Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Rộn ràng không khí Tết tại vùng lũ từng quét qua ở Nghệ An

Sau lũ, mặc dù chưa thể trở lại cuộc sống bình thường như trước đây nhưng người dân vẫn cố gắng ổn định để vui Xuân, đón Tết Nguyên đán.

 

Tết về tại vùng đất từng là rốn lũ

Sáng 29 Tết, bà Lơm Thị Duyên (SN 1956), trú bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, đã vác gùi lên vai rồi đi ra chợ để mua lá dong, gạo nếp, đỗ xanh… về chuẩn bị gói bánh chưng.

“Chợ Tết đông người lắm nên phải đi sớm. Phong tục chúng tôi cũng gói bánh để thắp hương đêm Giao thừa nên hôm nay chuẩn bị là vừa”, bà Duyên nói.

  Sau khi đi chợ về, bà Duyên sửa soạn đồ để nấu ăn.

Ngôi nhà của bà Duyên đã bị trận lụt xảy ra vào đầu tháng 10/2022 làm hư hỏng nên hiện tại người thân, hàng xóm đã dựng giúp bà một nhà tạm phía sau bếp của người con trai thứ 2.

 

“Lũ quét tàn phá quá nhanh, gia đình chúng tôi chỉ kịp bồng bế nhau đi trú nên tài sản bị cuốn trôi hết. May sao mọi người đều bình an. Do không có nhà nữa nên chính quyền địa phương, nhà hảo tâm và sự hỗ trợ của họ hàng, làng xóm đã dựng căn nhà tạm khoảng 60m2 cho tôi chui ra chui vào”, bà Duyên kể.

Dù chẳng thể nào so sánh với cuộc sống trước lũ, thế nhưng trong hoàn cảnh như thế này, cả nhà an toàn, khỏe mạnh đã là niềm vui, là niềm hạnh phúc để chào đón năm mới.

Sau khi bà mua đầy đủ nguyên vật liệu trở về, các thành viên trong nhà quây quần với nhau để gói bánh. Bếp lửa hồng đỏ rực, khói bốc lên tỏa ra không khí ấm áp. Không ai nghĩ rằng nơi đây vừa trải qua trận lũ quét kinh hoàng cách đây 2 tháng.

Cũng lúc này, cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Nậm Cắn, Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An cũng đến chúc Tết gia đình. Thấy bà Duyên đang nấu bánh, mọi người cũng tới giúp. Cuộc trò chuyện cuối năm càng rôm rả, tiếng cười vang lên trong ngôi nhà nhỏ.

“Trận lũ ống, lũ quét xảy ra trên địa bàn huyện miền núi Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An vừa qua đã để lại hậu quả nặng nề đối với đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Cuộc sống của bà con vốn đã khó khăn nay càng khó khăn gấp bội bởi lũ đã cuốn trôi tất cả, nhiều gia đình trắng tay, rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Vì vậy, cán bộ chiến sĩ đồn đã chia nhau đến với các gia đình bị ảnh hưởng nhất để chúc Tết, cũng như giúp đỡ mọi người dọn dẹp, chuẩn bị cho Tết đến Xuân về”, Thiếu tá Nguyễn Huy Giáp, Đồn biên phòng Nậm Cắn cho biết.

 Bếp lửa hồng ấp áp những ngày cuối năm.

Sẽ sớm có nơi ở mới

Sau trận lũ quét, ngôi nhà của gia đình bà Ngân Thị Tâm, bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ bị cuốn trôi. Toàn bộ tài sản còn lại là những cột nhà chỏng chơ. Vì vậy, thời gian đầu bà phải đi ở trọ.

 Bà Tâm cùng mọi người dọn dẹp nhà cửa sau lũ.

“Nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp và nhà hảo tâm, cuộc sống gia đình đã tạm ổn định. Gia đình tôi cũng sửa sang lại căn nhà để kịp đón Tết Nguyên đán”, bà Tâm nói.

Theo bà Tâm, chính quyền địa phương đã thông báo cho nhân dân về phương án di dời. Người dân trong bản đều vui mừng, ủng hộ. Trong thời gian chờ đến nơi tái định cư, bà động viên các con dựng lại nhà để có nơi ở, vui Xuân đón Tết.

 Do vẫn phải đi ở trọ nên bà Tâm hy vọng sớm đến khu tái định cư mới.

Ông La Pha Vin, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Cạ cho biết, bản Hoà Sơn, xã Tà Cạ có 244 hộ dân, trong đó có 64 hộ nhà cửa bị lũ quét tàn phá hư hỏng phải dựng tạm lều lán để ở, một số hộ ở xen ghép với gia đình người thân. Hiện nay, còn nhiều ngôi nhà bị hư hỏng nặng, bà con chưa có điều kiện để tu sửa lại, mà đang chờ khi có đất tái định cư sẽ đưa ngôi nhà cũ đi theo để tận dụng.

Ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, để giúp người dân vùng lũ khắc phục hậu quả, huyện Kỳ Sơn đã trích từ ngân sách hỗ trợ 163 hộ với 5 triệu đồng/hộ. Ban cứu trợ của địa phương thông qua nguồn xã hội hóa hỗ trợ 167 hộ dân với số tiền 5 triệu đồng/hộ.

Sau khi lũ qua, hơn 600 tổ chức, cá nhân hỗ trợ huyện Kỳ Sơn số tiền 55 tỷ đồng khắc phục hậu quả. Cùng với đó, các nhà hảo tâm, tổ chức, cá nhân hỗ trợ nhiều tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm cho nhân dân vùng tâm lũ Kỳ Sơn.

Vấn đề cấp bách hiện nay đối với người dân vùng lũ ở Kỳ Sơn là cần di dời đến nơi tái định cư mới. Theo kế hoạch của huyện Kỳ Sơn, quy mô khu tái định cư dành cho các hộ dân phải di dời được quy hoạch với diện tích 12,9ha. Trong đó đất ở dự kiến là 5,7 ha dành cho 225 hộ. Tổng mức đầu tư khoảng 70 tỷ đồng.

 Mặc dù lũ đi qua như cuộc sống của người dân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Vì vậy, UBND huyện đã đề xuất phương án bố trí tái định cư cho bà con bản Hòa Sơn. Các sở, ngành, bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiểm tra thực địa và đang tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản liên quan sớm triển khai dự án theo tiêu chuẩn dự án cấp bách.

“Hiện nay, huyện còn hàng chục hộ dân không có nhà ở, phải ở tạm, thuê trọ hoặc ở ghép với người thân. Trong thời gian chờ đợi triển khai dự án, huyện chỉ đạo UBND xã Tà Cạ gấp rút bố trí làm nhà ở tạm để người dân yên tâm đón Tết”, ông Rê nói.

Tác giả: Anh Ngọc

Nguồn tin: nguoiduatin.vn