Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhiều diện tích lúa vụ Xuân ở Nghệ An chưa thể gieo cấy vì thiếu nước

Do mực nước sông Lam xuống thấp, hàng loạt trạm bơm không thể hoạt động, nhiều diện tích lúa vụ Xuân tại các huyện Thanh Chương, Đô Lương (Nghệ An) chưa thể gieo cấy đúng thời vụ khiến bà con nông dân như đang “ngồi trên đống lửa”.

 Huyện Thanh Chương gieo cấy trên 14.000 ha lúa vụ Xuân, song hiện có trên 700 ha thiếu nước chưa thể gieo cấy. 

Ghi nhận trên cánh đồng lớn tại xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, nhiều thửa ruộng chưa được gieo cấy lúa bởi không có nước, đất bạc trắng. Các con kênh, mương nước dẫn về cánh đồng đều cạn khô, không có một giọt nước nào. Lo lắng vì không có nước cấy lúa, nhiều người dân vẫn ra đồng làm đất, bón phân, chuẩn bị các điều kiện cần thiết khi có nước về sẽ sẵn sàng dẫn nước về ruộng để khẩn trương gieo cấy lúa vụ Xuân.

Anh Nguyễn Xuân Tài, xã Đồng Văn cho biết, các năm trước, lúa vụ Xuân cơ bản đã gieo cấy xong từ trong Tết. Nhưng năm nay, xong Tết đã nửa tháng, hàng trăm hộ dân xã Đồng Văn vẫn chưa thể gieo cây xong lúa vì thiếu nước. Bà con đang rất lo lắng, bởi gieo cấy quá chậm thời vụ sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất. Người dân mong muốn chính quyền cấp trên cần có biện pháp sớm dẫn nước về ruộng để người dân có thể gieo cấy lúa vụ Xuân một cách kịp thời.

Nguyên nhân của tình trạng thiếu nước trên là do các Nhà máy thủy điện từ thượng nguồn tích nước, xả nước với lưu lượng nhỏ giọt, mực nước sông Lam xuống thấp, các trạm bơm nước phục vụ sản xuất dọc sông Lam không thể hoạt động do thiếu nước để bơm hút. Đơn cử như trạm bơm Rạng, nằm trên địa bàn xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã phải “treo vòi” nửa tháng nay do nước sông cạn kiệt, máy không thể hoạt động.

Ông Lê Ngọc Hiếu, Cụm trưởng Cụm trạm bơm Rạng, huyện Thanh Chương cho biết, hiện mực nước sông Lam xuống mức rất thấp so với nhiều năm trước, cả 4 máy bơm tại trạm đều không thể hoạt động từ nửa tháng nay. Chúng tôi đã phải túc trực 24/24 giờ chờ khi Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ xả nước sẽ ngay lập tức bơm nước phục vụ cho bà con sản xuất. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nước để bơm, 570 ha lúa của xã Đại Đồng vẫn đang chờ nước để gieo cấy.

Ông Thái Đăng Phương, Phó giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy lợi Thanh Chương cho biết, trên địa bàn huyện Thanh Chương hiện có 5 trạm bơm dọc sông Lam đã phải “treo vòi” do mực nước sông Lam xuống mức quá thấp. Đơn vị đã chỉ đạo các trạm bơm túc trực 24/24 giờ để bơm hút nước, thực hiện nạo vét bể hút, nối vòi để đảm bảo việc hút cấp nước phục vụ cho người dân sản xuất. Tuy nhiên, vẫn chưa thể giải quyết được tình trạng thiếu nước sản xuất phục vụ cho việc gieo cấy lúa vụ Xuân trên địa bàn huyện.

Theo ông Thái Đăng Phương, cùng với nguyên nhân các Nhà máy Thủy điện từ thượng nguồn xả nước với lưu lượng thấp, lượng mưa ít khiến nước trên sông Lam ở mức thấp thì do dòng chảy thay đổi nên hiện nhiều máy bơm đã được lắp đặt, sử dụng từ 20 năm trước, đến nay, đã không còn đáp ứng được yêu cầu bơm hút nước. Đơn vị cũng kiến nghị chính quyền các cấp có phương án nâng cấp, sửa chữa các trạm bơm đã xuống cấp để đáp ứng việc bơm nước phục vụ sản xuất về lâu dài.

Không chỉ tại huyện Thanh Chương, nhiều diện tích ruộng lúa tại huyện Đô Lương cũng xảy ra tình trạng thiếu nước chưa thể gieo cấy vụ Xuân. Việc gieo cấy lúa vụ Xuân quá chậm thời vụ sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa, gây bất lợi cho việc sinh trưởng lúa, phòng ngừa sâu bệnh.

Ông Lê Đình Thanh, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Chương (Nghệ An) cho biết, vụ Xuân 2023, huyện Thanh Chương gieo cấy trên 14.000 ha, tuy nhiên hiện có khoảng 700 ha diện tích chưa thể gieo cấy lúa đúng thời vụ do thiếu nước. Diện tích ruộng thiếu nước cấy tập trung tại các xã Cát Văn, Phong Thịnh, Đại Đồng, Thanh Đồng, Đồng Văn và Thanh Ngọc. Phương án duy nhất hiện nay là đề nghị các Nhà máy thủy điện từ thượng nguồn tăng lưu lượng xả nước để nâng cao mực nước sông, tạo điều kiện cho các trạm bơm dọc sông Lam hoạt động, cung cấp nước kịp thời cho việc làm đất, gieo cấy lúa vụ Xuân.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An Phùng Thanh Vinh cho biết, trước thực trạng thiếu nước sản xuất tại nhiều địa phương, tôi đã trực tiếp đi kiểm tra thực tế tại các huyện Thanh Chương, Đô Lương và các trạm bơm, công trình thủy lợi. Ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh Nghệ An có công văn yêu cầu các công ty thủy điện tăng lưu lượng xả nước.

Cụ thể, Công ty Thủy điện Bản Vẽ vận hành đảm bảo tổng lưu lượng xả trung bình không nhỏ hơn 150 m3/s; Nhà máy Thủy điện Khe Bố vận hành xả nước liên tục không ít hơn 13 giờ/ngày với lưu lượng không nhỏ hơn 150 m3/s; Công ty Thủy điện Chi Khê vận hành xả nước liên tục với tổng lưu lượng xả tương đương lưu lượng đến hồ. Theo dự kiến, từ ngày 3/2 nước sẽ về đến các vùng hạ du Thanh Chương, Đô Lương nơi thiếu nước sản xuất.

Ngay sau khi có nước về, ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An yêu cầu huyện Thanh Chương, Đô Lương khẩn trương chỉ đạo các trạm bơm hoạt động hết công suất để bơm dẫn nước về ruộng lúa. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị thủy nông và bà con nhân dân cần phối hợp để thực hiện tốt để điều tiết nước, ép nước một cách hợp lý để cấy khép kín vụ xuân, ông Phùng Thanh Vinh cho biết thêm.

Tác giả: Tá Chuyên

Nguồn tin: baotintuc.vn