Nghệ An phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá
- 08:01 29-01-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thực hiện chủ trương của Trung ương và tỉnh Nghệ An, huyện miền núi Quế Phong đã bắt tay ngay vào việc xây dựng và ban hành Đề án phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 ngay khi có chỉ đạo từ các cấp chính quyền. Đến nay, nhiều mô hình du lịch cộng đồng được đầu tư, đưa vào hoạt động, thu hút du khách như bản Cọ Muồng, xã Châu Kim; bản Long Thắng xã Hạnh Dịch, gắn với thác 7 tầng…
Thác 7 tầng, điểm tham quan, khám phá hấp dẫn của du lịch Quế Phong. Ảnh: Hồng Sơn/Báo Lao Động |
Thế nhưng, việc phát triển du lịch văn hóa ở vùng đất này vẫn bị hạn chế bởi hạ tầng giao thông, cơ sở dịch vụ còn manh mún, mang tính tự phát. Ông Lò Văn Chiến, điểm du lịch bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong tỉnh Nghệ An cho biết: "Hiện tại du lịch cộng đồng đang thiếu phòng, điện. Mùa đông này đang nghỉ, thi thoảng mới có khách".
Theo bà Lô Thị Nguyệt - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, sau khi ban hành đề án phát triển du lịch, huyện đã triển khai nhiều chương trình, cách làm bài bản và mang tính bền vững để từng bước khắc phục những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn: "Huyện đã tập trung nâng cao nhận thức, trong năm huyện đã tổ chức được 4 lớp tập huấn, rồi đưa người dân, các trưởng thôn bản làm du lịch đi tham quan học tập các mô hình ở các tỉnh phía Bắc. Trên cơ sở đó huyện cũng ưu tiên một số nguồn lực định hướng và đầu tư hỗ trợ cho người dân làm du lịch trên địa bàn".
Nghệ An từ lâu được biết đến là tỉnh có hệ thống di tích, di sản rất phong phú và đa dạng, có công trình kiến trúc nghệ thuật, di tích cách mạng và di tích văn hóa gắn liền với những danh nhân văn hóa; nhiều công trình có kiến trúc đẹp và những điểm đến tâm linh nổi tiếng. Tuy nhiên, nhiều nơi chưa có kết nối với các công ty du lịch nên ngoài dịp lễ hội thường vắng khách.
Ông Vương Hồng Thái - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Đàn, Nghệ An cho rằng: "Để phát triển du lịch, đặc biệt là sau khi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chúng tôi đã chỉ đạo triển khai tập trung kêu gọi thu hút đầu tư các cơ sở hạ tầng du lịch. Mặt khác, chúng tôi chỉ đạo để xây dựng các mô hình phát triển du lịch, như mô hình trang trại sinh thái trải nghiệm, mô hình homestay".
Vườn hồng ở huyện Nam Đàn, Nghệ An thu hút du khách. Ảnh: Nhật Minh/VOV.VN |
Nhìn ra các tỉnh, thành phố trong cả nước, thực tế cho thấy phát triển du lịch dựa trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá có nhiều thành công; không chỉ du khách trong nước mà còn thu hút được lượng khách quốc tế quan tâm đến lĩnh vực du lịch văn hoá, lịch sử, tâm linh. Nhiều tỉnh, thành trong cả nước cũng đã có những cách làm sáng tạo để chuyển những câu chuyện văn hóa thành sản phẩm du lịch độc đáo.
Theo ông Phạm Hà - Chủ tịch, CEO Lux Group và là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực du lịch, để phát triển du lịch cần sự bền vững, không đánh đổi, chộp giật: "Chúng ta nên phát huy những di sản của Việt Nam và tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút khách. Cần gợi lên những câu chuyện hay, hoặc những sản phẩm du lịch sáng tạo để tạo ra sự mới mẻ cho mỗi một điểm đến tại Việt Nam. Như thế du khách có thể đến trải nghiệm nhiều lần, quay trở lại thay vì một đi không trở lại".
Theo khảo sát, sau tắm biển thì hoạt động du lịch văn hóa luôn được du khách yêu thích và Nghệ An đang có được cả hai. Tuy nhiên, hiện nay các điểm di tích lịch sử - văn hóa tại Nghệ An mới được quan tâm ở góc độ bảo tồn chứ chưa phát huy được giá trị văn hoá trong phát triển du lịch./.
Tác giả: Sỹ Đức
Nguồn tin: Báo VOV