Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 18/1, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 168/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Xây dựng quy hoạch đảm bảo tính chất, chức năng là trung tâm kinh tế, văn hóa mới của tỉnh

Toàn bộ ranh giới hành chính huyện Đô Lương gồm 33 đơn vị hành chính: Thị trấn Đô Lương và 32 xã thuộc huyện Đô Lương.

Quy hoạch vùng huyện Đô Lương nhằm định hướng phát triển thống nhất về không gian, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn với phát triển chung vùng Tây Nam tỉnh Nghệ An; phát triển hài hòa giữa các vùng đô thị và nông thôn, các vùng chức năng với các vùng miền. Tôn trọng tự nhiên, ứng phó với các vấn đề về biến đổi khí hậu để đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Quy hoạch xây dựng vùng huyện Đô Lương góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp, tiềm năng và thế mạnh của địa phương để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững; văn hóa - xã hội phát triển lành mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh vững chắc.

Quy hoạch vùng huyện Đô Lương nhằm mục tiêu: Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đô Lương lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 ngày 17/8/2020; bảo vệ môi trường, giữ gìn di sản văn hóa lịch sử, cảnh quan thiên nhiên và phát triển bản sắc văn hóa địa phương. Đồng thời, tạo lập cơ sở pháp lý để tích hợp vào quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và triển khai, quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, nông thôn mới, làm tiền đề thu hút đầu tư phát triển trên địa bàn huyện; làm cơ sở xây dựng tiêu chí Huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023, xây dựng huyện Đô Lương giàu mạnh, văn minh.

Quy hoạch vùng huyện Đô Lương được xây dựng đảm bảo tính chất, chức năng là trung tâm kinh tế, văn hóa mới của tỉnh Nghệ An, có vai trò động lực phát triển của vùng phía Tây tỉnh Nghệ An. Là điểm kết nối giao thông Đông, Tây, Nam, Bắc liên kết giữa các huyện phía Tây với thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, khu kinh tế Đông Nam và các huyện ven biển của tỉnh Nghệ An. Là một trong những vùng chủ đạo nằm trong Hành lang kinh tế Quốc lộ 7 với tiềm năng phát triển dịch vụ thương mại, công nghiệp, du lịch, khai thác chế biến nông lâm nghiệp... Là khu vực phát triển hài hòa các mục tiêu kinh tế, văn hóa, môi trường và an ninh quốc phòng.

Huyện Đô Lương được định hướng phân thành 03 vùng phát triển không gian theo hướng vừa kết nối với tổng thể phát triển chung của tỉnh Nghệ An, vừa khai thác hiệu quả các tiềm năng của địa bàn khu vực. Cụ thể, vùng phía Tây Bắc (gồm các xã Ngọc Sơn, Lam Sơn, Giang Sơn Đông, Giang Sơn Tây, Hồng Sơn và Bài Sơn) phát triển đô thị Giang Sơn theo hướng đô thị sinh thái. Phát triển công nghiệp khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển nông nghiệp với vùng trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, dược liệu; chăn nuôi gia súc; phát triển du lịch sinh thái gắn với hồ nước khoáng nóng Giang Sơn và các hồ đập lớn.

Vùng Trung tâm (gồm Thị trấn Đô Lương và các xã: Bắc Sơn, Bồi Sơn, Đà Sơn, Đặng Sơn, Đông Sơn, Hòa Sơn, Lạc Sơn, Lưu Sơn, Nam Sơn, Thịnh Sơn, Tràng Sơn, Văn Sơn, Yên Sơn) phát triển đô thị Đô Lương gắn với phát triển thương mại dịch vụ tổng hợp, trung tâm của vùng Tây Nam tỉnh Nghệ An; phát triển công nghiệp gồm cụm công nghiệp Lạc Sơn. Phát triển nông nghiệp với vùng trồng lúa và hoa màu sản xuất thực phẩm sạch cho các khu đô thị; phát triển du lịch gắn với văn hóa lịch sử.

Vùng Đông Nam (gồm các xã Trung Sơn, Thuận Sơn, Xuân Sơn, Tân Sơn, Minh Sơn, Thái Sơn, Quang Sơn, Thượng Sơn, Nhân Sơn, Hiến Sơn, Trù Sơn, Đại Sơn và Mỹ Sơn) phát triển đô thị Thượng Sơn; phát triển công nghiệp gồm cụm công nghiệp Thượng Sơn và vùng phát triển mở rộng không gian của khu kinh tế Nghệ An; phát triển lâm nghiệp công nghệ cao, trồng lúa và hoa màu.

Phát triển không gian đô thị và nông thôn thành 02 giai đoạn.

Về phát triển không gian đô thị được chia thành 02 giai đoạn. Định hướng phát triển gồm 03 đô thị: Đô thị Đô Lương (thị trấn Đô Lương hiện hữu và vùng phụ cận); đô thị Giang Sơn và đô thị Thượng Sơn.

Đô thị Đô Lương (đô thị loại IV): Có chức năng là Trung tâm hành chính, văn hóa, khoa học kỹ thuật và thương mại dịch vụ của huyện Đô Lương và các huyện phía Tây Nam tỉnh Nghệ An. Giai đoạn 2021-2030, gồm toàn bộ địa giới Thị trấn Đô Lương và 02 xã Đà Sơn, Đặng Sơn hiện nay; một phần diện tích các xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Bồi Sơn, Tràng Sơn, Đông Sơn, Văn Sơn, Yên Sơn, Lạc Sơn, Trung Sơn; định hướng đến năm 2030, diện tích 1.644,2ha, dân số khoảng 93.000 người, đạt tiêu chí đô thị loại IV. Giai đoạn 2030-2050, tiếp tục mở rộng lấy trọn ranh giới hành chính thị trấn Đô Lương và 11 xã: Bồi Sơn, Tràng Sơn, Đặng Sơn, Đông Sơn, Nam Sơn, Bắc Sơn, Yên Sơn, Văn Sơn, Đà Sơn, Lạc Sơn, Lưu Sơn và một phần diện tích 02 xã Thịnh Sơn, Hòa Sơn; định hướng đến năm 2050, diện tích 7.930 ha, dân số khoảng 141.000 người.

Đô thị Giang Sơn (đô thị loại V): Là đô thị sinh thái phía Tây Bắc huyện Đô Lương. Giai đoạn 2021-2030, hình thành đô thị Giang Sơn tại khu vực trung tâm xã Giang Sơn Tây; định hướng đến năm 2030, diện tích 470 ha, dân số khoảng 18.600 người, đạt tiêu chí đô thị loại V. Giai đoạn 2030-2050, tiếp tục mở rộng đất đô thị lên khoảng 750 ha; dân số khoảng 30.000 người. Hoàn thiện và nâng cao tiêu chí đô thị loại V.

Đô thị Thượng Sơn (đô thị loại V): Là đô thị thương mại dịch vụ khu vực phía Đông Nam huyện Đô Lương. Giai đoạn 2021-2030, hình thành đô thị Thượng Sơn trên cơ sở mở rộng quy hoạch đô thị đã được phê duyệt về phía Tây Bắc, phía Bắc Quốc lộ 7C. Định hướng đến năm 2030, diện tích 560 ha; dân số khoảng 22.400 người; Phát triển thành đô thị loại V. Giai đoạn 2030-2050, tiếp tục mở rộng đô thị, diện tích khoảng 1.200 ha; dân số khoảng 50.000 người. Hoàn thiện và nâng cao tiêu chí đô thị loại V.

Định hướng phát triển nông thôn: Giai đoạn 2021-2030: Thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; đồng thời, hoàn thành lập điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung xã. Cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư nông thôn hiện trạng, xây dựng và phát triển các khu dân cư mới theo quy hoạch được duyệt. Quy hoạch xây dựng các khu dân cư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, các khu dân cư kiểu mẫu phục vụ xây dựng nông thôn kiểu mẫu. Đến năm 2030, dân số nông thôn khoảng 122.000 người.

Giai đoạn 2030-2050: Xây dựng và phát triển các khu dân cư theo quy hoạch chung xây dựng nông thôn được duyệt và các khu dân cư kiểu mẫu phục vụ xây dựng nông thôn kiểu mẫu. Đến năm 2050 dân số nông thôn khoảng 104.000 người.

Quy hoạch cũng nêu rõ định hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, nông nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch; quy hoạch sử dụng đất toàn huyện; định hướng phát triển hệ thống hạ tầng xã hội; định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật...

UBND tỉnh giao UBND huyện Đô Lương phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức công bố Quy hoạch và quản lý Quy hoạch theo quy định; tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội dung quy hoạch trong các đồ án quy hoạch và quy định quản lý liên quan đã ban hành phù hợp với Quy hoạch quản lý theo đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện được phê duyệt. Đồng thời, phối hợp với các Sở, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng kế hoạch để thực hiện quy hoạch theo tiến độ và trình tự ưu tiên.

Các Sở, ngành liên quan căn cứ quy hoạch được duyệt, phối hợp với UBND huyện Đô Lương triển khai thực hiện các quy định ngành, quy hoạch xây dựng của địa phương đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất.

Tác giả: Kim Oanh (tổng hợp)

Nguồn tin: nghean.gov.vn