Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nguồn cơn khiến thị trường xăng dầu bất ổn, có phải doanh nghiệp bán lẻ bị 'bỏ rơi'?

Sự bất ổn trên thị trường xăng dầu thời gian qua được các doanh nghiệp bán lẻ cho rằng do cơ chế điều hành hiện nay đang "bỏ rơi" và chèn ép các doanh nghiệp bán lẻ.

 Một cây xăng thông báo hết xăng được lực lượng chức năng kiểm tra - Ảnh: N.K

Những bức xúc trên được đại diện các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu bày tỏ trong cuộc trao đổi với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) do ông Đậu Anh Tuấn - phó tổng thư ký kiêm trưởng ban pháp chế VCCI - chủ trì chiều 31-1.

Đại diện cho hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang gửi đơn kiến nghị, ông Giang Chấn Tây, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu Trà Vinh, chỉ ra tình trạng đứt gãy nguồn cung là do "đang có vấn đề" trong quản lý kinh doanh xăng dầu.

Bán lẻ xăng dầu không có quyền?

Theo quy định, doanh nghiệp bán lẻ dù lời hay lỗ vẫn buộc phải bán hàng. Thực tế suốt thời gian dài vừa qua, dù phải chịu mức chiết khấu 0 đồng nhưng các cửa hàng vẫn phải duy trì kinh doanh.

"Nhà phân phối muốn cho chiết khấu bao nhiêu thì cho. Dù là 500 đồng, 200 đồng hay 100 đồng, hoặc thậm chí là 0 đồng nhưng chúng tôi cũng phải chấp nhận để có hàng. Thêm nữa là chúng tôi chỉ được lấy hàng từ một nguồn nên không được quyền thỏa thuận, ở vào thế rất bất lợi" - ông Tây than thở.

Thực tế này theo ông Tây, doanh nghiệp bán lẻ bị triệt tiêu cạnh tranh về chiết khấu, quan hệ giao dịch, ở vào thế bất lợi. Chưa kể, các chi phí phát sinh, doanh nghiệp còn phải chịu trách nhiệm rủi ro pháp lý, không thể bảo toàn nguồn vốn, lợi nhuận để bán hàng.

Một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Hà Giang thì kể tình huống "dở khóc dở cười" về chuyện bị "bắt chẹt". Khi lực lượng chức năng đến kiểm tra bồn thực tế cho thấy không còn hàng, đã đề nghị liên hệ với nhà phân phối để nhập hàng.

Sau khi đàm phán qua điện thoại với sự chứng kiến của cơ quan chức năng, nhà phân phối đồng ý xuất kho cho một lô hàng với mức chiết khấu 0 đồng. Doanh nghiệp chấp nhận chuyển tiền để mua hàng. Tuy vậy, khi xong việc, nhà phân phối "quay xe", từ chối bán hàng và đòi trả tiền lại.

Một đại diện doanh nghiệp tại TP.HCM sở hữu khoảng chục cửa hàng bán lẻ cho biết quy mô vốn, tài sản đầu tư lên tới hàng trăm tỉ đồng. Vì vậy, khi không thể nhập hàng, hoặc chiết khấu quá thấp, doanh nghiệp vẫn phải bán lỗ.

Ông ví tình huống này của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu như ở vào "thế đường cùng", vì nếu đóng cửa thì bị phạt, mà mở bán cũng không đành vì thua lỗ. Doanh nghiệp buộc phải "cắt máu, cắt thịt" duy trì cửa hàng.

So sánh với các thương nhân khác, ông nói tại sao thương nhân đầu mối và các khâu trung gian được hưởng chi phí định mức cố định trong công thức tính giá xăng dầu. Trong khi mức chiết khấu (hoa hồng) cho đại lý, cửa hàng bán lẻ lại do thị trường quyết định. Việc này dẫn tới khi thị trường có biến động, đầu mối và khâu trung gian "cắt" hết hoa hồng, chèn ép nhà bán lẻ.

"Chưa kể, thương nhân phân phối - cũng sở hữu cửa hàng bán lẻ - được nhập hàng từ nhiều nguồn? Trong khi đại lý, cửa hàng bán lẻ thì chỉ được nhập từ một đầu mối. Thực tế này khiến chúng tôi bị thua thiệt, khi thị trường biến động, nhà phân phối có vấn đề là nguồn hàng đứt gãy, xoay xở không kịp" - vị này bày tỏ.

Doanh nghiệp xăng dầu muốn cạnh tranh bình đẳng

Theo các doanh nghiệp, hiện nay thị trường xăng dầu có khoảng 17.000 cửa hàng. Trong đó hệ thống cửa hàng bán lẻ của hai doanh nghiệp nhà nước chiếm thị phần lớn chỉ có gần 3.000 cửa hàng. Do đó, với vai trò của các cửa hàng tư nhân cung ứng cho toàn thị trường ngày càng lớn, các doanh nghiệp kiến nghị cần sửa đổi quy định.

"Chúng tôi kỳ vọng khi Thủ tướng có chỉ đạo trong nghị quyết 03 về việc Bộ Công Thương phải sớm sửa đổi nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu. Mong muốn các bộ ngành lắng nghe doanh nghiệp bán lẻ, sửa đổi quy định đảm bảo lành mạnh thị trường, cạnh tranh bình đẳng mới giúp tháo gỡ những nút thắt hiện nay" - các doanh nghiệp đề xuất.

Theo đó, các doanh nghiệp kiến nghị cần có quy định về mức chiết khấu cố định cho đại lý bán lẻ ở mức phù hợp. Bỏ khâu trung gian phân phối xăng dầu và cho đơn vị bán lẻ được lấy hàng từ nhiều nguồn để đa dạng nguồn cung, tránh bị động khi nguồn căng thẳng.

Ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn cho biết sẽ tổng hợp các kiến nghị để làm cơ sở tham mưu, góp ý trong quá trình lấy ý kiến sửa đổi nghị định 95 và nghị định 83. Theo đó, tinh thần sửa đổi là đảm bảo tính minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho thị trường, góp phần đảm bảo cung cầu, an ninh năng lượng cho quốc gia.

Tác giả: Ngọc An

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ