Cựu Giám đốc Viện Tim Hà Nội "phối hợp ngầm" với doanh nghiệp như thế nào?
- 07:53 27-01-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong bản cáo trạng của VKSND Tối cao truy tố ông Nguyễn Quang Tuấn (cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội) về tội "Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", cơ quan tố tụng xác định ông Tuấn cùng nhiều đồng phạm đã có hành vi thông thầu, vi phạm quy định đấu thầu gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Theo VKS, từ năm 2015, ông Nguyễn Quang Tuấn đã có chủ trương cho một số doanh nghiệp (trong đó có Công ty Hoàng Nga và Công ty Hòa Phát) được ký gửi vật tư tại Bệnh viện Tim Hà Nội, để bệnh viện sử dụng trước. Sau đó, ông Tuấn mới chỉ đạo cấp dưới hợp thức, hoàn thiện các thủ tục cho các doanh nghiệp trúng thầu để thanh toán.
Ông Nguyễn Quang Tuấn. (Ảnh: BCA). |
Trong năm 2016 - 2017, Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức đấu thầu 16 gói thầu, trong đó là 5 gói thầu chuyên mua sắm hóa chất, vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch có giá trị gần 600 tỷ đồng. Quá trình tổ chức đấu thầu, ông Nguyễn Quang Tuấn là Chủ tịch Hội đồng mua sắm vật tư tiêu hao, hóa chất, thiết bị, bên cạnh 7 thành viên khác.
Theo cơ quan tố tụng, ông Tuấn có mối quan hệ quen biết từ trước với Nguyễn Đức Đảng (Chủ tịch Công ty Hoàng Nga) và Phan Tuấn Đạt (nguyên Chủ tịch Công ty Hòa Phát). Vì vậy, khi được 2 bị can trên đề nghị bán các mặt hàng vật tư y tế, tiêu hao vào bệnh viện với đơn giá có sẵn, ông Tuấn đã đồng ý.
Cuối năm 2015, Ông Tuấn ký quyết định phê duyệt danh mục mua hóa chất, vật tư năm 2016 với 807 mặt hàng, theo đơn giá phê duyệt là hơn 396 tỷ đồng, trong đó có vật tư của Công ty Hoàng Nga và Công ty Kim Hòa Phát theo đơn giá mà Nguyễn Đức Đảng đề nghị.
Thực tế, VKS xác định ông Tuấn trước đó đã chỉ đạo cho Công ty Hoàng Nga, Công ty Kim Hòa Phát ký gửi trước vật tư y tế để Bệnh viện Tim Hà Nội sử dụng trước, sau đó hợp thức, hoàn thiện các thủ tục đấu thầu, chỉ định thầu rút gọn, để 2 công ty này trúng thầu, nhằm thanh toán tiền hàng vật tư, hóa chất đã cho ký gửi, sử dụng.
Khi tổ chức xác định giá gói thầu để lập kế hoạch đấu thầu, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim giao cấp dưới tìm đơn vị thẩm định giá. Công ty định giá AIC là đơn vị được lựa chọn. Sau đó, cuối tháng 12/2015, Công ty AIC phát hành Chứng thư thẩm định giá 5 gói thầu, 807 mặt hàng, theo mức giá ấn định của Bệnh viện Tim Hà Nội là hơn 396 tỷ đồng.
Trong số 5 gói thầu năm 2016, VKS cho biết gói thầu số 5: Vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch, đã bị các bị can thỏa thuận, thống nhất để Công ty Hoàng Nga và Công ty Kim Hòa Phát trúng thầu.
Cụ thể, sau khi ông Tuấn phê duyệt kế hoạch đấu thầu, Tổ chuyên gia đấu thầu lập hồ sơ mời thầu, tổ thẩm định tiến hành thẩm định Hồ sơ. Tuy nhiên, Nghiêm Tuấn Linh (Phó Trưởng phòng Vật tư, Thiết bị y tế) không tổ chức thực hiện các công việc liên quan đến quá trình đầu thầu mà chỉ ký vào tờ trình thống nhất hồ sơ mời thầu.
Các bị can tại Bệnh viện Tim Hà Nội. (Ảnh: BCA). |
Từ đó, ông Tuấn ban hành quyết định phê duyệt và ban hành hồ sơ mời thầu đối với 5 gói thầu năm 2016, trong đó có gói thầu số 5.
VKS xác định các thành viên trong Tổ thẩm định, Tổ chuyên gia chấm thầu, đều biết rõ việc thông đồng về giá giữa Công ty Hoàng Nga, Công ty Kim Hòa Phát khi lập danh mục mua sắm, cũng như việc thông đồng với Công ty AIC để xây dựng chứng thư thẩm định giá theo đề nghị "ngầm" giữa bệnh viện với 2 doanh nghiệp.
Cuối tháng 3/2016, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội ký quyết định phê duyệt Công ty Hoàng Nga trúng đầu thầu với 14 mặt hàng, tổng trị giá hơn 41 tỷ đồng. Trước khi trúng thầu, Công ty Hoàng Nga đã ký gửi 109 stent Provona nên sau khi trúng thầu, ký hợp đồng, công ty này xuất hóa đơn GTGT để trừ dần vào một phần tổng số lượng theo quyết định trúng thầu.
Đối với Công ty Kim Hòa Phát, ông Tuấn cũng ký quyết định phê duyệt cho doanh nghiệp này trúng thầu 10 mặt hàng, tổng trị giá hơn 11,5 tỷ đồng. Giống như Hoàng Nga, Kim Hòa Phát cũng ký gửi trước đó 11 stent.
Khi vụ án được điều tra, Bộ Công an đã đề nghị Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự cấp Bộ, tiến hành định giá tài sản đối với các mặt hàng 2 doanh nghiệp trúng thầu. Kết quả cho thấy, có 5 mặt hàng của Công ty Hoàng Nga bị "thổi giá", gây thiệt hại hơn 19,7 tỷ đồng; 1 mặt hàng của Công ty Kim Hòa Phát bị nâng khống giá, gây thiệt hại hơn 3 tỷ đồng.
Tiếp tục, đối với 4 gói thầu năm 2017, VKS cáo buộc ông Nguyễn Quang Tuấn cho chủ trương sử dụng trước vật tư của các nhà thầu, không báo cáo Sở Y tế Hà Nội về thực trạng này, chỉ đạo cấp dưới hợp thức việc thanh toán bằng việc xin chủ trương chỉ định thầu rút gọn với lý do cấp bách, áp đơn giá vật tư trúng thầu ấn định theo giá đấu thầu năm 2016 để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu.
Hành vi của ông Tuấn và các bị can đối với 4 gói chỉ định thầu năm 2017 đã giúp Công ty Hoàng Nga hưởng lợi hơn 27 tỷ đồng, Công ty Kim Hòa Phát hơn 3,4 tỷ đồng. Từ đó, gây thiệt hại cho Bệnh viện Tim Hà Nội và quỹ Bảo hiểm xã hội hơn 30,7 tỷ đồng.
Như vậy, trong vụ án này, VKS đánh giá ông Nguyễn Quang Tuấn vai trò chính, là người quyết định, chỉ đạo các bị can từng là cấp dưới can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu trong 5 gói thầu, gây thiệt hại gần 54 tỷ đồng. 11 bị can còn lại có vai trò đồng phạm, giúp sức cho nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.
Trong quá trình điều tra, ông Tuấn và các bị can đã nộp khắc phục hơn 21 tỷ đồng.
Tác giả: Hải Nam
Nguồn tin: Báo Dân trí