Ngôi đền thiêng hơn trăm năm tuổi
- 09:25 03-02-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đền Cao Sơn hơn 130 năm tuổi tại xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương (Nghệ An) |
Đầu tháng Giêng hàng năm, người dân xã Đồng Văn (Thanh Chương, Nghệ An) lại tay hương, tay nải… về lễ tại đền Cao Sơn. Tương truyền, đền Cao Sơn được xây dựng vào năm 1893, tại xóm Luân Sơn, xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương (Nghệ An) đến nay đã 130 năm. Đền có diện tích hơn 2.500m2 gồm có 3 tòa thượng điện, trung điện và hạ điện.
Theo thần tích của đền Cao Sơn (xóm Luân Sơn) ghi lại, ngày xưa, vào một trận lụt lớn, dân làng Di Luân (tên gọi trước của xã Đồng Văn) phát hiện một ống tre trong đó có đạo sắc “Thần cao sơn cao các” trôi dạt vào rú (rừng) Mỏ. Nhặt được đạo sắc, cho đó là điềm lành, dân làng vui mừng nên đã dựng đền thờ. Lúc đầu đền được dựng ở rừng Mỏ, về sau dân làng chuyển đến rừng Ông. Từ khi đền được dựng ở đây, nhiều người đồn rằng đền rất thiêng, ai đi qua không bỏ mũ nón sẽ bị thần quở trách. Dân làng lo sợ phạm lỗi nên xin chuyển ngôi đền vào đỉnh núi Ông, cách vị trí cũ vài trăm mét. Lúc đầu, đền được lợp bằng tranh, rất đơn sơ, gồm 3 nhà thượng điện là nơi đặt ngai vị, trung điện và nhà thiên hương để dân làng đến phụng sự hương khói. Từ đó, về sau, đền Cao Sơn được gọi là đền thờ Thành Hoàng của làng Di Luân.
Trong những năm 1930, đây là nơi sinh hoạt của chi bộ Đảng của xã Đồng Luân nói riêng và tổng Đại Đồng nói chung. Thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945, đền Cao Sơn là nơi hội họp của tổ chức Việt Minh làng Di Luân, xã Đồng Luân bàn kế hoạch để chuẩn bị giành chính quyền. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), đền là nơi tổ chức lớp bình dân học vụ, là nơi đặt cơ quan chỉ huy của Liên khu IV và cũng là địa điểm đóng quân, làm việc của Lữ đoàn Công binh 249…
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, hiện nay, di tích có quy mô tương đối lớn với các hạng mục công trình: Nghi môn, Hạ điện, Trung điện và Thượng điện. Trong đó, tòa Trung điện và Thượng điện tương đối nguyên vẹn, đặc biệt trên các hiên, xà nhà Thượng điện được chạm nổi, chạm lộng đã tạo nên những bức tranh vừa chân thực, vừa phóng khoáng tôn lên giá trị thẩm mỹ cho công trình kiến trúc tâm linh. Bên cạnh đó, tại di tích còn lưu giữ nhiều đồ tế khí cổ, quý đã tồn tại hơn trăm năm như: kiệu long đình, kiệu bành, hòm đựng đồ, hạc gỗ...
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Xuân Đại - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Văn cho biết, đền Cao Sơn đã có hàng trăm năm, không chỉ là nơi thờ cúng cầu an của cư dân trong vùng mà đây từng là nơi các tổ chức cách mạng quần chúng hoạt động trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Sau nhiều năm đệ trình, vào ngày 13/1 vừa qua, đền Cao Sơn được tỉnh Nghệ An xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.
Tác giả: Điền Bắc
Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết