Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nữ tiến sĩ 'gác chữ' nơi cổng trời

Cô hiệu phó trường dân tộc nội trú là giáo viên đầu tiên ở Kỳ Sơn (Nghệ An) bảo vệ thành công luận án tiến sĩ...

 Cô Huyền và học sinh người Mông tại Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh: TG

Cô Lã Thị Thanh Huyền (Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Tây Sơn) là giáo viên đầu tiên ở Kỳ Sơn (Nghệ An) bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, các đề tài của cô Huyền đều hướng đến học sinh người Mông – những đứa trẻ mà cô đã gắn bó trong hơn 20 năm dạy học.

Cô giáo vùng biên mê nghiên cứu

Những ngày cuối năm, cô Lã Thị Thanh Huyền vẫn bận rộn với đề tài nghiên cứu Biên soạn tài liệu và tổ chức dạy học song ngữ Việt – Mông cho học sinh dân tộc cấp tiểu học trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Đây là đề tài cô ấp ủ từ lâu và bắt đầu thực hiện khi nhận nhiệm vụ Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Tây Sơn năm học 2020 - 2021.

Trước đó, cô Huyền đã có nhiều năm là giáo viên môn Ngữ văn tại các trường THCS ở xã Mường Lống, Na Ngoi có đại đa số học sinh là người Mông. Cô cho hay, khó khăn nhất là học sinh dù đã lên THCS nhưng tiếng Việt chưa thành thạo, kỹ năng giao tiếp kém do quen sống trong bản làng và nói tiếng Mông. Trong khi đó, phong tục cũ chỉ có đàn ông được đi học còn hầu hết các bà, các mẹ đều không được đi học, không biết nói tiếng Kinh.

Ông Phan Văn Thiết – Trưởng phòng GD&ĐT Kỳ Sơn, Nghệ An khẳng định, cô Lã Thị Thanh Huyền là giáo viên bảo vệ thành công bằng tiến sĩ đầu tiên của huyện. Quá trình công tác, cô gắn bó với các xã có 100% người Mông hoặc chiếm đại đa số. Nhưng ở môi trường nào cô đều tâm huyết với học sinh và cống hiến cho nghề giáo. Cho đến nay, cô vẫn đóng góp nhiều sáng kiến kinh nghiệm cho ngành Giáo dục và được nhiều trường học trên địa bàn nhân rộng. Những thành quả đạt được hoàn toàn xứng đáng cho nỗ lực của cô Lã Thị Thanh Huyền và cũng là niềm tự hào của ngành Giáo dục huyện Kỳ Sơn.

“Đây là trở ngại lớn đối với việc dạy học môn Ngữ văn, bởi học sinh dân tộc thiểu số nói chung, người Mông nói riêng, việc tiếp cận văn bản đã như học ngoại ngữ. Đọc viết chưa thành thạo thì việc cảm thụ, hiểu được nội hàm văn chương là một điều… xa xỉ. Tôi không thể dạy theo giáo án thông thường, tiến trình bài giảng cũng phải xây dựng lại. Một bài học với học sinh miền xuôi có thể hoàn thành trong 1 - 2 tiết, nhưng ở trên này phải gấp đôi, gấp ba và dạy lại nhiều lần”, cô Huyền cho biết.

Để có thể dạy học hiệu quả, cô Lã Thị Thanh Huyền tranh thủ mọi nơi, mọi lúc để học tiếng Mông. Cô vào bản tìm hiểu những phong tục tập quán, làm quen với các từ ngữ hằng ngày. Rồi học từ chính học sinh của mình, cô trò phiên dịch cho nhau để cùng hiểu bài. Nhờ nỗ lực đó, Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Lống có học sinh giỏi Văn. Cô Huyền cũng đạt nhiều danh hiệu tại các cuộc thi giáo viên giỏi.

 Cô Lã Thị Thanh Huyền – Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh: TG

Tuy nhiên, theo cô Huyền, dạy học Chương trình GDPT mới, để học sinh lên tới THCS mới thành thạo tiếng Việt thì quá muộn. Với am hiểu, tâm huyết và kinh nghiệm hơn 20 năm gắn bó với học trò, cô biên soạn tài liệu và giới thiệu đến các trường có học sinh người Mông. Cô vui mừng nói: “Đến nay, nhiều trường tiểu học dạy tài liệu tôi biên soạn và có phản hồi tích cực. Học sinh người Mông vốn đã thông thạo tiếng mẹ đẻ, nên việc học chữ khá nhanh.

Một đặc điểm nữa là người Mông có tính tự hào, tự tôn, giữ gìn bản sắc văn hóa, tiếng nói dân tộc rất cao. Vì vậy, khi được học tài liệu song ngữ Việt – Mông, các em rất hào hứng, tỏ ra yêu thích, chăm chỉ. Việc dạy học này giúp học sinh có phản xạ tốt khi tiếp cận với nội dung bài học bằng cả 2 ngôn ngữ cùng lúc. Sau này, khi học sách giáo khoa hay các tài liệu khác chỉ bằng tiếng Việt, các em tiếp nhận nhanh hơn, giảm bước “chuyển ngữ” để hiểu và nắm rõ nội dung”, cô phân tích.

Đề tài này được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An đánh giá cao, hướng dẫn và hỗ trợ phát triển hoàn thiện hơn. Trước đó, từ năm 2019, cô Lã Thị Thanh Huyền là giáo viên đầu tiên ở Kỳ Sơn bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ với đề tài về Phương pháp dạy học Văn cho học sinh người Mông. Tâm huyết trăn trở của cô giáo người Kinh từ xuôi lên biên giới dạy học được dành trọn cho học sinh người Mông ở huyện Kỳ Sơn xa xôi này.

 Cô Lã Thị Thanh Huyền bảo vệ luận văn tiến sĩ tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2019. Ảnh: NVCC

Cô gái phố thành người bản Mông

Quê ở thành phố Vinh (Nghệ An), Lã Thị Thanh Huyền từ nhỏ chưa từng phải vất vả chân lấm tay bùn. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, quay về quê, gia đình định hướng cho Huyền một công việc ở gần cho thuận tiện. Dù bố mẹ một mực ngăn cản, cô gái phố lại có quyết định bất ngờ khi đăng ký nguyện vọng lên công tác tại huyện biên giới Kỳ Sơn – cách nhà hơn 250km.

Nhận công tác ở phòng GD&ĐT, cô giáo trẻ được phân công vào xã Mường Lống – cách thị trấn Mường Xén thêm 50km nữa. Nơi đây được gọi tên là “cổng trời” xứ Nghệ, vì ở độ cao trên 1.500m và có 100% bà con người Mông sinh sống. Khoảng 20 năm về trước, lên cổng trời Mường Lống chỉ có con đường mòn ngoằn ngoèo nối dốc này sang dốc khác, hết ngọn núi này lại đến ngọn núi cao hơn.

Phải mất cả ngày đường, đi xe ôm lẫn đi bộ, cô giáo trẻ mới vào đến nơi. Gian ký túc xá cho giáo viên được lợp tạm bằng tranh tre. Thời tiết thì sáng sớm và chiều về sương mù bao phủ. Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, như một thế giới khác so với nơi cô sinh ra, lớn lên và nơi cô tốt nghiệp đại học trở về.

“Nhưng tôi không thấy sốc, bởi trước khi lên đây, tôi đã xác định ở vùng cao, vùng sâu như thế này, cuộc sống chắc chắn sẽ vô vàn gian khổ. Tôi hòa nhập dần dần để có thể làm quen với học trò, phụ huynh và dạy học nơi cổng trời”, cô Lã Thị Thanh Huyền kể.

Việc tìm hiểu bản sắc người Mông dần không phải là nhiệm vụ, yêu cầu đặc thù trong dạy học ở vùng cao mà trở thành trải nghiệm, bồi đắp tình cảm. Từ thấu hiểu, gắn bó, cô Huyền nên duyên với giáo viên cùng trường và cũng là người Mông ở xã Mường Lống. Vậy là cô gái thành phố đã “nhập bản Mông”, trở thành người con bản làng đúng nghĩa.

 Lên Kỳ Sơn dạy học, cô Huyền trở thành người con của bản làng, am hiểu văn hóa Mông và giáo dục học sinh giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc mình. Ảnh: NVCC

Làm điều ý nghĩa cho quê hương thứ hai

Việc theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học và nâng cao học hàm không phải giáo viên nào cũng làm được, kể cả ở vùng thuận lợi. Cô Huyền cũng nhận được nhiều câu hỏi, thắc mắc: Học tiến sĩ làm gì? Là giáo viên dạy học ở vùng cao liệu có cần phải học lên cao thế? Hoặc bảo vệ tiến sĩ, hay lao vào nghiên cứu khoa học liệu có lãng phí?

Cô Lã Thị Thanh Huyền tâm sự, nếu chỉ dạy học, những gì được đào tạo ở trường đại học đã đủ giúp cô có kiến thức, kỹ năng cho công việc của mình. “Tôi cũng từng nghĩ mình có bằng đại học là đạt chuẩn rồi. Nhưng thực tế dạy học, nếu giáo viên không tự làm mới, nâng cao năng lực bản thân thì không phát huy được tối đa năng lực học sinh theo đặc thù thực tiễn. Và như thế không chỉ giáo viên không nâng cao năng lực bản thân, mà chính học trò cũng sẽ thiệt thòi”, cô chia sẻ.

Vì vậy từ năm 2011, cô bắt đầu xuống núi thi cao học ở Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Vinh. Đề tài Phương pháp dạy học cho học sinh người dân tộc Mông đã được cô Huyền đưa vào luận văn bảo vệ thạc sĩ thành công năm 2013. Sau đó, vì giá trị thiết thực của luận văn, cô tiếp tục được các giảng viên của Trường ĐH Vinh động viên phát triển, mở rộng hơn nữa đề tài này để làm nghiên cứu sinh.

Cô Huyền chuyển từ Mường Lống sang Na Ngoi, nơi có đại đa số học sinh người Mông và một số bản làng người Thái, Khơ Mú. Ngoài dạy học, cô còn có nhiệm vụ chăm sóc, quản lý học trò bán trú… Đây cũng là giai đoạn cuộc sống cô Huyền gặp biến cố lớn khi vợ chồng chia tay, con trai ở lại với bố tại Mường Lống, con gái theo mẹ. Lúc này, cô lại dồn tâm trí vào con cái, học trò và công việc.

Trường ĐH Vinh không đào tạo tiến sĩ chuyên ngành cô Huyền theo đuổi, nên cô phải dự tuyển làm nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Trong thời gian này, cô vừa đi học vừa đi dạy nên di chuyển liên tục từ Kỳ Sơn – Vinh – Hà Nội. Có thời điểm, cô phải xin tạm nghỉ công tác để tập trung nghiên cứu. Đến năm 2019, cô đã bảo vệ thành công và quay trở lại dạy học tại huyện biên giới.

“Luận án của tôi tập trung nội dung phương pháp dạy môn Văn – tiếng Việt cho học sinh người Mông. Bởi như đã nói, học sinh người Mông học Văn giống như phải qua một bước phiên dịch. Vì vậy, hướng các em đến năng lực giao tiếp nghe – nói – đọc tiếng Việt, yêu tiếng Việt thì sẽ hiểu và yêu môn học”, cô giáo vùng cao chia sẻ.

Nhìn lại hơn 20 năm dạy học ở Kỳ Sơn, cô Huyền không cho rằng mình vất vả hay phải chịu khổ. “Việc dạy học sinh dân tộc thiểu số, vượt rừng, leo dốc núi… đối với tôi đã thành bình thường. Bởi tôi đã coi Kỳ Sơn là quê hương của mình và muốn làm điều gì đó cho nơi đây”, cô tâm sự.

Chính vì vậy, cô Huyền không tự bằng lòng mà tiếp tục nghiên cứu bằng đam mê, trách nhiệm. Những gì cô sáng tạo từ thực tế đến nay được áp dụng, nhân rộng trong dạy học ở các nhà trường trên địa bàn huyện. “Tôi chưa bao giờ thấy việc mình bảo vệ tiến sĩ, làm nghiên cứu là lãng phí. Nguyện vọng của tôi là đề tài của mình đem lại giá trị cho giáo dục Kỳ Sơn, cho học trò người Mông thời điểm bây giờ hoặc sau này, kể cả khi tôi chuyển vị trí hay nơi công tác”, nữ tiến sĩ giãi bày.

“Như một cơ duyên, từ khi ra trường tới nay, tôi đều đến công tác ở những trường học thuộc vùng bà con dân tộc Mông sinh sống. Mường Lống là địa phương tôi có thời gian công tác dài nhất. Sau đó, tôi chuyển công tác sang Na Ngoi – xã biên giới có đại đa số học sinh người Mông”, cô giáo Lã Thị Thanh Huyền cho biết.

Tác giả: Hồ Lài

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn