bắc thuộc. Đồng thời là bằng chứng lịch sử hùng hồn, khẳng định khát vọng độc lập tự chủ của dân tộc ta trước sự xâm lược, thống trị ngoại bang, có tác dụng cổ vũ và tiếp thêm sức mạnh to lớn cho các thế hệ người dân xứ Nghệ và toàn thể dân tộc Việt Nam kế thừa và phát huy trong công cuộc đấu tranh bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước hàng nghìn năm qua.
Năm 722, trong cuộc chiến bảo vệ kinh đô Vạn An, Vua Mai đã anh dũng hy sinh dưới chân núi Đụn. Sau khi Vua Mai băng hà, con trai thứ ba là Mai Thúc Huy, tức là Mai Thiếu Đế lên kế vị và tiếp tục lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Tuy nhiên, sau đó không lâu bị nhà Đường đàn áp.
Các đồng chí lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo tỉnh Nghệ An dâng hương tại phần mộ Vua Mai Hắc Đế |
Để tưởng nhớ công lao của Vua Mai, nhân dân đã xây lăng mộ và lập miếu thờ. Các triều đại phong kiến nước ta đều có sắc phong truy tôn mỹ hiệu cho Mai Hắc Đế và liệt vào hàng quốc tế. Trải qua 13 thế kỷ tồn tại, lăng mộ của Vua Mai luôn được nhân dân giữ gìn chu đáo.
Trước anh linh Vua Mai, Đoàn đại biểu thành kính dâng lễ, dâng hoa, dâng hương; nghiêng mình bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với những công lao to lớn của Hoàng đế Mai Thúc Loan.
Tác giả: Quỳnh - Thúy
Nguồn tin: nghean.gov.vn