Thắp lửa lòng nhân
- 15:37 26-01-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cán bộ Tòa án góp tiền nuôi trẻ
Tính đến giờ, sau hơn 30 năm công tác, Thẩm phán Nguyễn Công Phong, Phó Chánh án TAND huyện Quế Phong (Nghệ An) nhớ nhất những phiên tòa xét xử cặp vợ chồng Đinh Minh Thắng (SN 1971) – Lô Thị Thu (SN 1977), nhà ở bản Tạng, xã Tiền Phong. Cả Thắng và Thu đều phạm tội buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, trong những vụ án khác nhau. Anh Phong nhớ không phải do Thắng, Thu là những kẻ mưu ma chước quỷ như ngàn vạn tội phạm về ma túy khác, mà nhớ bởi hoàn cảnh trớ trêu của cặp vợ chồng có nhiều “duyên nợ” với vành móng ngựa.
Chỉ trong vòng gần 10 năm, “cặp vợ chồng ma túy” nổi tiếng nhất Tiền Phong này phải hầu tòa và “nhập khẩu” trại giam đến 4 lần, chia đều cho cả chồng và vợ. Cứ chồng chưa mãn hạn thì vợ đã vội vã vào thay, mấy đứa con hầu như không mấy khi được hưởng sự chăm bẵm của cả cha lẫn mẹ. Chúng lớn lên như cây cỏ.
“Vợ chồng Thắng có 3 đứa con, đứa lớn nhất lên 10, đứa nhỏ nhất mới 4-5 tuổi. Bố mẹ thay nhau đi tù, nhà cửa, ruộng vườn bán hết, cả 3 đứa đều sống lang thang vất vưởng. Đến giờ, tôi nhớ nhất phiên tòa xét xử Thắng. Hôm đó, trời mưa như trút. Sau khi cảnh sát dẫn giải Thắng vào Hội trường xét xử thì từ phía ngoài đứa con gái lớn và cậu con trai út của Thắng chạy ào vào ôm bố khóc.
Cả hai đứa đều gầy gò, đen đúa, lấm lem bùn đất. Sau nghe người nhà của Thắng kể rằng họ đã phải đi tìm mãi mới thấy hai đứa đang bới rác ở đầu thị trấn Kim Sơn, rồi đưa chúng về Tòa cho bố con gặp mặt. Thời điểm đó, Lô Thị Thu, vợ Thắng, đang thụ án ở Trại giam số 6 – Bộ Công an”, anh Phong nhớ lại.
Thẩm phán Nguyễn Công Phong trong một lần xuống địa bàn |
Nhìn cảnh bố con Thắng trùng phùng, cả Hội trường xét xử hôm ấy không ai cầm được nước mắt. Ai đó dúi 2 gói xôi vào tay hai đứa trẻ, nhưng chúng vẫn nhất quyết không chịu ăn mà cầm đặt vào tay bố. Thắng đẩy lại cho con. Cứ thế, mấy bố con nhường đi nhường lại cho nhau cho đến tận khi phiên tòa kết thúc, hai gói xôi vẫn nằm chơ lơ trên chiếc ghế phía sau vành móng ngựa.
Sau khi hội ý, mấy anh chị em trong Tòa án huyện Quế Phong góp mỗi người một ít tiền rồi đi mua quần áo và một số vật dụng thiết yếu như dầu, gạo, mắm, muối gửi về cho 3 đứa con của Thắng. Lần ấy, Thắng bị tuyên 36 tháng tù.
Chừng vài tháng sau, trong một lần xuống địa bàn, anh em trong Tòa án huyện lại nhìn thấy cậu con trai út của Thắng đang ngủ vạ vật trong chiếc cống thoát nước ở đầu bản Tạng. Hỏi ra mới biết kể từ khi bố mẹ đi tù, cả ba đứa con của Thắng đều lang thang xó rừng, góc núi. Hàng ngày chúng xin hay đào mót được cái gì ăn cái đấy, từ củ sắn, củ khoai đến đọt măng rừng.
Mẹ con Lô Thị Thu cầm bịch mì tôm mà cán bộ Tòa án huyện Quế Phong mua tặng |
Thấy vậy, anh chị em trong cơ quan lại quyên góp mỗi người một chút, hàng tháng đều đặn gửi cho ba đứa trẻ, thông qua một người dì của Thắng, từ 500 đến 700 ngàn để chúng lấy tiền đong gạo.
Ít lâu sau, người dì của Thắng có thông báo với anh em trong Tòa án huyện là Lô Thị Thu - vợ Thắng đã mãn hạn tù và đem mấy đứa con đi đâu không rõ. Và bà cũng đề nghị mọi người không gửi tiền chu cấp nữa. Bẵng đi một thời gian, Thu lại bị bắt với tội danh y như lần trước: Mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy. Ngày Thu bị đưa ra xét xử, họ hàng cũng vẫn phải tỏa đi tìm mãi mới đưa được hai đứa con của cô về cho gặp mẹ. Chúng vẫn đen đúa, cóc cáy, lấm lem chả khác gì mấy năm về trước.
“Hôm đó, mấy anh em trong Tòa góp tiền mua cho hai đứa bịch mì tôm, chúng cứ nhất quyết nhường cho mẹ. Thu không nhận, chỉ khóc. Mãi sau nghe mọi người giải thích là “mẹ ở trong trại có cơm rồi” chúng mới chịu cầm về. Hiện anh em trong đơn vị đang liên hệ để đưa cả ba đứa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội. Trong khi chờ đợi làm thủ tục, anh em vẫn thỉnh thoảng gửi tiền hoặc nhu yếu phẩm cho ba đứa trẻ sống qua ngày”, anh Phong tâm sự.
Trách nhiệm với cộng đồng
Tuy cách nhau cả ngàn cây số, nhưng ở miền rừng khuất nẻo Pú Nhi (Điện Biên Đông, Điện Biên) cũng có ba đứa trẻ có số phận chả khác là bao so với ba đứa con của Thắng. Chúng cũng trót được sinh ra trong một gia đình mà cả bố lẫn mẹ đều liên quan đến ma túy, cũng phải tự chăm bẵm nhau giữa ngùn ngụt mây mù. Đó là trường hợp ba đứa con của cặp vợ chồng Hạng Khua Gấu - Sủng Thị Sình, trú ở bản Háng Trợ, xã Pú Nhi.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Phó Chánh án TAND huyện Điện Biên Đông, kể: “Chồng Sình nghiện, quanh năm suốt tháng không chịu làm ăn, chỉ lo trộm cắp vặt để chích hút. Đồ đạc trong nhà từ thóc gạo, xoong nồi đến con trâu cày cũng lần lượt bị Gấu đem bán hết để lấy tiền mua ma túy. Xót của, Sình lần tìm được chỗ ma túy chồng cất giấu, mang “bán bớt” đi một tí gọi là “thu hồi” được đồng nào hay đồng ấy để mua gạo cho con. Trong lúc đem bán, Sình bị bắt. Gấu cũng phải tra tay vào còng ngay sau đó”.
Ngày Gấu và Sình bị đưa ra xét xử, hàng trăm con mắt ái ngại đổ về phía người đàn bà gầy guộc, lam lũ, chỉ vì nông nổi, thiếu hiểu biết pháp luật mà xảy ra cơ sự. Bố mẹ vịn vành móng ngựa, ba đứa con Sình, đứa lớn 9 tuổi, đứa nhỏ nhất 5 tuổi, vẫn lơ ngơ chơi ngoài sân tòa án. Chúng quá bé nhỏ để hiểu được khái niệm “đi tù” là gì, và chúng cũng không nhìn thấy được những tháng ngày cơ cực đang chờ đợi mình phía trước.
Khi được mọi người hỏi han, đứa lớn nhất lí nhí trả lời: “Cháu chỉ mong mẹ về, để mấy chị em cháu có cơm…!”. Chứng kiến cái bi kịch của gia đình này, cộng với sự ngô nghê, trong trẻo của ba đứa trẻ, đã làm lay động toàn bộ những người có mặt trong phiên tòa hôm đó.
Khung cảnh miền núi Quế Phong (Nghệ An) |
“Cả ba đứa trẻ con của Sình đều gầy gò, đen đúa, quần áo rách bươm. Từ ngày bố mẹ bị bắt, chúng sống vạ vật nhờ bà con hàng xóm, bữa đói nhiều hơn bữa no. Kết thúc phiên tòa hôm ấy, mấy anh chị em trong cơ quan mỗi người góp một ít tiền để mua quần áo và gạo cho lũ trẻ. Sau đó tôi còn liên hệ với chính quyền xã và một số cơ quan đoàn thể để hỗ trợ cho lũ trẻ lâu dài”, chị Ngân kể.
Không biết rồi đây số phận của những đứa trẻ con của Thắng – Thu, Gấu - Sình sẽ ra sao, nếu không có sự bao dung, che chở của các cán bộ Tòa án thì chúng sẽ lớn lên như thế nào khi đói khát bủa vây? Nhưng có một điều chắc chắn, đó là vết thương do những “ông bố, bà mẹ ma túy” kia gây ra cho chúng sẽ không bao giờ phai lạt. Dù trong tất cả những lần vịn vành móng ngựa, họ đều cố tỏ ra ăn năn hối lỗi và nói lời ân hận. Đôi khi họ cũng viện ra những lý do kiểu như vì đói nghèo hay là bị rủ rê lôi kéo để biện hộ cho con đường phạm tội của mình.
Thế nhưng, bất luận vì lý do gì thì cũng phải nói rằng những ông bố bà mẹ ấy đã vô trách nhiệm, đã mê muội đến tột cùng khi quăng người thân, nhất những đứa trẻ vào chồng chất khổ đau của kiếp phận làm người từ lúc chúng còn mũi dãi. Mà đầu xanh thì có tội tình gì?!
Trong tất cả mấy phiên tòa nói trên, phần lớn người ta chỉ nhìn thấy tình máu mủ ruột rà dậy lên từ những đứa con, chứ không phải toát ra từ những bậc làm cha làm mẹ. Nhưng thứ ánh sáng lấp lánh hơn cả mà ai cũng có thể nhìn thấu được là tấm lòng của những người làm công tác thực thi pháp luật. Họ không chỉ đơn giản là làm tròn nhiệm vụ xét xử mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, hơn thế nữa, họ còn biết trăn trở, thao thức với cộng đồng.
Thật khó để biết mỗi ngày có biết bao vụ án được đưa ra xét xử trên cả nước. Và càng khó có thể kể hết những câu chuyện thấm đẫm tình người chốn pháp đình và về những người cán bộ Tòa án mẫn cán, bao dung, tử tế. Họ không chỉ là cố gắng tìm vòm trời sạch che chắn cho những đứa trẻ văng ra ngoài tổ ấm, mà họ còn làm nhiều việc có ý nghĩa khác, thể hiện cao nhất trách nhiệm của mình với cộng đồng xã hội. Ví như giúp đỡ người neo đơn, tàn tật; chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; ủng hộ vì người nghèo, thiên tai lũ lụt; góp quỹ xây trường học, bệnh viện hay tài trợ cho những trẻ em nghèo vượt khó…
Tất cả những nghĩa cử cao đẹp đó nó không chỉ thể hiện truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của lớp lớp cán bộ, công chức Tòa án, mà nó còn góp phần thắp lên ngọn lửa của lòng nhân và điều thiện, thắp lên tình yêu thương giữa con người với con người.
Tác giả: Thành Dương
Nguồn tin: congly.vn