Thanh tra Chính phủ chỉ rõ "chiêu trò" mua bán thiết bị y tế ở Hà Nội
- 07:46 19-01-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thanh tra Chính phủ vừa công khai Kết luận thanh tra số 1116/KL-TTCP về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, thuốc phục vụ phòng chống dịch Covid-19 tại Hà Nội, giai đoạn từ 1/1/2020 đến ngày 31/12/2021.
Thanh tra Chính phủ vạch rõ hàng loạt sai phạm trong mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm ở Hà Nội (Ảnh: Quân Đỗ). |
Những gói thầu bị "đội giá" bất thường
Thanh tra Chính phủ phát hiện tờ khai hàng hóa nhập khẩu (thông quan) của các loại thiết bị y tế do nhà thầu cung cấp cho CDC Hà Nội và các bệnh viện (bản chụp) đều bị tẩy xóa, che khuất giá nhập khẩu của thiết bị.
Bệnh viện Bắc Thăng Long đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu sau khi có thư mời tham gia mua sắm trực tiếp 5 gói thầu, vi phạm quy định về đăng tải thông tin đấu thầu tại Nghị định 50/2016.
Bệnh viện Đông Anh thực hiện mua sắm Gói thầu số 01 có thay đổi từ máy thở E360E sang máy thở E360T nhưng không lấy ý kiến của hội đồng khoa học, hội đồng mua sắm, chuyên gia.
Bệnh viện Đông Anh phê duyệt dự toán một số gói thầu tư vấn có giá trị cao hơn định mức quy định tại Điều 9 Nghị định 63/2014 nhưng không lập dự toán.
Bệnh viện Bắc Thăng Long thực hiện mua sắm máy thở và máy theo dõi bệnh nhân cùng thời điểm, nhưng chia nhỏ thành các gói thầu để phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm trang thiết bị (mua sắm máy thở 3 gói, máy theo dõi bệnh nhân 2 gói), không đảm bảo quy định của Luật Đấu thầu. Kế hoạch lựa chọn nhà thầu cũng không nêu hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định.
Kết luận cho biết, một số nhà thầu được các hãng sản xuất thiết bị y tế có văn bản gửi đến UBND TP Hà Nội, Sở Y tế và các bệnh viện về việc chỉ định nhà phân phối cho hãng hoặc cam kết cung cấp đầy đủ thiết bị nếu trúng thầu. Tuy nhiên sau khi trúng thầu, các đơn vị này không mua thiết bị của hãng, mà lại mua qua các công ty khác làm tăng đơn giá thiết bị như: Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc trúng thầu 7 máy X-quang di động kỹ thuật số; Công ty TNHH đầu tư phát triển Tùng Bách trúng 12 máy thở chức năng cao, 35 máy thở xâm nhập và không xâm nhập, 8 máy theo dõi bệnh nhân 3 thông số; Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trần Lê trúng thầu 35 máy theo dõi bệnh nhân 5 thông số.
Một số bệnh viện đã mua thiết bị của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trần Lê là đơn vị mà Cục Y tế - Bộ Công an đã có quyết định năm 2019 không cho tham gia đấu thầu dự án về y tế trong Bộ Công an trong 3 năm. Tuy nhiên theo báo cáo của các bệnh viện và công ty thì Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) có văn bản cho rằng "nếu nhà thầu chỉ bị Cục Y tế - Bộ Công an cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các gói thầu, dự án y tế trong Bộ Công an thì vẫn được phép tham gia dự thầu các gói thầu, dự án của chủ đầu tư, bên mời thầu khác".
Về giá của trang thiết bị y tế, Thanh tra Chính phủ phát hiện 20 loại thiết bị y tế do các nhà thầu cung cấp cho 31 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội (58 gói thầu) được mua bán qua nhiều công ty trung gian, các công ty ký hợp đồng mua bán với nhau trong thời gian ngắn, qua mỗi lần mua bán giá trang thiết bị đều có mức chênh lệch tăng cao, dẫn đến giá của đơn vị trúng thầu cao hơn nhiều lần so với giá nhập khẩu.
Sau khi các đơn vị thực hiện hợp đồng mua sắm, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các nhà thầu giảm giá để cùng chung tay với Hà Nội chống dịch. Nhiều nhà thầu đã tiến hành ký phụ lục hợp đồng về việc giảm giá, nhưng giá một số thiết bị vẫn cao gấp nhiều lần so với giá nhập khẩu. Cụ thể, tổng giá trị trúng thầu 134,76 tỷ đồng, giá trị nhập khẩu và phụ kiện mua thêm gần 62 tỷ đồng, chênh lệch giữa giá trúng thầu và giá nhập khẩu 72,8 tỷ đồng. Sau khi thanh lý hợp đồng nhà thầu giảm giá còn 111,5 tỷ đồng, chênh lệch 49,5 tỷ đồng.
Trong đó có 41 gói thầu thiết bị tại 34 bệnh viện và CDC Hà Nội, do 2 nhà thầu đã mua, bán qua nhiều công ty trung gian và có giá trị chênh lệch lớn (giữa giá trúng thầu và giá nhập khẩu kèm phụ kiện mua thêm) là Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc trúng thầu và Công ty TNHH Đầu tư phát triển Tùng Bách trúng thầu với tổng giá trị 66,6 tỷ đồng, giá trị nhập khẩu 31,5 tỷ đồng (chênh lệch trên 35 tỷ đồng). Sau khi thanh lý hợp đồng, các nhà thầu giảm giá còn 53,5 tỷ đồng, chênh lệch 22 tỷ đồng.
Đối với 40 gói thầu thiết bị y tế tại 33 bệnh viện và CDC Hà Nội do 3 nhà thầu có giá trị chênh lệch lớn (giữa giá trúng thầu và giá nhập khẩu kèm phụ kiện mua thêm) là Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trần Lê, Công ty CP thiết bị y tế Ánh Sao và Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông với tổng giá trị trúng thầu 37,6 tỷ đồng, giá trị nhập khẩu 17 tỷ đồng, chênh lệch 20 tỷ đồng. Sau khi thanh lý hợp đồng, các nhà thầu giảm còn 35,6 tỷ đồng, chênh lệch 18,5 tỷ đồng.
Các gói thầu thiết bị còn lại có giá trúng thầu 30,5 tỷ đồng; giá trị nhập khẩu chỉ 13,3 tỷ đồng, chênh lệch hơn 17 tỷ đồng. Sau thanh lý hợp đồng nhà thầu giảm giá còn 22,2 tỷ đồng, chênh lệch 8,9 tỷ đồng.
Chênh lệch lớn giữa giá trúng thầu so với giá nhập khẩu
Về giá một số loại sinh phẩm, hóa chất, vật tư, kit xét nghiệm, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ: Mặt hàng kít Realtime PCR chẩn đoán SARS-Cov-2 được CDC Hà Nội và các bệnh viện mua của một số đơn vị trực tiếp nhập khẩu (Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông), hoặc sản xuất trong nước (Công ty Việt Á, Công ty CP Sao Thái Dương), còn lại hầu hết các đơn vị trúng thầu là đơn vị thương mại thương mại.
Vì vậy, một số gói thầu cung cấp sinh phẩm, vật tư, kít xét nghiệm của một số công ty có chênh lệch lớn giữa giá trúng thầu so với giá nhập khẩu. Cụ thể, Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông nhập khẩu kít Realtime PCR và trúng thầu có mức giá chênh lệch 2,49 lần (đến thời điểm ngày 10/11/2021, công ty này giảm giá bán và tặng hàng nhưng mức chênh lệch vẫn gấp 1,96 lần so với giá nhập khẩu); Công ty 3TK nhập khẩu và trúng thầu cung cấp vật tư y tế (7 mặt hàng) cho CDC Hà Nội có mức chênh lệch giữa giá bán và giá mua từ 1,68 lần đến 5,52 lần; Công ty TNHH phát triển công nghệ ứng dụng Việt Nam nhập khẩu và trúng thầu có mức chênh lệch từ 2,79-4,59 lần.
Tổng giá trị của các loại hóa chất, sinh phẩm, kít xét nghiệm đã được 12 đơn vị (CDC và 11 bệnh viện) thuộc Sở Y tế Hà Nội trúng thầu và ký hợp đồng mua sắm giá trị trên 73,2 tỷ; giá trị nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước là 37,5 tỷ đồng, chênh lệch 35,6 tỷ đồng. Giá trị trúng thầu sau khi giảm giá trên 70,7 tỷ đồng, chênh lệch 33 tỷ đồng.
Trong đó có một số gói thầu của Công ty 3TK trúng thầu cung cấp cho CDC Hà Nội (6 gói thầu) với tổng giá trị trên 40 tỷ đồng; giá trị nhập khẩu 20,5 tỷ đồng, chênh lệch 20,3 tỷ đồng (gấp từ 1,68-5,52 lần).
Còn lại một số gói thầu sinh phẩm, kít xét nghiệm giá trúng thầu và giá nhập khẩu chênh lệch từ 12-15 tỷ đồng.
"Trách nhiệm thuộc CDC, các bệnh trực thuộc Sở Y tế Hà Nội và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan", Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.
Sở Y tế Hà Nội (Ảnh: TT). |
Thanh tra Chính phủ khẳng định, Sở Y tế Hà Nội chưa ban hành quyết định phê duyệt phương án, đơn giá đặt hàng xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR đợt 4 (dự kiến trên 3 triệu mẫu) và CDC chưa ký hợp đồng với các đơn vị xét nghiệm nhưng vẫn gửi mẫu cho các đơn vị thực hiện xét nghiệm, dẫn đến không có căn cứ để thanh toán, gây khó khăn cho các đơn vị thực hiện.
CDC Hà Nội ký hợp đồng đặt hàng với các bệnh viện, giá kít xét nghiệm và sinh phẩm đầu vào khác nhau, trong đó một số đơn vị đã mua kít, sinh phẩm của Công ty công nghệ Việt Á với giá 47.000 đồng/kít/734.000 đồng mẫu đơn (giá mẫu xét nghiệm). Đây là mức giá đầu vào đã được đánh giá là cao so với một số công ty nhập khẩu, sản xuất (giá trúng thầu sau khi giảm giá, khuyến mãi của Công ty Phương Đông 217.273 đồng/kít).
"UBND TP Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội chưa kịp thời kiểm tra, giám sát, đôn đốc CDC và các bệnh viện trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, còn để xảy ra một số tồn tại, hạn chế trong việc tổ chức lựa chọn nhà thầu, nghiệm thu, thanh quyết toán các gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm và đặt hàng xét nghiệm", kết luận thanh tra nêu.
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: Báo Dân trí